Hàng hóa được giấu hết khi thanh kiểm tra sau vụ sữa giả bởi mất yếu tố bất ngờ

Hàng hóa được giấu hết khi thanh kiểm tra sau vụ sữa giả bởi mất yếu tố bất ngờ
7 giờ trướcBài gốc
Khi có vấn đề cần kiểm tra, cơ sở hết hàng
Sở An toàn thực phẩm TPHCM ngày 7/5 tiến hành kiểm tra cơ sở Lòng Chát tại quận Tân Bình, thương hiệu quảng cáo có lòng xe điếu dài đến 40m, từng gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tại thời điểm kiểm tra, quán thông báo... hết hàng.
Tình huống tương tự xảy ra chỉ một ngày sau đó tại chi nhánh cơ sở này ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cơ quan chức năng cũng không lấy được mẫu vì quán không có hàng.
Một số điểm kinh doanh khác tại nhiều quận, huyện ở TPHCM cũng đều thông báo không có lòng xe điếu khi Sở An toàn thực phẩm đi kiểm tra.
Cơ quan chức năng kiểm tra quán Lòng Chát vào ngày 8/5. Ảnh: Phương Thúy
Người dân rất quan tâm đến kết quả truy xuất nguồn gốc, kết quả kiểm nghiệm để xác định lòng xe điếu có sử dụng phụ gia hay hóa chất độc hại hay không. Song câu trả lời "hết hàng" của các cơ sở khi đoàn kiểm tra đến khiến băn khoăn của người dân vẫn còn... bỏ ngỏ.
Thanh tra kế hoạch hầu như không hiệu quả, rất khó để có thể bắt quả tang
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đồng thời là Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nhận định như trên tại phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra sửa đổi, sáng 22/5.
Bà Lan nêu bất cập thực tế như trên là do danh sách các đơn vị thanh tra theo kế hoạch phải công khai ít nhất từ đầu năm với sự phê duyệt của cấp trên. Trước khi đi thanh tra lại phải thông báo cho đơn vị, tổ chức để chuẩn bị nội dung.
Theo bà Lan, thanh tra theo kế hoạch thiếu tính bất ngờ, khiến việc phát hiện sai phạm trở nên khó khăn. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dẫn chứng về việc kiểm tra vấn đề sữa giả, thực phẩm chức năng giả, dù Thủ tướng yêu cầu ra quân xử lý, song lực lượng thanh tra đi đến đâu thì hàng hóa bị giấu, các nhà thuốc tìm cách đối phó.
“Thanh tra đi đến đâu là hàng hóa được giấu hết. Các nhà thuốc đều nói là không bán thực phẩm chức năng,… Rất khó để có thể bắt quả tang khi thanh tra theo kế hoạch và rầm rộ thông tin trước đó”, đại biểu đoàn TPHCM phân tích.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM). Ảnh: Media Quốc hội
Một lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương khác nhìn nhận, việc kiểm tra theo kế hoạch phải thông báo trước nên dễ ảnh hưởng đến kết quả. Vì được thông báo trước, nếu cơ sở, doanh nghiệp có vi phạm sẽ tìm cách che giấu, khi đoàn kiểm tra đến khó nắm bắt được thực tế.
Sự biến động của các cơ sở, doanh nghiệp cũng gây khó khăn cho kế hoạch kiểm tra. Khi xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, nhiều cơ sở vẫn còn hoạt động, nhưng khi thông báo kiểm tra thì đã dừng hoặc đang tạm dừng.
Trong việc quản lý thực phẩm của lĩnh vực y tế, việc hậu kiểm cũng có quy định riêng, không phải “thích kiểm tra lúc nào thì kiểm tra" mà phải có kế hoạch, thường được thực hiện hằng năm.
Sau nhiều vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả bị phát hiện, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết thực tế số lượng cơ sở sản xuất hay sản phẩm rất lớn trong khi lực lượng hậu kiểm rất mỏng. Kinh phí cho các lần kiểm nghiệm mẫu phẩm - vốn rất tốn kém - lại hạn chế ở nhiều địa phương.
Theo quy định, việc kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng hoặc theo yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, theo quyết định đột xuất của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, một lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, việc này phải có căn cứ mới ra quyết định thành lập đoàn, không phải "cứ thích kiểm tra là được".
Thanh kiểm tra đột xuất cần phải là việc làm bình thường thay vì "bất thường"
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thanh tra đang bị “trói tay, trói chân” rất nhiều, đặc biệt là quy định về thanh tra theo kế hoạch. Vì thế, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM đặt vấn đề tại sao không có những quy định thoáng hơn để có thể "thanh tra đột xuất nhiều hơn, thay vì chỉ thanh tra theo kế hoạch".
Gửi ý kiến về báo VietNamNet, nhiều độc giả cho rằng, khi kiểm tra, thanh tra báo trước có thể tạo ra tâm lý đối phó, hơn là tự giác tuân thủ. "Không ai được báo trước kế hoạch thanh kiểm tra mà không chuẩn bị 'vở sạch chữ đẹp', nhưng sau đó mọi thứ lại quay về trạng thái cũ, vậy thanh kiểm tra để làm gì?", độc giả Bình Minh nhận định.
Theo độc giả này, cần thay đổi tư duy thanh tra từ theo kế hoạch sang bám sát thực tế, không chờ sản phẩm, doanh nghiệp có "dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, phản ánh" mà thanh kiểm tra đột xuất cần phải là việc làm bình thường thay vì "bất thường", thúc đẩy trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp/cá nhân, thường xuyên duy trì sự chuẩn mực.
Đồng tình ý kiến này, độc giả Lê Hải chia sẻ nếu chờ có ý kiến phản ánh mới đi kiểm tra đột xuất thì người dân có thể rơi vào tình trạng "được vạ thì má đã sưng".
"Thanh kiểm tra đột xuất không chỉ để bắt quả tang vi phạm, mà còn là một công cụ phát hiện kịp thời những hành vi tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt với lĩnh vực sức khỏe. Quan trọng là lực lượng thanh kiểm tra phải được bố trí đầy đủ, có chuyên môn và giữ đạo đức nghề nghiệp công vụ", bạn đọc này nêu ý kiến.
Võ Thu
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/hang-hoa-duoc-giau-het-khi-thanh-kiem-tra-sau-vu-sua-gia-boi-mat-yeu-to-bat-ngo-2403927.html