Trong một sự kiện được tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực đến người dân lẫn doanh nghiệp.
Ông Nghĩa tiết lộ, tại Hà Nội có gần 1.500 dự án bị "đắp chiếu", trong khi TP HCM là khoảng 2.600 dự án.
“Tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Ảnh minh họa. (nguồn: ST)
Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý đã có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn, hiện Hà Nội đang tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đang gặp vướng mắc, bao gồm cả những dự án chậm tiến độ, dự án bị "đắp chiếu" để tìm ra phương án giải quyết.
Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng, việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng một Nghị quyết Quốc hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý, quản lý và thủ tục hành chính...
Ông Nghĩa phân tích: Thị trường bất động sản vốn liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh Bất động sản, do đó một Nghị quyết Quốc hội, hoặc Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại.
“Đây không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp bất động sản mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở cho hàng triệu người dân. Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, trước mắt là triển khai thí điểm tháo gỡ 30% các dự án vướng mắc, sau đó sẽ mở rộng phạm vi triển khai.
Trên thực tế, thời gian qua, các chủ đầu tư đang nỗ lực tái khởi động dự án cũ và lên kế hoạch bắt tay để triển khai các dự án bị bỏ hoang trước đây. Diễn biến này được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dự án, giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Mặc dù vậy, số lượng vẫn còn rất hạn chế, song với những động thái mạnh mẽ từ các đơn vị quản lý nhà nước được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các dự án này hồi sinh trong tương lai.
Định Trần