Sáng 1/11, hàng nghìn người đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự mới ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày đầu mở cửa.
Bảo tàng được thiết kế 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2. Bên trong công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật và 4 Bảo vật Quốc gia. Phía ngoài trời được chia làm hai cánh trưng bày vũ khí, khí tài như pháo 85mm, pháo cao xạ 57mm, xe tăng PT67 số hiệu 555, máy bay MiG 17 số hiệu 2047, máy bay SU22...
10h sáng, các đoàn khách lớn, nhỏ và nhóm học sinh, gia đình, bạn trẻ... đã có mặt tại đây để tham quan.
Một lớp học ở quận Đống Đa được nhà trường tổ chức xe đưa đón. Các học sinh nhí tỏ ra vui tươi, lạ lẫm khi thấy những chiếc máy bay, xe tăng có kích thước lớn.
Bạn trẻ Nguyễn Thị Huệ ấn tượng với khối biểu tượng khát vọng hòa bình gồm những cành cây, mầm xanh và chim bồ câu tung cánh từ xác máy bay. Cô cho biết, nhân dịp đặc biệt này chọn cho mình chiếc áo dài trắng và mang theo cờ Tổ quốc khi tới tham quan.
Các phòng trưng bày theo chủ đề là các mốc son hoặc những giai đoạn lịch sử hào hùng. Mọi hiện vật được bày biện trang nghiêm lần lượt từ lối vào tới cửa ra giúp du khách thuận tiện tham quan, tìm hiểu. Do không gian rộng lớn, một buổi trải nghiệm có thể tốn 2-3 giờ.
Ông Ayun Hai đến từ Gia Lai cho biết, trước đây từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và đóng quân ngay tại Cầu Giấy (Hà Nội). Nhân dịp ra thăm lại Thủ đô, lại trùng với ngày Bảo tàng Lịch sử Quân sự mở cửa đón khách, ông vội cùng vợ tới tham quan.
"Tôi thấy tự hào khi bước vào không gian bảo tàng hiện đại và trang trọng như ở đây. Từng hiện vật được trưng bày tỉ mỉ làm một người lính như tôi rất xúc động. Có lẽ đây là bảo tàng đẹp nhất tôi từng thấy trong cuộc đời mình", ông Ayun Hai nói.
Khu vực phòng chiếu với màn hình cong và ghế ngồi thu hút được nhiều vị khách dừng chân ngồi nghe thuyết minh về những cuộc kháng chiến vàng son của dân tộc ta.
Từ những vị khách lớn tuổi đến các bạn trẻ đều lặng lẽ quan sát kỹ hiện vật trong bảo tàng.
Du khách tập trung đông đúc tại khu vực trưng bày Bảo vật Quốc gia nơi có chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5121 cùng hệ thống bệ phóng và vỏ đạn tên lửa SA-75 DVINA (SAM-2) mà Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân từng điều khiển bắn hạ máy bay B52 vào đêm 27/12/1972.
Thạch Thảo