Hàng trăm căn hộ chung cư ở TP.HCM nứt tường sau dư chấn động đất: Chuyên gia nói gì?

Hàng trăm căn hộ chung cư ở TP.HCM nứt tường sau dư chấn động đất: Chuyên gia nói gì?
2 ngày trướcBài gốc
Hơn 300 căn hộ bị nứt tường
Tại chung cư Diamond Riverside (phường 16, quận 8), có khoảng 300 căn hộ bị nứt tường, bong gạch... khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng về chất lượng của công trình.
Vết nứt tường trong căn hộ tại chung cư Diamond Riverside (phường 16, quận 8).
Bà H, người dân sống tại căn hộ ở tầng 15 cho biết, sau dư chấn động đất, căn hộ của bà xuất hiện bốn vết rạn nứt tường, dài nhất là hơn 1m ở phòng khách, hai vết nứt khác ở tại phòng ngủ và một vết ở khu giếng trời.
Cũng theo bà H, gia đình bà chuyển đến đây sống khoảng 5 năm và chưa từng bị hư hỏng, bong tróc tường.
"Vào ngày xảy ra vụ việc, các con đều đi làm, chỉ có tôi với cháu ở nhà. Thấy người bị choáng, đồ đạc trong nhà rung chuyển, tôi hoảng hốt ôm cháu chạy xuống dưới sảnh. Khi quay trở lại, căn hộ đã thấy xuất hiện các vết nứt.
Tương tự, căn hộ gia đình anh K.L cũng xuất hiện ba vết nứt, một vết nứt lớn ở trên tường phòng khách và hai vết nứt khác ở khu vực giáp hành lang và phòng ngủ. Một số vị trí tường nhà cũng bị bong tróc lớp sơn; gạch ốp ở hành lang cũng có dấu hiệu bị bong ra.
Nhiều viên gạch ở hành lang trước thang máy bị bong ra khỏi nền.
Theo ghi nhận, không chỉ có trong các căn hộ, phía ngoài hành lang chung cư, nhiều khu vực bị bong lớp gạch. Khu vực nhẹ thì gạch chỉ bong lên phía trên, nặng hơn thì nguyên một lớp gạch bị tách ra khỏi nền.
Theo Ban Quản trị chung cư Diamond Riverside, chung cư này gồm 4 block cao 29 tầng, có 1.670 căn hộ với gần 5.000 cư dân đang sinh sống. Tính đến chiều 29/3, có 342 căn hộ bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Các vết nứt xuất hiện rải rác bên trong các căn hộ, bong tróc nền nhà, hành lang tại cả 4 block của chung cư.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của cư dân, Ban Quản trị chung cư cùng chính quyền địa phương đã kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng và làm việc với cư dân để ghi nhận, thống kê thiệt hại. Kết quả ban đầu cho thấy, kết cấu công trình vẫn đảm bảo, hệ thống cột bê tông, tầng hầm và các bể chứa nước không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Xây dựng và đơn vị bảo hiểm chung cư kiểm tra kết cấu tòa nhà, ghi nhận thiệt hại cũng như tìm hiểu nguyên nhân.
Nứt tường không ảnh hưởng đến kết cấu công trình
TS Nguyễn Tấn Tiên, Giảng viên chuyên ngành cơ học và phân tích kết cấu, Điều phối viên chương trình kỹ thuật và quản lý xây dựng, trường Đại học Việt - Đức cho biết, hiện nay, thiết kế công trình cao tầng tại Việt Nam chịu tải trọng động đất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012. Đây là tiêu chuẩn được biên soạn trên nền tảng của tiêu chuẩn Châu Âu (Eurocode 8) áp dụng cho nhà ở cao tầng tại Việt Nam.
Theo ông Tiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn này cho các công trình là một bài toán khó vì chi phí xây dựng cho công trình có cấu tạo chống động đất và không chống động đất là rất khác nhau. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn trong khi xác suất xảy ra động đất là khá thấp ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam.
Khi nhà bị ảnh hưởng bởi động đất mức độ nhẹ, theo ông Tiên, người dân có thể quan sát bằng mắt thường như các vết nứt nhỏ trên tường, cửa bị lệch hoặc các vật dụng dịch chuyển nhẹ. Đây là những vấn đề nhỏ, không ảnh hưởng đến kết cấu công trình và có thể xử lý dễ dàng.
TS Nguyễn Tấn Tiên, Giảng viên Trường Đại học Việt - Đức.
Những ảnh hưởng lớn hơn có thể thấy như cột bê tông bị nứt, sàn nhà bị võng, lún, khung kết cấu nhà bị cong vênh, toàn bộ nhà bị nghiêng có nguy cơ sụp đổ... Đây là những hư hại khó khắc phục và có thể ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu và tính an toàn của tòa nhà.
Trường hợp tòa nhà bị lún đều ở tất cả các phương thì có thể coi là an toàn, tuy nhiên nếu một hướng nào bị hư hỏng, lún xuống khiến kết cấu bị mất cân bằng sẽ mất an toàn và khó xử lý. Do đó, tùy vào mức độ nghiêm trọng và tùy vào vị trí mà có phương án khắc phục theo hướng xử lý đảm bảo an toàn hoặc xem xét có nên sử dụng tòa nhà không.
Vết nứt tường trong căn hộ chung cư sau dư chấn động đất.
"Ở mỗi mức độ động đất sẽ có yêu cầu kháng chấn khác nhau. Ví dụ, khu vực động đất mạnh, yêu cầu thiết kế công trình có khả năng kháng chấn cao, vùng động đất yếu hay rất yếu sẽ giảm bớt yêu cầu kháng chấn. Tùy thuộc vào quy mô công trình, mức độ tầm quan trọng và vị trí địa lý là một trong số các yếu tố quyết định đến việc thiết kế có xem xét đến tải trọng động đất hay không", ông Tiên nói.
Ông Tiên cho biết thêm, cấu tạo kháng chấn sử dụng các vật liệu khác nhau như thép, bê tông, gỗ… Việc sử dụng các vật liệu này cũng khác nhau do các đặc tính cơ lý của nó. Các kết cấu thép có khả năng hấp thụ năng lượng và đàn hồi tốt thông qua các liên kết, trong khi gỗ và bê tông thường giòn và dễ nứt hơn.
Do vậy, khi xây dựng nhà xét đến đến yếu tố giảm tác động động đất thường sẽ tập trung vào hai phần là nền móng và liên kết khung gồm các hệ giằng bằng bê tông và thép. Thông thường đơn vị thi công sẽ chọn kết cấu thép vì có thể hấp thu dao động tốt hơn. Phần móng sẽ được liên kết với cột có độ dẻo nhất định thay vì liên kết giòn.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/hang-tram-can-ho-chung-cu-o-tphcm-nut-tuong-sau-du-chan-dong-dat-chuyen-gia-noi-gi-192250330110952674.htm