Hàng loạt dự án ngàn tỉ đình trệ

Hàng loạt dự án ngàn tỉ đình trệ
một ngày trướcBài gốc
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hàng chục dự án đến nay đã chậm tiến độ nhiều năm. Trong đó, nhiều dự án có tổng mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng "đắp chiếu" suốt nhiều năm, có nguy cơ "chết yểu", gây lãng phí rất lớn về tài nguyên và nguồn lực xã hội, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương.
Lỗi hẹn nhiều năm
Dự án Thủy điện Hồi Xuân do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam) thực hiện trên thượng nguồn sông Mã thuộc địa phận thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 3.320 tỉ đồng trên diện tích 600 ha; nhà máy có công suất 102 MW, sản lượng điện hằng năm 432 triệu KWh.
Công trình khởi công từ tháng 3-2010, dự kiến giữa năm 2014 sẽ chặn dòng, hòa lưới điện quốc gia. Thủy điện Hồi Xuân được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; góp phần cung ứng nguồn điện cho miền Trung và cả nước. Thế nhưng, sau 15 năm, dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, để lại nỗi thất vọng cho người dân, chính quyền địa phương.
Dự án Thủy điện Hồi Xuân trên sông Mã có nguy cơ “chết yểu”
Tương tự Thủy điện Hồi Xuân, dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn xây dựng tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, công suất dự kiến 2.500 tấn clinker/ngày, cũng đang đình trệ. Công trình do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Hà Nội) làm chủ đầu tư, khởi công tháng 12-2007, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I/2010. Song, đã 18 năm kể từ ngày khởi công, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Khu vực nhà điều hành và nhà ở cho công nhân xây dang dở, hoang tàn, xuống cấp.
Trên địa bàn huyện Ngọc Lặc còn có thêm 1 dự án ngàn tỉ đồng ngưng trệ suốt nhiều năm qua. Đó là dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Kiên Thọ tại xã Kiên Thọ, do Công ty CP Đầu tư - Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.680 tỉ đồng này lẽ ra đã đi vào vận hành giai đoạn 1 cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn… nằm trên giấy.
Ngoài những dự án trên, tại Thanh Hóa còn hàng loạt công trình được đầu tư với số tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng đến nay vẫn xây dựng dang dở, có dự án để đất không cả 10 năm từ khi được giao. Trong đó, đáng chú ý là dự án Nhà máy Ô tô Vinaxuki với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng; khu biệt thự Hùng Sơn (TP Sầm Sơn); khu khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại TP Thanh Hóa...
Sẽ "khai tử" nhiều dự án
Trong số các công trình chậm tiến độ, đình trệ nêu trên, nhiều dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết thu hồi, không chấp thuận gia hạn đầu tư. Đó là các dự án Nhà máy Xi măng Thành Sơn, Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Kiên Thọ; Khu Du lịch biển Golden Coast Resort Hải Hòa; Khu Du lịch công viên Biển Xanh...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Thúy Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị dừng triển khai dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn. Dù vậy, đến nay, nhà đầu tư vẫn không chịu trả đất cho địa phương. "Năm 2023, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long muốn tái khởi động dự án nhưng không được chấp thuận do gần khu dân cư. Đến nay, khu đất của dự án này vẫn để hoang phí" - ông Tuấn cho hay.
Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn sau 18 năm vẫn chỉ là bãi đất trống
Về Thủy điện Hồi Xuân, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa thông tin từ khi khởi công đến tháng 6-2014, tiến độ dự án rất chậm do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn tài chính. Năm 2014, dự án được chuyển giao cho Công ty Dịch vụ Thương mại Sản xuất và Xây dựng Đông Mê Kông, được Chính phủ bảo lãnh khoản vay thương mại 125 triệu USD. Năm 2016, dự án tái khởi động nhưng đến cuối năm 2018 lại dừng thi công. Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho hay dự án này tạm dừng thi công do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn còn thiếu. Báo cáo của chủ đầu tư cho thấy khối lượng dự án đến nay ước đạt 93%.
UBND huyện Quan Hóa nhìn nhận việc Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, dừng thi công đã ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi dự án triển khai, 500 hộ dân phải di dời, song chủ đầu tư mới bố trí được 1 khu tái định cư. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa hoàn trả 5 tuyến đường giao thông tránh ngập, thi công dang dở 2 tuyến đường và 2 cầu treo nên người dân phải di chuyển bằng đò qua sông Mã.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án nêu trên chậm tiến độ là do việc quy hoạch, xây dựng còn nhiều bất cập; một số chủ đầu tư thiếu quyết tâm, quyết liệt khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Một số nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn đầu tư, thực hiện dự án do các tổ chức tín dụng thắt chặt điều kiện cho vay...
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp HĐND tỉnh Thanh Hóa cuối năm 2024, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ. Thanh Hóa sẽ không chấp nhận nhà đầu tư hạn chế về năng lực tài chính và năng lực thực hiện dự án, không bảo đảm nguồn vốn đầu tư hoặc có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời.
Liên quan Thủy điện Hồi Xuân, từ năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chỉ đạo về tiến độ dự án, đồng thời có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng cũng đã có các văn bản chỉ đạo những bộ, ngành và cơ quan liên quan vào cuộc giải quyết. Năm 2022, dự án này đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/hang-loat-du-an-ngan-ti-dinh-tre-196250417202005745.htm