Tối 19/4, nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ diễn ra tại Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) thu hút hàng nghìn người dân và du khách trong cả nước.
Chị Minh Tuyết (37 tuổi, quê Hà Nội) cho biết cảm thấy rất may mắn khi được vào Nam công tác dịp này và xem trực tiếp những tiết mục văn nghệ chào mừng, bắn pháo hoa và hòa cùng không khí người dân ở đây.
Người dân hào hứng xem màn trình diễn 3D Mapping trước UBND TPHCM.
"Tối qua tôi đã cùng đồng nghiệp xem tổng hợp luyện. Hôm nay, chúng tôi rủ nhau ra khu vực trung tâm Quận 1. Đợt này, ngoài vấn đề công việc, chúng tôi sẽ ở lại TPHCM đến hết 30/4 mới trở về Hà Nội", chị Minh Tuyết chia sẻ.
Sự kiện chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) diễn ra tối 19/4 tại Bến Bạch Đằng và Phố đi bộ Nguyễn Huệ, gồm: Nghi thức khai mạc và trình diễn công nghệ 3D maping, biểu diễn giao hưởng, hợp xướng kết hợp maping visaul Art sân khấu ngoài trời trước ủy ban thành phố, trình diễn ánh sáng lighting show, bắn pháo hoa...
Mặc dù rất đông người nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn.
Trước đó, nhằm phục vụ các hoạt động nghệ thuật đặc biệt, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TPHCM thông báo cấm xe từ 18h đến 22h tại nhiều tuyến đường, các loại xe sẽ bị cấm lưu thông trong khung giờ từ 18h đến 22h vào hai ngày 19/4 và 26/4 tại nhiều tuyến đường trọng điểm ở trung tâm thành phố, gồm:
Khu vực phố đi bộ và lân cận: Lê Lợi (đoạn Pasteur – Đồng Khởi), Nguyễn Huệ (Lê Thánh Tôn – Tôn Đức Thắng), Đồng Khởi (Mạc Thị Bưởi – Tôn Đức Thắng), Tôn Đức Thắng (Nguyễn Siêu – cầu Khánh Hội), Võ Văn Kiệt (Hồ Tùng Mậu – hầm chui cầu Khánh Hội), cùng nhiều tuyến nhánh như Ngô Văn Năm, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Thành, Hàm Nghi, Hải Triều, Nguyễn Thiệp…
Nhiều người mặc áo có in hình lá cờ Tổ quốc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Khu vực Công trường Mê Linh: Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Thi Sách, cầu Ba Son và cầu Khánh Hội.
Cấm tụ tập và dừng đỗ trên các cầu: Thủ Thiêm, Bình Lợi, Bình Triệu, Mống, Calmette, Ông Lãnh, cầu vượt Hàng Xanh, Gò Dưa, Phú Mỹ, Nguyễn Hữu Cảnh, Kênh Thanh Đa, Sài Gòn và Rạch Chiếc.
Người dân TPHCM có mặt từ rất sớm để đón xem các chương trình nghệ thuật.
Hạn chế xe vào khu vực nhà hàng, khách sạn quanh công trường Mê Linh. Các phương tiện thuộc cơ sở kinh doanh trong khu vực (Phan Văn Đạt, Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế) chỉ được phép lưu thông theo hướng ra công trường Mê Linh, không được di chuyển hướng vào đường Đồng Khởi.
Các lộ trình thay thế được khuyến nghị gồm:
Từ Bình Thạnh đi Quận 4: Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Du – Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Nghĩa – Nguyễn Thái Học – cầu Ông Lãnh – Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành.
Rất đông người dân đã có mặt tại Bến Bạch Đằng để đón xem màn trình diễn drone và pháo hoa.
Từ Quận 4 đi Bình Thạnh: Nguyễn Tất Thành – Hoàng Diệu – cầu Ông Lãnh – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Nghĩa – Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Từ TP Thủ Đức đi Quận 3, 5: Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ – Đinh Tiên Hoàng – Võ Thị Sáu – Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong.
Chiều ngược lại: Lê Hồng Phong – Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp cấm đường phục vụ chương trình trình chiếu ánh sáng 3D Mapping
Ngoài ra, từ 18h đến 22h các ngày 19, 26, 29 và 30/4/2025, thành phố cũng hạn chế lưu thông tại hai tuyến đường: Lê Thánh Tôn (đoạn Đồng Khởi – Pasteur) và Nguyễn Huệ (đoạn Lê Lợi – Lê Thánh Tôn) để phục vụ chương trình 3D Mapping.
Người dân TPHCM thích thú chụp hình cùng các nghệ sĩ biểu diễn tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Các tuyến thay thế Lê Thánh Tôn trong giờ cấm:
Từ Đồng Khởi: Đồng Khởi – Công trường Lam Sơn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Du – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn.
Từ Hai Bà Trưng: Hai Bà Trưng – Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi – Công trường Lam Sơn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Du – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn.
Sau 22h: Lưu thông bình thường theo các hướng Đồng Khởi – Lê Lợi – Pasteur – Lê Thánh Tôn hoặc Hai Bà Trưng – Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi – Lê Lợi – Lê Thánh Tôn.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng sẽ điều tiết, phân luồng linh hoạt theo tình hình thực tế.
Nam Thương