Đến nay, chính quyền hai cấp đã đi vào vận hành được hơn 20 ngày và bước đầu ghi nhận những kết quả rất khả quan, với sự vận hành khá thông suốt, mang lại hiệu quả ban đầu. Vì là mô hình hoàn toàn mới, quá trình vận hành xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nên càng đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền xây dựng bộ máy vận hành trơn tru, phục vụ nhân dân.
Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không chỉ là nơi xây dựng luật pháp mà còn đóng vai trò giám sát tối cao, đảm bảo các chủ trương, chính sách - đặc biệt là những cải cách lớn như mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - được thực thi một cách đúng hướng, hiệu quả và sát thực tiễn.
Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc trong những cải cách lớn của đất nước
"Từng vị trí phải chuẩn chỉ..."
Theo các ĐBQH, trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã đi vào vận hành chính thức trên toàn quốc từ ngày 1/7/2025, thông điệp "hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến", được Tổng Bí Thư Tô Lâm đưa ra tại Hội nghị T.Ư 12 vừa qua, giống như một lời hiệu triệu cho từng cán bộ, từng địa phương, từng cơ quan hãy cùng xốc lại đội hình, siết chặt kỷ cương, mở thông tư duy và cùng nhau tiến về phía trước - vì một nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân, vì một đất nước phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thông điệp này của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra đúng lúc và đúng chỗ, là "la bàn tinh thần" để các cấp chính quyền và cán bộ, công chức soi rọi lại mình trong hành trình đổi mới. Tinh gọn bộ máy không có nghĩa là làm ít đi, mà là làm hiệu quả hơn. Không có nghĩa là giảm trách nhiệm, mà là tăng cường trách nhiệm cá nhân, đề cao tinh thần phục vụ.
"Thông điệp "hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến" Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 12 vừa qua không chỉ là một khẩu hiệu giàu hình ảnh, mà còn là một tinh thần chỉ đạo sâu sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược về đổi mới tổ chức bộ máy gắn với đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý - điều mà cả hệ thống chính trị đang theo đuổi quyết liệt trong thời kỳ hiện nay", ông Sơn nói.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Bùi Hoài Sơn phân tích cụ thể, "hàng thẳng" là yêu cầu về kỷ luật, kỷ cương, sự đồng bộ và mạch lạc trong tổ chức - nơi mọi vị trí, mọi cá nhân trong hệ thống đều được sắp xếp hợp lý, phù hợp với năng lực, nhiệm vụ và chức trách. Khi bộ máy được tinh gọn, càng đòi hỏi từng vị trí phải chuẩn chỉ, đúng người đúng việc, không có chỗ cho tình trạng "ngồi nhầm chỗ", "làm cho có".
"Lối thông" là nói đến việc khơi thông cơ chế, xóa bỏ rào cản, tháo gỡ chồng chéo, bất cập, để dòng chảy của chính sách, nguồn lực, trách nhiệm và thông tin được thông suốt từ Trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến tận xã, thôn. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chúng ta chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp - khi những tầng trung gian bị loại bỏ, mọi sự trì trệ trong phối hợp, mọi điểm nghẽn trong phân quyền đều có thể làm đứt gãy cả một chuỗi vận hành.
"Đồng lòng cùng tiến" là linh hồn của thông điệp. Bởi tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm đầu mối hay sát nhập địa giới hành chính, mà sâu xa hơn là tạo ra một hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm. Nếu không có sự đồng thuận trong nhận thức, không có tinh thần cùng tiến về phía trước, thì cải cách sẽ chỉ là hình thức, thậm chí gây xáo trộn và phản ứng ngược.
"Với tôi, đó là một thông điệp không chỉ cần được khắc sâu trong nhận thức, mà còn phải được cụ thể hóa bằng hành động - mỗi ngày, từ những việc nhỏ nhất", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo các ĐBQH, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm mang hai ý nghĩa rất sâu sắc. Trước hết, đây là sự phản ánh một thực tại rất đáng mừng của đất nước. Trong một khoảng thời gian gấp gáp, cả nước đã thực hiện những bước tiến lớn trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy Nhà nước, cơ cấu lại tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thông điệp cũng mang tính ghi nhận và động viên rất lớn đối với toàn bộ hệ thống chính trị. Trong bối cảnh cả hệ thống đang nỗ lực vào cuộc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, thì những kết quả bước đầu được ghi nhận chính là nguồn động lực quan trọng, tiếp thêm sức mạnh để hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện thắng lợi các kế hoạch và chỉ tiêu đã đề ra.
