Có thể thấy, 4 nghị quyết của thành phố Hà Nội đã bao phủ rộng lớn các đối tượng tham gia BHXH, BHYT bao gồm người yếu thế (người già từ đủ 70 - dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi), người dân có hoàn cảnh khó khăn (học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình), các đối tượng đặc thù (lực lượng công an xã bán chuyên trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở).
Sau khi các nghị quyết được ban hành, số người tham gia BHXH, BHYT tăng trưởng rõ rệt. Theo số liệu của BHXH Hà Nội, đến tháng 9/2024, số người tham gia BHYT đạt trên 8 triệu người, tăng 218.474 người so với cùng kỳ năm 2023; đạt 95,6% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,42% dân số.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 13, trong 9 tháng năm 2024, Hà Nội đã hỗ trợ 62.600 người với số tiền 43,53 tỷ đồng. Trong đó, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi là 53.485 người với số tiền 39,2 tỷ đồng; người khuyết tật nhẹ là 1.139 người với số tiền 0,83 tỷ đồng; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 7.972 người với số tiền 3,5 tỷ đồng...
Cán bộ BHXH tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân
Thực hiện Nghị quyết 12 và Nghị quyết 21, Hà Nội đã có 1.003 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 269 công an xã bán chuyên trách tham gia BHYT hộ gia đình.
Số người tham gia BHXH tự nguyện năm tính đến tháng 9/2024 tăng gấp 5 lần so với năm 2018; có 5.453 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 469 công an xã tham gia BHXH tự nguyện.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 95%.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.
Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/...MucDoCDS.
Phan Nho