Hàng nghìn giáo viên ở Thanh Hóa ngóng tiền dạy thêm giờ

Hàng nghìn giáo viên ở Thanh Hóa ngóng tiền dạy thêm giờ
5 giờ trướcBài gốc
Thầy và trò điểm trường Mùa Xuân, Trường Tiểu học Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa).
Tuy nhiên, năm học 2024 - 2025 đã qua một học kỳ nhưng thầy cô vẫn ngóng chế độ làm thêm giờ của năm học trước.
Dạy hơn 500 tiết/năm
Khảo sát thực tế tại một trường THCS ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho thấy, trường có 14 lớp, nhưng chỉ 1 giáo viên dạy môn Tiếng Anh, do đó giáo viên này phải đứng lớp 33 tiết/tuần (tăng 16 tiết/tuần so với quy định).
Thông tư 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm không vượt quá số giờ thêm theo quy định của pháp luật lao động, tức không quá 200 giờ/năm. Thế nhưng do thiếu giáo viên và không thể tìm được người để hợp đồng dạy môn Tiếng Anh, nhà trường phải động viên thầy cô cố gắng dạy đủ số tiết, chương trình dù biết rằng như vậy sai theo Thông tư 07/2013. Ngược lại, nếu không dạy đủ chương trình, số tiết theo quy định, thì học sinh nhà trường sẽ thiệt thòi.
Bà Hắp Quỳnh Trang - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Lát cho biết, không riêng huyện Mường Lát, các huyện trong tỉnh đều rơi vào tình trạng tương tự.
“Năm 2024, tỉnh không giao dự toán ngân sách cho huyện theo chỉ tiêu biên chế, mà chỉ giao theo số lượng biên chế thực tế. Do đó, huyện đang họp bàn, tìm phương án bố trí kinh phí để chi trả tiền dạy thêm ngoài giờ của giáo viên trong học kỳ II (năm học 2023 - 2024) và học kỳ I (năm học 2024 - 2025)”, bà Trang thông tin.
Ngoài Mường Lát, một số huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có nguồn kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ của học kỳ II, năm học 2023 - 2024.
Tại huyện Lang Chánh, đến thời điểm hiện nay, giáo viên dạy thêm giờ vẫn chưa nhận được kinh phí. Thông tin từ ông Quách Văn Hoan - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, theo dự toán, số tiền chi trả cho dạy thêm giờ của giáo viên trong học kỳ II, năm học 2023 - 2024 khoảng hơn 2,2 tỷ đồng.
“Địa phương chưa cân đối được nguồn để chi trả do năm 2024, huyện Lang Chánh không được tỉnh giao dự toán ngân sách để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên. Bởi Thanh Hóa không căn cứ vào số lượng giáo viên được giao định biên, mà theo số lượng thực có ở huyện. Chúng tôi đang cân đối các nguồn chi tiết kiệm và nguồn hợp pháp khác để bố trí thanh toán dần cho giáo viên dạy thêm giờ”, ông Hoan thông tin.
Mong được bổ sung kinh phí
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện các trường mầm non, phổ thông công lập của địa phương có tới hơn 8.577 giáo viên dạy thừa giờ nhưng không được chi trả tiền làm thêm (năm học 2023 - 2024). Nguyên nhân bởi thiếu kinh phí.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay, tính đến cuối tháng 10/2024, với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, giảng viên, giáo viên dạy thừa giờ được cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chi trả tiền lương làm thêm kịp thời, đúng định mức theo quy định.
Việc chi trả lương làm thêm giờ đã khuyến khích, động viên nhà giáo cố gắng, nỗ lực trong công tác và tạo điều kiện để nâng cao thu nhập, đời sống cho đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, như: Số giờ được tính trả tiền lương dạy thêm không vượt 200 giờ/năm. Trong khi đó, nhiều nhà giáo đang thực hiện số giờ làm thêm vượt quá con số trên.
Cũng theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập bằng 150% tiền lương dạy 1 giờ theo quy định. Vì vậy, kinh phí chi trả cho việc dạy thêm giờ của nhà giáo rất lớn, khó thực hiện.
Với những khó khăn trên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí dạy thêm giờ theo thực tế cho từng địa phương, đơn vị để thực hiện chi trả cho nhà giáo theo quy định. Sở cũng kiến nghị điều chỉnh, bổ sung giới hạn giờ làm thêm tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC cho phù hợp với thực tế.
Thế Lượng
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/hang-nghin-giao-vien-o-thanh-hoa-ngong-tien-day-them-gio-post716033.html