Nhận diện để tháo gỡ từng điểm nghẽn
Với vai trò là ĐBQH chuyên trách hoạt động tại địa phương, bà Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, bà cùng các ĐBQH đều rất quan tâm đến việc chính quyền địa phương hai cấp được vận hành ra sao. Theo đó, công việc đầu tiên của các đại biểu là đối chiếu những quy định của pháp luật với thực tế hiện hành.
"Hiện nay, đoàn ĐBQH chưa tổ chức các chuyến giám sát, khảo sát thực tiễn bởi trong những ngày đầu vận hành, đội ngũ lãnh đạo xã, phường đều rất bận rộn. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình được thực hiện thông qua các báo cáo của thành phố, các tỉnh cũng như từ quá trình tự tìm hiểu của mỗi ĐBQH. Qua đó, các đại biểu có thể nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân và cán bộ, nhận diện rõ những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Các nhóm vấn đề cũng được phân loại rõ ràng: những khó khăn liên quan đến quy định pháp luật, thể chế sẽ được đoàn ĐBQH tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cấp trên; còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố sẽ được tổng hợp và kiến nghị riêng", bà Nga cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Media Quốc hội
Cũng trao đổi về vai trò giám sát và đồng hành của ĐBQH và đoàn ĐBQH trong việc gỡ khó để chính quyền 2 cấp hoạt động thông suốt, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, ĐBQH và các Đoàn ĐBQH cần chủ động và kiến tạo chính sách thực tiễn trên ít nhất ba phương diện. Thứ nhất, là lắng nghe và phản ánh trung thực tiếng nói của cơ sở. Ngay từ khi mô hình chính quyền 2 cấp được đưa vào nghị sự, nhiều ĐBQH đã dành thời gian khảo sát thực tế, tổ chức tọa đàm với lãnh đạo cấp xã, tiếp xúc cử tri ở những vùng sắp xếp hành chính, để lắng nghe những trăn trở, vướng mắc từ địa phương. Những ý kiến này được chuyển tải đầy đủ vào các phiên họp tại Quốc hội, các Ủy ban chuyên môn và Chính phủ - trở thành cơ sở quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp lý và hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, là giám sát chặt chẽ quá trình thực thi. Các Đoàn ĐBQH đã thực hiện nhiều chương trình giám sát chuyên đề, kết hợp với hoạt động tiếp xúc cử tri để kiểm tra xem bộ máy mới có vận hành trơn tru không, có chồng chéo hay vướng mắc gì, nguồn lực được phân bổ ra sao, công chức có được đào tạo lại không, và quan trọng nhất là người dân có thực sự được hưởng lợi từ mô hình mới không.
Thứ ba, là góp phần hoàn thiện pháp luật và chính sách đi kèm. Chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ là thay đổi về tổ chức, mà cần cả một hệ thống pháp lý đồng bộ - từ luật tổ chức chính quyền địa phương, đến phân cấp ngân sách, tổ chức bộ máy, biên chế, cơ chế giám sát…
Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chính các ĐBQH đã góp phần tích cực vào quá trình sửa đổi, bổ sung luật, kiến nghị ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn sát với thực tế địa phương. Không ít ĐBQH còn đề xuất những sáng kiến rất cụ thể để hỗ trợ cho chính quyền cấp xã tự chủ hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn. Qua giám sát, nhiều kiến nghị đã được đưa ra kịp thời, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn cả về thể chế lẫn tổ chức thực thi.
"Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc trong những cải cách lớn của đất nước. Vai trò giám sát và đồng hành ấy không phải là để soi xét, mà là để bảo vệ chính sự thành công của mô hình mới - một mô hình chính quyền vì dân, gần dân, do dân. Nếu mỗi ĐBQH thật sự sâu sát, tận tâm và hành động vì lợi ích chung, thì chính quyền hai cấp sẽ không chỉ hoạt động thông suốt mà còn tạo nên một bước tiến dài trong cải cách hành chính và quản trị quốc gia hiện đại", ông Sơn nói.
Lê Hoàng/VOV.VN