Đông đảo người dân ngủ lại qua đêm, chờ đến sáng sớm để lên đỉnh núi Bà Đen cầu an dịp đầu năm.
Trong Gia Định thành thông chí - một sử liệu quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn do Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ XIX, núi Bà Đen được mô tả như sau: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây. Tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”.
Theo đó, núi Bà Đen được xem là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn xưa), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở Cố đô Huế. Vì vậy, đa phần người xưa đều cho rằng, đặt chân đến ngọn núi thiêng Bà Đen là việc nên làm mỗi năm để cầu bình an và may mắn.
Hàng nghìn người cắm trại và ngủ lại dưới chân núi trong những ngày đầu tiên của năm mới như để đón nhận nguồn năng lượng linh thiêng cho một năm an lành, phát tài, phát lộc. Nhiều năm qua, việc ngủ đêm tại chân núi Bà Đen dịp Tết đã góp phần làm nên ngày hội đầu xuân vô cùng đặc biệt, không giống với bất cứ điểm đến tâm linh nào khác.
Tại điện Bà cùng chùa Bà - ngôi cổ tự có tuổi đời 3 thế kỷ, hàng nghìn người dân dâng lễ đầu năm trước Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát (Bà Đen). Là biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam bộ, Linh Sơn Thánh Mẫu được biết đến với những huyền thoại hiển linh cùng lòng từ bi và cứu độ chúng sinh, trở thành điểm tựa tâm linh của người dân nơi đây.
Người dân cầu nguyện tại chùa Bà.
Trên đỉnh núi, người người nô nức chiêm bái Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới và khu triển lãm rộng lớn - nơi du khách sẽ khám phá thế giới Phật giáo và kiếm tìm sự an yên, hỷ lạc trong những ngày đầu năm mới.
Năm nay, không gian triển lãm 1.200 ngọn đèn đăng được du khách vô cùng thích thú. Các ngọn đèn đăng này lấy cảm hứng từ dân gian, được làm thủ công từ những bức tranh vẽ tay, tranh Đông Hồ, tranh in thu hút nhiều khách du lịch check-in.
Các điệu múa trống Chhay dăm, múa Khmer, nhạc ngũ âm… đã trở thành chương trình nghệ thuật đậm bản sắc của núi Bà. Các show diễn này được tổ chức xuyên suốt trong dịp Tết, do chính các nghệ nhân ở Tây Ninh trình diễn.
Kéo dài suốt tháng Giêng, Hội xuân núi Bà sẽ đón hàng triệu người dân, du khách từ khắp các tỉnh, thành phố đến với Tây Ninh. Cùng với Hội xuân núi Bà, Lễ vía Đức Chí Tôn cũng đưa Tây Ninh thành miền đất hành hương để đón một năm mới bình an, phúc lộc.
MINH ÂN