Hang Táu - điểm sáng phát triển du lịch của đồng bào Mông ở Sơn La

Hang Táu - điểm sáng phát triển du lịch của đồng bào Mông ở Sơn La
12 phút trướcBài gốc
Nằm cách trung tâm thị xã Mộc Châu khoảng 20km, Hang Táu vốn là khu sản xuất của đồng bào dân tộc Mông bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Được nhiều du khách biết tới và gọi tên “làng nguyên thủy”, nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét đẹp xưa kia của đồng bào dân tộc Mông, cùng với đó là cuộc sống gắn liền với “3 không”: không điện, không sóng điện thoại, không wifi.
“Làng nguyên thủy” Hang Táu ẩn mình giữa núi rừng Sơn La.
Du khách Nguyễn Văn Viết, tới từ Nam Định chia sẻ: "Đã từng đi du lịch trải nghiệm ở nhiều nơi, tới đây tôi rất thích không khí ở đây, đúng như tên “làng nguyên thủy” là không có điện, không có wifi. Theo tôi, nếu để phát triển du lịch của người dân tộc Mông thì mọi người ở đây nên gìn giữ như thế này là tốt nhất".
Nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn nét đẹp xưa kia của đồng bào dân tộc Mông.
Ẩn mình giữa đại ngàn xanh ngát, “làng nguyên thủy” Hang Táu hiện là nơi sản xuất của hơn 20 hộ gia đình người Mông. Trước đây khi chưa tham gia làm du lịch, cuộc sống của cư dân bản địa lặng lẽ, ít giao tiếp với bên ngoài, tự cung, tự cấp là chủ yếu, kinh tế dựa vào làm nương nên gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng đến sự hài lòng của du khách, đồng thời bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, tháng 8/2023, xã Chiềng Hắc đã thành lập Hợp tác xã du lịch Hang Táu với 20 hộ thành viên. Các thành viên phục vụ đưa đón khách tham quan, trải nghiệm, liên kết với các hộ làm homestay trong bản Tà Số phục vụ ăn, nghỉ khi du khách có nhu cầu.
Du khách thích thú check in, trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Anh Mùa A Châu - Giám đốc HTX du lịch Hang Táu, xã Chiềng Hắc, thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Trước khi phát triển du lịch, chúng tôi thu nhập chủ yếu từ cây ngô, cây mận... Nhưng sau này có khách du lịch đến, chúng tôi đã gắn du lịch vào với đời sống sản xuất ở đây. Khách đến cũng góp ý ở đây nếu kéo điện, làm đường vào thì khách sẽ không đến nữa, nếu mình cứ giữ nguyên sơ được như thế này thì khách sẽ rất thích và đến rồi lại đến thêm".
Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La, từ chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng Tà Số của chính quyền địa phương, khu vực Hang Táu được biết đến nhiều hơn; lượng khách tìm đến tham quan, trải nghiệm ngày càng đông, nhờ đó, đồng bào Mông nơi đây đã có thể vận hành một số dịch vụ như cho thuê trang phục, thuê ngựa, bán đồ lưu niệm hay đặc sản địa phương… để phục vụ du khách.
Tìm hiểu về cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của bà con ở "làng nguyên thủy".
Hiện “làng nguyên thủy” Hang Táu đón bình quân 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi tháng, doanh thu bình quân đạt 100 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết: "Tà Số là một trong những bản nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia, cũng như từ thị xã, tỉnh để xây dựng bản du lịch cộng đồng. Bản này cơ bản còn rất nguyên sơ, đồng bào ở đây vẫn giữ được nét đặc sắc của dân tộc Mông. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng không gian văn hóa Mông ở đây một cách chuyên nghiệp nhất, để bà con thì tự hào về bản sắc của mình, còn du khách thì được trải nghiệm đầy đủ nhất không gian văn hóa của người dân tộc Mông trên bản này".
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng lòng của đồng bào dân tộc Mông trong việc khai thác tiềm năng du lịch riêng có của địa phương, Hang Táu đã và đang trở thành điểm đến yêu thích trên bản đồ du lịch Mộc Châu, góp phần không nhỏ vào xóa nghèo và làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Trấn Long/VOV-Tây Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/tu-van/hang-tau-diem-sang-phat-trien-du-lich-cua-dong-bao-mong-o-son-la-post1156365.vov