Các công trình này không chỉ góp phần giải tỏa áp lực giao thông, kết nối hiệu quả giữa các khu vực đô thị mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM.
Dự án Nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức, có vai trò đặc biệt quan trọng tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố
Năm 2024 hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm
PV: Năm 2024 vừa qua có thể nói là năm TP.HCM đã hoàn thành nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?
Ông Lương Minh Phúc: Nếu chúng ta nhìn lại năm 2024, có thể nói đây là năm của những công trình hoàn thành sau một giai đoạn dài. Từ 1 - 2 năm trước, chúng ta đã tiếp nhận mặt bằng từ các dự án phải chờ đợi rất lâu. Sau đó, quá trình thi công được đẩy nhanh, và đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2024, nhiều công trình đã được hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân.
Tính đến nay, tổng cộng khoảng 20 công trình đã hoàn thành. Từ đầu năm, TP.HCM đã đưa vào sử dụng các công trình như đường Tên Lửa, cầu Nam Lý, hầm HC2 tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Gần đây, chúng ta tiếp tục thông xe Quốc lộ 50 (giai đoạn 1), đường Tân Kỳ Tân Quý, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, hầm HC1 thuộc đường hầm Nguyễn Văn Linh.
Ngoài ra, một số trục đường quan trọng như Dương Quảng Hàm (giai đoạn 1) và Lương Định Của (giai đoạn 1) cũng đã hoàn thiện, cùng với việc trả lại toàn bộ mặt bằng tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sau khi xử lý các hạng mục còn lại.
Tiếp đó, chúng ta đã thông xe cầu Tân Kỳ Tân Quý và đường Hoàng Hoa Thám (giai đoạn 1) thuộc tuyến Trần Quốc Hoàn nối Cộng Hòa, hoàn thiện kết nối ba điểm đấu nối với nhà ga T3, chuẩn bị khai thác vận hành chính thức vào ngày 30/4 năm nay. Đây là những công trình giao thông quan trọng của năm 2024.
PV: Như vậy, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng. Vậy vấn đề này tại các dự án đã được tiếp nhận được triển khai như thế nào?
Ông Lương Minh Phúc: Có thể nói, năm 2024 là năm ghi dấu thành công của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tiếp nối kết quả từ dự án đường Vành đai 3, trong năm 2024, chúng ta đã tiếp nhận hơn 10 mặt bằng của các dự án từng bị đình trệ do vướng mắc mặt bằng trước đây.
Ví dụ, có thể kể đến các công trình như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long và sắp tới là cầu Ông Nhiêu trên địa bàn TP. Thủ Đức. Bên cạnh đó, các cầu như Phước Long, Rạch Đĩa, Tân Kỳ Tân Quý, cùng với các tuyến đường quan trọng như Tân Kỳ Tân Quý, Dương Quảng Hàm cũng là những dự án tiêu biểu.
Ngoài ra, đường Lương Định Của – một dự án bị kéo dài nhiều năm – cũng đã có tiến triển quan trọng. Vừa qua, chúng ta đã tiếp nhận đoạn từ Nguyễn Hoàng đến Trần Não để hoàn tất các hạng mục còn lại.
Nghị quyết 98 - Đòn bẩy phát triển hạ tầng giao thông
PV: Chúng ta đã vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội như thế nào trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông cho thành phố?
Ông Lương Minh Phúc: Năm 2024 là năm của những cơ chế đột phá, tiêu biểu là Nghị quyết 98. Trong năm 2024, chúng ta bắt đầu triển khai thực tế các cơ chế được cho phép trong nghị quyết này.
Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong nhiều dự án giao thông trọng điểm, đã được thông xe đưa vào phục vụ người dân trong những ngày cao điểm cuối năm
Đối với lĩnh vực giao thông, có 6 nội dung quan trọng; thứ nhất cho phép triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện hữu, thứ hai đó là cho phép áp dụng mô hình mới và cơ chế nhà đầu tư chiến lược đối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thứ ba ban hành hướng dẫn và cơ chế sử dụng quỹ đất để tính toán, thanh toán cho các nhà đầu tư trong các dự án BT chuyển tiếp trước đây, thứ tư đó là chúng ta được áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), tận dụng tiềm năng các khu đất để điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng, bất động sản.
Lợi nhuận từ mô hình này sẽ được trích lại để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Đây là lần đầu tiên TP.HCM áp dụng mô hình này để tạo nguồn lực thực tế từ đất đai và giao thông, để sau đó quay trở lại phục vụ trực tiếp cho việc phát triển hạ tầng giao thông thành phố và thứ năm một cơ chế nữa đó là chúng ta được tách riêng công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm A hoặc dự án trọng điểm quốc gia.
Việc này giúp rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 tháng đến 1 năm so với cách làm tuần tự trước đây, thứ sáu đó là cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Như vậy, có thể thấy năm 2024 là năm những 'quả ngọt đầu mùa' đã xuất hiện. Cụ thể, nhiều công trình đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ người dân. Bên cạnh đó, 5 dự án BOT cửa ngõ thành phố cũng đã được hình thành, bao gồm: dự án mở rộng Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A, mở rộng trục đường Nguyễn Hữu Thọ - trục Bắc Nam và dự án cầu đường Bình Tiên.
Dự kiến, trong năm 2025, thành phố sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư và chính thức khởi công các dự án này.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!
Nguyễn Sử /VOV Giao thông