Hàng rào của Israel biến thị trấn ở Bờ Tây thành 'nhà tù lộ thiên'

Hàng rào của Israel biến thị trấn ở Bờ Tây thành 'nhà tù lộ thiên'
8 giờ trướcBài gốc
Công nhân xây dựng hàng rào do chính quyền Israel dựng lên tại Sinjil, gần Ramallah ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 4/7, ông Mousa Shabaneh, 52 tuổi và là cha của bảy người con, đứng nhìn cảnh công nhân dựng hàng rào đi xuyên qua vườn ươm ở rìa thị trấn - nơi ông trồng cây để bán và là nguồn thu nhập duy nhất của ông. Ông nói: “Sinjil giờ là một nhà tù lớn. Tất nhiên, giờ chúng tôi bị cấm đến vườn ươm. Tất cả cây cối tôi có đều bị đốt cháy và mất hết. Cuối cùng, họ cắt đứt sinh kế của chúng tôi”.
Tường rào và các chốt kiểm soát do lực lượng Israel dựng lên từ lâu đã là một phần trong cuộc sống hằng ngày của gần 3 triệu người Palestine ở Bờ Tây. Tuy nhiên, nhiều người cho biết số lượng rào chắn tăng vọt kể từ khi chiến sự tại Gaza bùng phát và đã khiến nhiều thị trấn cũng như làng mạc rơi vào tình trạng bị bao vây thường trực.
Hàng rào quanh Sinjil là ví dụ điển hình cho kiểu rào chắn mọc lên khắp khu vực, trở thành một điều trong đời sống thường ngày. Quân đội Israel cho biết họ dựng hàng rào để bảo vệ tuyến đường cao tốc Ramallah - Nablus gần đó.
Trong một tuyên bố, lực lượng này cho biết: “Do các vụ khủng bố tái diễn tại khu vực này, đã có quyết định dựng hàng rào nhằm ngăn chặn hành vi ném đá vào tuyến đường chính và tình trạng rối loạn trật tự công cộng tái diễn, qua đó bảo vệ an toàn cho dân thường trong khu vực”.
Quân đội Israel nói rằng vì người dân vẫn được phép ra vào qua lối duy nhất còn lại nên chính sách này được xem là cho phép tiếp cận tự do vào thị trấn.
Người dân giờ phải đi bộ hoặc lái xe qua các con đường nhỏ hẹp quanh co để đến được điểm vào duy nhất. Một số người phải đi bộ băng qua các chốt chặn để đến chỗ để xe nằm ở phía bên kia.
Ông Bahaa Foqaa, Phó Thị trưởng thị trấn, cho biết những người từng kiếm sống nhờ đất đai xung quanh giờ gần như bị cắt đứt hoàn toàn. Ông nói rằng hàng rào đã giam kín 8.000 cư dân trong khu vực chỉ rộng hơn 4 hecta, khiến họ không thể tiếp cận 900 hecta đất xung quanh mà họ sở hữu tư nhân.
Israel nói rằng các hàng rào và rào chắn ở Bờ Tây là cần thiết để bảo vệ những người định cư Do Thái đã chuyển tới khu vực này sau khi Israel chiếm đóng vùng lãnh thổ này trong cuộc chiến năm 1967.
Theo ông Israel Gantz, Chủ tịch Hội đồng khu vực Binyamin (nơi quản lý 47 khu định cư Israel tại khu vực Bờ Tây có thị trấn Sinjil), hàng rào quanh thị trấn là cần thiết vì cư dân nơi đây đã ném đá và bom xăng vào các xe chạy trên đường cao tốc gần đó, chỉ vì những người trên xe là người Do Thái.
Ông nói: “Nếu dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế đối với người Palestine Arab, điều đó sẽ khuyến khích hành vi giết hại hàng loạt người Do Thái”.
Hiện có khoảng 700.000 người Israel sinh sống tại các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm giữ từ năm 1967. Hầu hết các quốc gia coi những cộng đồng này vi phạm Công ước Geneva, trong đó cấm đưa dân thường đến sống tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Phía Israel khẳng định các khu định cư là hợp pháp do người Do Thái có mối liên hệ lịch sử và tôn giáo với vùng đất này.
Sau nhiều thập niên tuyên bố ủng hộ khả năng thành lập một nhà nước Palestine độc lập, chính phủ Israel hiện nay có nhiều nhân vật công khai tuyên bố mục tiêu sáp nhập toàn bộ Bờ Tây.
Israel đã tăng cường hiện diện quân sự ở Bờ Tây ngay sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas vào tháng 10/2023 - sự kiện khơi mào cho cuộc chiến khiến Dải Gaza của người Palestine bị tàn phá nghiêm trọng.
Chỉ sau một đêm, các đống đất và tảng đá lớn được đổ chặn các tuyến đường. Tiếp đó, các cổng sắt nặng thường được sơn vàng hoặc cam được lắp đặt và khóa chặt tại các lối vào khu dân cư Palestine - những tuyến đường này cũng thường được người định cư Israel sử dụng.
Quân đội cũng lập thêm các trạm kiểm soát cố định mới. Các chốt kiểm soát di động được thiết lập đột ngột và không báo trước, xuất hiện thường xuyên hơn.
Bà Sana Alwan, 52 tuổi, cư dân Sinjil và làm nghề huấn luyện viên cá nhân, cho biết quãng đường từng chỉ mất ít phút để đến Ramallah giờ có thể mất tới ba tiếng cho mỗi lượt đi, mà không thể biết trước sẽ bị giữ ở chốt kiểm soát bao lâu. Công việc của bà bị ảnh hưởng vì không thể cam kết giờ giấc với khách hàng. Bà nói: “Một nửa cuộc sống của chúng tôi là ở trên đường”.
Dù Bờ Tây phần lớn tránh được cuộc tấn công toàn diện như tại Gaza, nhưng cuộc sống nơi đây ngày càng trở nên bấp bênh. Lệnh cấm vào Israel để làm việc đã đột ngột cắt đứt sinh kế của hàng chục nghìn lao động. Đầu năm nay, hàng chục nghìn người dân Bờ Tây đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc trấn áp của Israel nhằm vào các tay súng ở Jenin ở phía Bắc.
Anh Mohammad Jammous, 34 tuổi, lớn lên ở Jericho và hiện sống tại Ramallah, từng gặp gia đình gần như mỗi tuần. Nhưng với hành trình từng chỉ mất một giờ nay thường kéo dài nhiều tiếng, anh nói giờ chỉ có thể về thăm nhà mỗi tháng một lần.
Quân đội Israel cho biết lực lượng của họ đang hoạt động trong một thực tế an ninh phức tạp và các chốt kiểm soát cần được di chuyển thường xuyên cũng như thiết lập ở các vị trí mới nhằm giám sát di chuyển, ứng phó các mối đe dọa xuất phát từ các cộng đồng Palestine.
Các quan chức thuộc chính quyền Palestine cho rằng phía Israel chủ ý bóp nghẹt nền kinh tế và đời sống người dân. Họ nói điều này có thể phản tác dụng đối với Israel khi đẩy thêm nhiều thanh niên đến gần hơn với các tay súng.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/hang-rao-cua-israel-bien-thi-tran-o-bo-tay-thanh-nha-tu-lo-thien-20250704152341221.htm