Báo cáo thẩm tra dự án Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (Điều 6), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (PLTP) của Quốc hội cơ bản tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến để khắc phục vướng mắc thời gian qua và việc bổ sung thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực “giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh” để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Về mức phạt tiền trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 1 Điều 23), Ủy ban PLTP nhận thấy việc bổ sung quy định địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần trong một số lĩnh vực như “văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm” là không cần thiết bởi: Mức phạt tiền trong các lĩnh vực này đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật Thủ đô năm 2024;
Trường hợp không bổ sung nội dung này thì việc xử phạt VPHC trên địa bàn Thủ đô vẫn được áp dụng riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Thủ đô.
Về việc bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương khác, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét nội dung này khi sửa đổi toàn diện Luật, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Quang cảnh phiên họp
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (Điều 24) Ủy ban PLTP tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền;
Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới, đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực;
Về việc tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện Luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (Điều 56), Ủy ban PLTP tán thành quy định này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử lý hành vi vi phạm.
Về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 123), Ủy ban PLTP nhận thấy, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính sẽ ảnh hưởng đến quyền con người được Hiến pháp bảo vệ. Vì vậy, việc quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại dự thảo Luật là phù hợp.
Về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Điều 126), Ủy ban PLTP tán thành cần có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện quy định này, khắc phục bất cập trong xử lý tang vật, phương tiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ quy định tại khoản 25 Điều 1 của dự thảo Luật với điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 126 của Luật Xử lý VPHC để bảo đảm tính thống nhất trong cách thức xử lý; thống nhất giữa các quy định có liên quan.
Ngọc Minh