Theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có chế độ tiền thưởng căn cứ vào thành tích công tác và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Quỹ tiền thưởng hằng năm được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương. Đây là lần đầu tiên, cán bộ, công chức, viên chức có khoản này.
Hiện các trường học trên cả nước đang tích cực thực hiện các thủ tục để giáo viên nhận khoản tiền này trước Tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều giáo viên lo không nhận được mức thưởng này, với lý do đơn vị công tác được xếp vào nhóm tự chủ.
Thầy Nguyễn Văn Đường, trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) cho biết, những năm trước đây, giáo viên các trường công lập không có thưởng Tết hay lương tháng thứ 13 như nhiều ngành nghề khác. Khi Nghị định 73 được ban hành, thầy cô ai cũng vui mừng, kỳ vọng năm nay là Tết đầu tiên, thầy cô được thưởng từ 4-7 triệu đồng.
Chưa kịp vui mừng, thông tin giáo viên tại các trường tự chủ hoàn toàn và đơn vị đã đăng kí đặt hàng giá dịch vụ giáo dục sẽ không thuộc nhóm đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm, khiến cho nhiều giáo viên, trong đó có thầy Đường không khỏi hụt hẫng.
Hàng trăm giáo viên Hà Nội lo lắng trước nguy cơ mất tiền thưởng cuối năm. (Ảnh minh họa)
Thầy Đường đã cùng hơn 500 giáo viên khác viết tâm thư kiến nghị, gửi lãnh đạo thành phố xem xét. Theo thầy, trên địa bàn Hà Nội hiện có 123 trường THPT thuộc quản lý của Sở GD&ĐT được giao quyền tự chủ tài chính.
Ngoài ra, 30 quận, huyện mỗi nơi có khoảng 3 - 9 trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm tự chủ. Như vậy ước tính, ít nhất 200 trường học và hàng nghìn giáo viên toàn thành phố bị ảnh hưởng.
Trước đó, tháng 11/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các trionowfg công lập trực thuộc Sở giai đoạn 2024-2025. Việc giao quyền tự chủ về bản chất không phải nguồn thu của các trường tăng lên mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng.
"Những giáo viên công tác trong các trường chưa thực hiện tự chủ sẽ được hưởng chế độ, trong khi giáo viên của các đơn vị khác lại không. Chưa kể, việc một số đơn vị thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục không được hưởng thu nhập tăng thêm, sẽ khiến cho các đơn vị khác không tham gia đặt hàng giá dịch vụ nữa", thầy Đường nói.
Cô Đỗ Thị Kim Oanh, giáo viên trường THCS Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cũng bày tỏ hẫng hụt khi nhận được thông báo không thuộc đối tượng thụ hưởng vì nhà trường đã là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
"Là viên chức giáo dục, được biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, tôi nghĩ mình có nghĩa vụ và quyền lợi như bao viên chức giáo dục trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn quốc. Chỉ vì nhà trường đã được xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn mà không được hưởng quyền lợi như bao viên chức khác là một điều hết sức vô lý", cô Oanh nói.
Do vậy, cô Oanh đề nghị Sở GD&ĐT, các cấp có thẩm quyền xem xét quy định về tự chủ và hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. "Bản chất các trường mới đang thí điểm tự chủ được vài tháng, chưa thực sự tự chủ hoàn toàn về nguồn thu chi tài chính, nếu giờ giáo viên mất thưởng Tết sẽ rất bất công", nữ giáo viên nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, các trường không tự chủ trên địa bàn Hà Nội hiện đã có phương án chia thưởng Tết Nguyên đán 2025 theo Nghị định 73 với ba mức: hoàn thành, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phổ biến từ 4 đến 7 triệu đồng mỗi người.
Cách đây vài tuần, khoảng 1.800 giáo viên ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cũng lo lắng khi mất thưởng Tết Nguyên đán 2025 theo Nghị định 73. Nguyên nhân do phòng Nội vụ của huyện cho rằng Nghị định có hiệu lực từ 1/7, trong khi việc đánh giá, xếp loại giáo viên đã diễn ra vào tháng 5 và các giáo viên trường THPT công lập chưa tự chủ vẫn được nhận tiền.
Sau nhiều kiến nghị của giáo viên, phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn đề xuất lên cấp trên và được Sở Tài chính đồng ý chi thưởng.
Kim Nhung