Báo cáo thanh tra chỉ ra rằng, hai dự án xây dựng này đã bị đình trệ, không thi công trong suốt một thời gian dài, gây thiệt hại lớn và lãng phí tài chính lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Các công trình này, vốn được khởi công từ năm 2015, đã không hoàn thành theo tiến độ, với hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai.
Sai phạm trong gói thầu và đấu thầu
Hai gói thầu trọng điểm của dự án, XDBM-01 và XDVĐ-01, với tổng giá trị lên tới 4.389,9 tỷ đồng (chiếm 76,6% giá trị hợp đồng xây dựng), là trung tâm của những vi phạm nghiêm trọng. Theo kết luận, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt trước khi có thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, hoặc dự toán chi tiết. Điều này vi phạm rõ ràng Điều 7, Luật Đấu thầu 2013, khi không có cơ sở pháp lý để xác định giá gói thầu một cách chính xác.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 là dự án bệnh viện lớn, xây dựng nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả
Ngoài ra, hồ sơ mời thầu thiếu sót nghiêm trọng, không có bảng khối lượng, đơn giá chi tiết và không rõ ràng về căn cứ lập giá. Sau khi đấu thầu, liên danh Tổng Công ty 36 – 319 – Thành An và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – Hồng Hà Việt Nam đã trúng thầu, nhưng hợp đồng ký kết lại thiếu các điều khoản quan trọng như thời điểm giao mặt bằng, ngày khởi công và hoàn thành, cũng như điều khoản điều chỉnh giá.
Chỉ 8 ngày sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu đã yêu cầu điều chỉnh thiết kế dù công trình chưa khởi công và chưa có bản vẽ kỹ thuật, vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng 2014.
Cả hai dự án được triển khai mà không có thiết kế bản vẽ thi công, điều này trái với quy định nghiêm ngặt của Luật Xây dựng. Thêm vào đó, việc thay đổi phương án móng (từ khoan nhồi sang ép cọc) đã làm kéo dài thời gian thi công lên hàng trăm ngày, dẫn đến đội chi phí và lãng phí nguồn lực, ước tính thiệt hại lên đến hơn 20,7 tỷ đồng.
Các sai phạm khác trong mua sắm thiết bị y tế
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 còn gặp sai phạm nghiêm trọng trong gói thầu thiết bị y tế trị giá 51,4 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra, các hành vi vi phạm quy định đấu thầu đã được xác định rõ, đặc biệt là việc giá các thiết bị y tế được ký kết trong hợp đồng cao gấp ba lần so với giá nhập khẩu sau thuế, có nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án còn không cung cấp đầy đủ tài liệu cho đoàn thanh tra khi làm việc, vi phạm Luật Thanh tra năm 2022.
Dù các dự án đã được khởi công từ đầu năm 2015 và phần xây dựng cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng đến tháng 1/2021, thi công đã dừng lại, kéo theo sự chậm trễ nghiêm trọng. Tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, các hạng mục như điện và nước của Tổng Công ty Thành An chậm hơn 3.200 ngày, trong khi hạng mục kiến trúc của Tổng Công ty 36 chậm tới 2.903 ngày. Tại Dự án Việt Đức cơ sở 2, các hạng mục kết cấu, điện nước đều chậm từ 500 đến 950 ngày, vượt xa tiến độ cam kết.
Tình trạng dừng thi công và chậm tiến độ kéo dài đã gây lãng phí tài sản công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách và chiến lược phát triển y tế của đất nước.
Kết luận thanh tra đã chỉ rõ trách nhiệm của các lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2011-2019, người đã ký các quyết định liên quan đến hai dự án từ năm 2013 đến 2017. Các ông Nguyễn Viết Tiến và Nguyễn Trường Sơn, lần lượt là Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách xây dựng và Ban Quản lý dự án, cũng phải chịu trách nhiệm liên quan.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ về các sai phạm liên quan đến đấu thầu, thi công, và điều chỉnh thiết kế đã được chuyển sang Bộ Công an để điều tra thêm.
Nhị Hà