Theo báo cáo của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, thống kê doanh thu thương mại điện tử trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 202.300 tỷ đồng, tăng tới 41,52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tháng 5 và tháng 6 ghi nhận mức tăng trưởng đột biến, lần lượt 44,54% và 46,49% so với cùng kỳ năm 2024. Trước đó, tháng 4 cũng duy trì mức tăng ổn định 32,03%, cho thấy xu hướng tiêu dùng online vẫn trên đà mở rộng.
Theo Metric, dù doanh thu toàn ngành thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, số lượng shop phát sinh đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 lại sụt giảm nghiêm trọng.
Nguyên nhân, thị trường đang bước vào giai đoạn "thanh lọc" rõ rệt, chỉ những người bán có năng lực vận hành chuyên nghiệp, nguồn vốn mạnh và chiến lược dài hạn mới có thể trụ vững.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng shop phát sinh đơn hàng giảm hơn 80.000 so với cùng kỳ năm trước và giảm hơn 55.000 so với 6 tháng cuối năm 2024.
Trong nửa đầu năm nay là sự trỗi dậy của nhóm hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt trên sàn Shopee.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong nửa đầu năm nay là sự trỗi dậy của nhóm hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt trên sàn Shopee. Với mức giá trung bình khoảng 45.625 đồng/sản phẩm, nhóm hàng này đang áp đảo trong phân khúc phổ thông nhờ lợi thế về giá thành cạnh tranh và mẫu mã phong phú.
Song song với sự lên ngôi của hàng nhập khẩu giá rẻ, thị trường cũng chứng kiến xu hướng rõ rệt: người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm nằm trong khung giá vừa túi tiền. Cụ thể, nhóm sản phẩm có giá từ 100.000 - 200.000 đồng hiện chiếm tới 26,3% thị phần doanh số, tăng đáng kể so với mức 24,2% cùng kỳ năm ngoái.
Phân khúc giá từ 200.000 - 350.000 đồng cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ, từ 15,7% lên 16,5%.
Ngược lại, phân khúc hàng hóa trên 1 triệu đồng đang mất dần sức hút, khi thị phần giảm từ 16,3% xuống còn 15,1%. Dù nhóm hàng cao cấp vẫn giữ được doanh số ổn định nhờ nhóm khách hàng trung thành, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại rõ rệt.
Trước đây, hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn cả thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, chính sách miễn VAT này đã bãi bỏ từ ngày 18/2 với việc hàng hóa dưới 1 triệu đồng vẫn được miễn thuế nhập khẩu nhưng bắt buộc phải đóng VAT.
Trong quá trình triển khai chính sách, vấn đề phát sinh là hệ thống hải quan chưa cập nhật để thu thuế VAT cho các lô hàng giá trị thấp này. Do vậy, cơ quan hải quan và doanh nghiệp thực hiện khai và thu thuế theo phương thức thủ công, điều này gây tốn kém thời gian, nhân lực và dễ sai sót.
Do đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2025 để tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho việc thu thuế VAT tự động trên hệ thống hải quan với mục tiêu là hiện đại hóa, giảm thủ tục hành chính và đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho Nhà nước.
Sau đó, Cục Hải quan chính thức áp dụng cho tất cả doanh nghiệp chuyển phát nhanh qua mọi hình thức hàng không, đường bộ, đường sắt từ ngày 1/8.
Theo ước tính của Bộ Tài chính từ trước đó, hàng ngày có từ 4 đến 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.
Về doanh thu theo sàn, trong 6 tháng đầu năm, TikTok Shop nổi bật với mức tăng trưởng lên tới 69%, qua đó nâng thị phần từ 29% lên 39%.
Dù vậy, Shopee vẫn là sàn dẫn đầu với 58% thị phần. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu của Shopee chỉ đạt 16%, một con số khá khiêm tốn so với 63% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Lazada và Tiki đang hụt hơi rõ rệt. Doanh thu của Lazada giảm tới 48%, còn Tiki thậm chí lao dốc 63%, khiến thị phần của cả hai bị thu hẹp đáng kể.
Theo Metric, điều này cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa các sàn và cuộc chơi thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt, chỉ dành cho những nền tảng đủ sức đổi mới nhanh và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới.
Bên cạnh shoppertainment, Metric ghi nhận gian hàng chính hãng (shop mall) là động lực tăng trưởng chính của các sàn thương mại điện tử thời gian qua. Shop mall chỉ chiếm 3,4% tổng số cửa hàng trên Shopee và TikTok Shop nhưng đóng góp đến 28,7% tổng doanh số trong nửa đầu năm.
So với cùng kỳ 2024, tăng trưởng doanh số từ shop mall trên Shopee và TikTok Shop lần lượt hơn 63% và 107%.
Dự báo thị trường quý III, Metric kỳ vọng doanh số tăng trưởng 21,6% so với quý II, với GMV 4 sàn đạt 122.800 tỷ đồng. Động lực đến từ loạt sự kiện như sale ngày đôi 8/8, 9/9, Tết Trung Thu và mùa tựu trường, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nhóm ngành hàng giáo dục, quà tặng và thực phẩm.
Thanh Hoa