Hàng loạt trái cây 'quý tộc' đại hạ giá ở Trung Quốc

Hàng loạt trái cây 'quý tộc' đại hạ giá ở Trung Quốc
8 giờ trướcBài gốc
Năng suất cao khiến vải chịu áp lực giá giảm mạnh. Ảnh: Baidu.
Hè 2025 đang chứng kiến "cơn bão ngọt ngào" chưa từng có trong ngành trái cây Trung Quốc. Người dân gọi đây là "cuộc cách mạng trái cây", theo tờ Nông Thôn Nhật Ký.
Từ quý tộc hóa bình dân
Tại một cửa hàng trái cây ở Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang), bảng giá loại vải "quế hoa hương" âm thầm được thay đổi từ 68 nhân dân tệ/kg (khoảng 232.000 đồng) xuống 48 nhân dân tệ/kg (163.000 đồng). Chủ cửa hàng phấn khởi cho biết: "Ba ngày trước còn lo bán chậm, giờ mỗi ngày hết vài chục thùng".
Ở chợ đầu mối Ninh Ba, một thương nhân chứng kiến cảnh tượng còn ấn tượng hơn: 300 thùng vải nhập lúc rạng sáng, mới đến trưa đã bán sạch hơn 200 thùng. "Giá thay đổi theo ngày, nhưng lượng bán thì tăng gấp đôi", vị thương nhân này cho biết.
Không chỉ riêng vải, các loại trái cây từng được gắn mác "đắt đỏ" như việt quất, cherry, nho mẫu đơn... cũng đua nhau hạ giá. Tại Trịnh Châu, việt quất loại 125 g trước đây có giá cả trăm nhân dân tệ, nay giảm còn 9,9 tệ, dù chất lượng còn giòn và ngọt hơn mọi năm. Nho mẫu đơn cũng rớt khỏi nhóm "trăm tệ", rơi vào "câu lạc bộ mười tệ". Dâu tây còn tụt sâu xuống mức giá chỉ vài tệ.
Vải Phi Tử Tiếu giảm xuống còn khoảng 30 nhân dân tệ tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Baidu.
Trên mạng xã hội, cụm từ "tự do trái cây" gây bão với hơn 1 tỷ lượt xem. Nhiều người hài hước bình luận: "Ước mơ ăn 300 trái vải mỗi ngày của thi sĩ Lâm Tắc Tử xưa nay đã thành hiện thực!".
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của ngành trái cây Trung Quốc đến từ sự kết hợp giữa công nghệ - hạ tầng hiện đại, điều kiện thời tiết thuận lợi và thị hiếu của người tiêu dùng.
Đơn cử, diện tích trồng việt quất tăng vọt từ 483.000 mẫu (năm 2020) lên 1,438 triệu mẫu (2024), đẩy sản lượng tăng 197%. Nhờ công nghệ nhà kính, việt quất Vân Nam không chỉ cho năng suất cao mà còn ngọt và giòn hơn hàng nhập khẩu.
Với vải, năm 2024 được xem là "siêu niên vụ" với sản lượng 2,12 triệu tấn từ Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam, tăng 37,5% so với năm trước. Tại vườn vải Phi Tử Tiếu ở thành phố Mậu Danh (Quảng Đông), từng cành cây oằn xuống với hàng trăm trái.
"Một cây năm nay có thể cho 500 kg quả, bằng 3 cây năm ngoái", một nông dân hồ hởi chia sẻ.
Thời tiết cũng góp phần quan trọng. Mùa đông lạnh năm 2024 giúp vải ra hoa nhiều hơn. Đầu năm lại có đợt rét ngắn khiến vải chín đồng loạt, tạo nên hiện tượng hiếm có: "Ba mùa sớm, trung, muộn cùng chín một lúc".
Một chủ vườn ở Đông Quan cho biết: "Mọi năm vải Phi Tử Tiếu đến cuối tháng 5 mới chín, năm nay ra sớm 2 tuần, đụng ngay vải Quế Hoa Hương".
