Hàng hóa trên các sàn thương mại có khả năng tăng giá sau chính sách ngừng miễn thuế nhập khẩu

Hàng hóa trên các sàn thương mại có khả năng tăng giá sau chính sách ngừng miễn thuế nhập khẩu
2 ngày trướcBài gốc
Quyết định 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Theo quy định mới, mọi sản phẩm nhập khẩu qua hình thức này vượt quá mốc 1 triệu đồng sẽ bị áp dụng thuế nhập khẩu và thuế VAT.
Trao đổi với VnEconomy liên quan đến tác động của quy định mới đối với thị trường thương mại điện tử, ông Chu Xuân Thức, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh của Metric, nhận định quy định mới sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chủ thể tham gia hệ sinh thái thương mại điện tử, bao gồm các sàn giao dịch, nhà bán hàng và người tiêu dùng.
"VIỆC TĂNG GIÁ LÀ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI"
Đáng chú ý, ông Thức dự báo giá cả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử khả năng cao sẽ tăng lên trong thời gian tới. Nguyên nhân là vì số lượng các nhà bán hàng nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài và các nhà bán hàng từ nước ngoài kinh doanh trực tiếp các sản phẩm giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam hiện chiếm trọng số không nhỏ.
Trong khi đó, quy định áp thuế có hiệu lực dẫn đến biên độ lợi nhuận của các sản phẩm dưới 1 triệu đồng sẽ giảm đi. Do đó, các nhà bán hàng buộc phải tăng giá để bù đắp lỗ hổng lợi nhuận.
"Việc tăng giá là không thể tránh khỏi. Chênh lệch giá trước và sau khi Quyết định 01/2025 có hiệu lực sẽ rất đáng kể", ông Thức nhấn mạnh.
Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử sẽ hưởng lợi đáng kể vì giá hàng hóa càng cao, phí thu từ các nhà bán hàng càng lớn.
Mặc dù vậy, không phải nhà bán hàng nào cũng sẽ tăng giá. Các sản phẩm bán chạy với số lượng lớn vẫn có thể giữ nguyên mức giá nhằm duy trì lưu lượng tiêu thụ.
Theo Metric, trong năm 2024, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo) đạt 318,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng chiếm hơn 80% tổng quy mô thị trường, và tỷ lệ này không ngừng gia tăng qua các năm. Rõ ràng, điều này cho thấy nếu Việt Nam còn không áp dụng quy định mới này, thất thu thuế sẽ là con số cực kỳ lớn.
TẠO ĐỘNG LỰC CHO SẢN PHẨM NỘI ĐỊA
Trong bối cảnh kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phát triển và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế số Việt Nam, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh việc hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, cho rằng Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay ví dụ như nước Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế.
"Ngay bên cạnh chúng ta là Thái Lan, họ cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%. Như vậy không kể nhỏ hay lớn. Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Chu Xuân Thức, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Metric, với chính sách thu thuế mới, Việt Nam không chỉ bổ sung ngân sách nhờ một nguồn thu lớn trước đây chưa khai thác, mà còn tạo động lực khuyến khích sản phẩm nội địa.
Bên cạnh đó, việc áp thuế VAT trên hàng giá rẻ sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm nguy cơ hàng hóa giá rẻ kém chất lượng tràn vào thị trường.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa đề xuất thêm quy định miễn thuế nhập khẩu cho hàng mua trên sàn thương mại điện tử có giá trị tối đa 2 triệu đồng, với giới hạn 96 triệu đồng một năm cho mỗi cá nhân, tổ chức. Điều này được dự báo sẽ càng thắt chặt quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, đảm bảo công bằng cho các nhà bán hàng đồng thời cũng tăng cường nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Ngô Huyền
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/hang-hoa-tren-cac-san-thuong-mai-co-kha-nang-tang-gia-sau-chinh-sach-ngung-mien-thue-nhap-khau.htm