Đó là thông tin được ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM diễn ra chiều 15-5.
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: CQCC
Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cơ quan này đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Cụ thể, chi cục đã xử phạt 25 triệu đồng đối với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc; tạm giữ và tiêu hủy 50 tấn nội tạng đông lạnh không rõ xuất xứ trị giá gần 4,5 tỉ đồng; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện và 18.200 chai bia nhập lậu tại huyện Củ Chi và quận 12.
Lực lượng chức năng cũng phát hiện hơn 1 tấn khô bò kinh doanh trái phép trên mạng, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt 100 triệu đồng, buộc tiêu hủy.
Ông Huy cho biết, việc quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ. Số lượng giao dịch khổng lồ, sự đa dạng của các loại hình kinh doanh (từ các sàn thương mại điện tử lớn đến các website bán hàng cá nhân, bán hàng qua mạng xã hội) và chủ thể tham gia đông đảo khiến việc bao quát, giám sát trở nên vô cùng khó khăn.
Nhiều đối tượng kinh doanh không công khai địa chỉ, không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trung gian để chào bán hàng hóa; gây khó khăn trong việc xác định chủ thể và xử lý hành vi vi phạm.
Mặt khác, hàng hóa được quảng cáo trên mạng có thể không giống với thực tế, đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh. Nhiều sản phẩm không có nhãn phụ, hóa đơn chứng từ hoặc nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một số hành vi vi phạm trên môi trường mạng hiện nay vẫn chưa có quy định xử lý cụ thể hoặc mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái phạm.
Trong khi đó, một số người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ham rẻ, dễ bị thu hút bởi các quảng cáo cường điệu, sai sự thật và chưa có thói quen kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, người bán trước khi giao dịch.
Để kiểm soát tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Sở Công Thương TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tập trung vào việc kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành.
Về biện pháp kiểm soát các loại thực phẩm được vận chuyển từ các tỉnh về TPHCM, ông Huy cho biết Sở tăng cường hợp tác liên tỉnh, triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm" và phối hợp kiểm tra tại các cửa ngõ, chợ đầu mối.
Minh Anh