Mặt khác, hạ tầng logistics hiện đại cũng giúp giá trái cây giảm đáng kể. Nếu như trước đây, vải ở Hải Nam chỉ được vận chuyển bằng máy bay, đội chi phí lên tới 100 nhân dân tệ/kg, thì nay chuyển sang đường bộ, giá giảm phân nửa. Nhờ chuỗi cung ứng lạnh 48 giờ, tỷ lệ hao hụt giảm xuống dưới 10%.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc ứng dụng chuỗi cung ứng lạnh 48 giờ, giúp tỷ lệ hao hụt trái cây giảm xuống dưới 10%. Ảnh: Jinpai News.
Những năm qua, các nền tảng thương mại điện tử như Hema (hệ thống siêu thị của Alibaba) hay Pinduoduo cũng tiếp tục tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Hema xây dựng mạng lưới 185 "làng Hema" để chuyển trái cây từ trang trại thẳng tới kệ hàng, như dưa Hami từ Tân Cương chỉ mất 72 giờ để tới Thượng Hải. Trong khi đó, Pinduoduo gom đơn nhỏ thành đơn lớn giúp giá tại vườn ở Quảng Tây tăng 20%.
Thậm chí, một nông dân trồng việt quất ở Vân Nam còn nói: "Trước kia ngẩng đầu nhìn trời, nay cúi đầu xem màn hình".
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Trung Quốc cũng chuyển từ "ăn để khoe" sang "ăn có lý". Khảo sát thị trường cho thấy tỷ lệ người sẵn sàng mua trái cây giá cao giảm mạnh từ 68% năm 2020 xuống còn 42% vào 2024.
Tiêu biểu như chị Tiểu Lý - nhân viên văn phòng tại Hàng Châu chia sẻ: "Trước chỉ chọn việt quất Chile, giờ chuyển sang hàng nội vì ngon hơn mà giá rẻ một nửa".
Chất lượng trái cây nội địa cũng được đánh giá đang tăng vọt. Vải Quan Âm Lục của Đông Quan có độ ngọt tới 20 brix, cao hơn 15% so với giống Thái Lan.
Tương lai ngành trái cây Trung Quốc
Tết Đoan Ngọ sẽ là cao điểm mùa trái cây ở Trung Quốc. Vải Phi Tử Tiếu tại Quảng Đông ra thị trường với giá đầu mùa khoảng 10-15 nhân dân tệ/kg, dự kiến giảm xuống còn 5-8 tệ khi sản lượng tăng mạnh. Việt quất cũng sẽ rớt giá trong mùa cao điểm tháng 5-6.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng những giống cao cấp như Băng Lệ hay Tiên Tiến Phụng vẫn giữ giá ổn định, trong khi các loại giá rẻ chủ yếu là giống phổ thông.
Giá trái cây Trung Quốc được dự đoán tiếp tục giảm nhưng chất lượng sẽ không khác biệt. Ảnh: Baidu.
Dù trong ngắn hạn, người tiêu dùng đang hưởng lợi, người nông dân lại đối mặt với bài toán "được mùa mất giá". Giá vải bán buôn năm 2024 đã giảm 40% so với năm trước, khiến nhiều vùng rơi vào cảnh "càng bán càng lỗ".
Với doanh nghiệp, cuộc đua hiệu suất chuỗi cung ứng cũng ngày càng khốc liệt. Các thương hiệu lớn như Baiguoyuan đã giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 3%, thấp hơn trung bình ngành tới 12%.
Tuy vậy, trong dài hạn, có thể thấy ngành trái cây Trung Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ. Tại Mậu Danh, máy bay không người lái đã giám sát độ ngọt theo thời gian thực, cùng với dây chuyền tự động phân loại vải theo 18 cấp độ.
Các giống cao cấp được xuất khẩu sang châu Âu với giá lên tới 40 euro/kg. Mô hình "nông nghiệp đơn hàng" giúp 60% sản lượng được đặt trước ngay từ khi ra hoa, đưa Trung Quốc thực hiện hóa mục tiêu từ "nước lớn nông nghiệp" thành "cường quốc nông nghiệp thông minh".
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/hang-loat-trai-cay-quy-toc-dai-ha-gia-o-trung-quoc-post1554742.html