Hàng trăm tên lửa SM-1 vừa bị Tây Ban Nha loại biên trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Ukraine

Hàng trăm tên lửa SM-1 vừa bị Tây Ban Nha loại biên trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Ukraine
16 giờ trướcBài gốc
Việc loại biên tên lửa SM-1 khiến Hải quân Tây Ban Nha không còn vũ khí phòng không tầm trung, điều này là không tránh khỏi khi số đạn trên quá cũ, trong khi Mỹ cũng đã hết linh kiện để giúp đồng minh duy trì hoạt động.
Trước tình hình trên, báo chí Ukraine đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến số đạn tên lửa nói trên, cho rằng chúng có rất nhiều công năng, từ phòng không đến tấn công mặt đất, nhưng liệu Kyiv có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả?
Tên lửa phòng không SM-1 có tầm bắn tối đa 47 km, phiên bản đầu tiên xuất hiện vào giữa thập niên 1960, mặc dù rất cũ nhưng vẫn có những lựa chọn đặc biệt để sử dụng trong vai trò mới.
Tên lửa SM-1 của Tây Ban Nha gồm các phiên bản Block V, Block VIA và Block VIB, đây là những biến thể mới nhất với ký hiệu RIM-66E và được đưa vào sử dụng từ năm 1982.
Số lượng tên lửa phòng không của Tây Ban Nha là rất đáng kể, khi mỗi chiến hạm lớp Santa Maria mang tới 32 đạn, đồng nghĩa hàng trăm tên lửa sẽ bị loại bỏ, do vậy dễ hiểu vì sao Ukraine muốn nhận được dù chỉ một phần.
Tuy vậy nếu tiếp nhận, phương án sử dụng SM-1 cho chức năng phòng không là bất khả thi bởi là một loại tên lửa cũ với đầu dẫn đường bán chủ động, yêu cầu mục tiêu phải được radar hỏa lực chiếu xạ liên tục cho đến thời điểm bị tiêu diệt.
Điều này đồng nghĩa tới bên cạnh tên lửa thì phải có toàn bộ hệ thống điều khiển hỏa lực của tàu. Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về tổ hợp radar Mk 92 được lắp đặt trên các tàu chiến của Hải quân Tây Ban Nha.
Mặc dù loại bỏ tên lửa nhưng Tây Ban Nha chưa có ý định thanh lý hệ thống quản lý chiến đấu trên các tàu chiến của mình, ngay cả khi đây là những thiết bị đã trải qua nhiều năm sử dụng.
Ngoài ra Ukraine cũng khó lòng tìm ra hệ thống RIM-24 Tartar (đã được đưa vào sử dụng từ năm 1958) để phóng tên lửa SM-1, vì tất cả lực lượng hải quân trên thế giới cho ngừng hoạt động từ lâu.
Cần lưu ý, Mỹ có một dự án nhằm biến SM-1 thành tên lửa không đối không tầm xa AIM-97 Seekbat với tầm bắn lên tới 90 km, tức là kém hơn khả năng của đạn AIM-120.
Ngoài ra SM-1 từng được hoán cải thành tên lửa chống radar AGM-78, đã được đưa vào sử dụng và hiện bị thay thế bằng AGM-88 HARM tầm xa hơn. Tuy nhiên theo nhận xét từ giới chuyên gia, cả hai phiên bản hàng không của SM-1 đều không phù hợp với Ukraine.
Còn một lựa chọn nữa đó là biến tên lửa phòng không thành tên lửa đạn đạo tầm ngắn, giống như cách Quân đội Nga sử dụng đạn 48N6 thuộc tổ hợp S-300 và S-400 cho vai trò này.
Cách thức như vậy thực sự đã được Hải quân Mỹ nghĩ tới, khi họ nghiên cứu hoán cải tên lửa SM-1 nhằm tạo ra đạn RGM-165 LASM để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Dự án được khởi xướng vào giữa thập niên 1990 với nhằm hoán cải 800 - 1.000 tên lửa phòng không SM-1, các kỹ sư đã lên kế hoạch loại bỏ radar và lắp đặt thiết bị dẫn đường thông qua hệ thống quán tính và hiệu chỉnh vệ tinh.
Để hiện đại hóa, nhà sản xuất lên kế hoạch sử dụng phiên bản RIM-66K - SM-2MR Block III, bản thân chúng là biến thể nâng cấp từ SM-1 và có thiết bị điện tử, đầu đạn khác nhau và động cơ Thiokol Mk 104 thế hệ mới.
Nhưng để đánh giá khả năng hiện đại hóa SM-1, bản thân động cơ có vai trò quan trọng, khi SM-2MR có tầm bắn 120 km đối với mục tiêu hàng không, khi hoán cải thành RGM-165 LASM, đạn có thể tiêu diệt vật thể mặt đất cách xa tới 280 km.
Tuy vậy tên lửa SM-1 mà Tây Ban Nha vừa loại biên chỉ có tầm bắn 47 km, nếu hoán cải thành tên lửa đạn đạo cũng khó lòng bay xa hơn 100 km. Ngoài ra đầu đạn Mk 115 nặng 33,6 kg nhưng phần lớn lại là mảnh văng, rất yếu khi tấn công mục tiêu mặt đất.
Cuối cùng cần nhắc đến việc dự án RGM-165 LASM đã bị đình chỉ và chưa được hoàn thiện vì có quá nhiều nghi vấn về khả năng bắn trúng mục tiêu đang di chuyển cũng như hiệu quả đối với ngay cả đầu đạn SM-2MR nặng 115 kg.
Mặc dù sau đó phiên bản này đã tái sinh thành tên lửa SM-6 - đây là một sản phẩm hiện đại hóa rất sâu dựa trên SM-2 và SM-1, nhưng không giúp ích gì cho Ukraine vào lúc này.
Đó là lý do tại sao việc Ukraine đề nghị Tây Ban Nha bàn giao những tên lửa SM-1 loại biên để sử dụng trên chiến trường bị nhận xét là bất khả thi, cho dù sử dụng chúng ở vai trò nào đi nữa.
Nhưng dĩ nhiên đây chỉ là lý thuyết, bởi cũng không ai ngờ việc phương Tây giúp Ukraine tích hợp thành công tên lửa RIM-7 Sea Sparrow vào tổ hợp Buk-M1 như hiện nay, bởi vậy cũng sẽ không quá ngạc nhiên nếu SM-1 được trưng dụng cho vai trò tương tự.
Việt Dũng
Theo Naval News
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/hang-tram-ten-lua-sm-1-vua-bi-tay-ban-nha-loai-bien-tro-nen-dac-biet-hap-dan-doi-voi-ukraine-post601127.antd