Hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động sau Tết Ất Tỵ

Hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động sau Tết Ất Tỵ
4 giờ trướcBài gốc
Ngày mùng 5 Tết (2/2), bên cạnh việc người dân đã trở lại Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu năm mới (3/2), thì tại nhiều chợ, siêu thị trên địa bàn Thủ đô đã mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tại các chợ dân sinh hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động sau Tết Ất Tỵ.
Ghi nhận trong sáng 2/2, các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống là những mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn nhiều. Ngoài ra, do nguồn cung dồi dào, không có việc tăng giá mạnh hay đột biến như những năm trước.
Tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) và chợ Hà Đông cho thấy, các tiểu thương đã lấy hàng về và đang bày bán tại chợ. Tin vui với những tiểu thương là giá cả rau xanh các loại không có biến động lớn.
Anh Hùng, tiểu thương chợ Phùng Khoang cho biết, thường sau Tết mọi năm, giá cả các mặt hàng rau xanh, nông sản sẽ tăng lên, nhưng năm nay trời nồm, thuận lợi cho rau quả phát triển. Vì thế, giá cả các mặt hàng không có nhiều biến động.
Cụ thể, theo ghi nhận, rau bắp cải, cà rốt có giá 10.000 đồng/kg; xà chua, xà lách có giá 15.000 đồng/kg; hành lá 20.000 đồng/kg; rau cần 30.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá các mặt hàng thịt lợn cũng không có nhiều biến động so với thời điểm trước Tết. Theo đó, thịt ba chỉ có giá 150 - 155.000 đồng/kg; thịt mông sấn có giá 110 - 120.000 đồng/kg; sườn có giá 180.000 đồng/kg…
“So với ngày thường, giá cả ngày đầu năm mới cũng chỉ tăng thêm từ 2.000 - 3.000 đồng. Tôi thấy giá cả đầu năm như vậy là ổn định, chỉ tăng nhẹ so với mọi năm”, anh Hùng cho hay.
Giá rau xanh, thực phẩm tại chợ dân sinh, chợ đầu mối là vậy, còn tại các siêu thị như GO! MM Mega Market... đã bắt đầu mở hàng từ ngày mùng 2 Tết. Để đảm bảo đủ nguồn hàng với giá cả bình ổn, nhiều đơn vị đã phải làm việc từ sớm với các nhà cung cấp.
Hàng hóa tại các siêu thị cũng dồi dào, phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân những ngày đầu năm mới.
Ghi nhận chỉ trong buổi sáng ngày 5 Tết, nhiều siêu thị đã có tăng trưởng về lượng người đến cửa hàng, lượng mua hàng tăng 10 - 15% so với ngày thường, chủ yếu là ngành hàng tươi sống, rau xanh và các nhu yếu phẩm cần thiết…
Cùng với việc người dân trở lại thành phố làm việc, sau Tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết, quý I/2025 và cả năm 2025, theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết.
Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí, nhất là đối với các dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trong mùa lễ hội sau Tết.
Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý…
Đỗ Đạt
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/hang-hoa-doi-dao-gia-ca-it-bien-dong-sau-tet-at-ty-184055.html