Hàng triệu tài xế cần nắm rõ thông tin này để biết được loại biển báo giao thông nào đang có hiệu lực

Hàng triệu tài xế cần nắm rõ thông tin này để biết được loại biển báo giao thông nào đang có hiệu lực
12 giờ trướcBài gốc
Biển báo giao thông là gì?
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về biển báo giao thông. Khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định:
"Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn".
Theo quy định nêu trên có thể thấy, biển báo hiệu là một trong phần của hệ thống báo hiệu đường bộ. Đây là những biển hiệu có chứa các thông tin chỉ dẫn liên quan đến phương tiện tham gia giao thông. Việc tuân thủ chỉ dẫn của các biển báo giao thông được lắp đặt trên đường sẽ giúp người điều khiển phương tiện di chuyển an toàn, tránh bị xử phạt vi phạm giao thông.
Các biển báo giao thông
Theo Quy chuẩn QCVN41:2019/BGTVT, biển báo giao thông được chia thành 5 nhóm cơ bản sau:
- Biển báo cấm: Nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
- Biển hiệu lệnh: Nhóm biển dùng để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt) nếu không sẽ bị phạt.
- Biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Nhóm biển báo hiệu cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời.
- Biển chỉ dẫn: nhóm biển báo dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông
- Biển phụ, biển viết bằng chữ: Nhóm biển nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh, biển báo nguy hiểm và cảnh báo, biển báo chỉ dẫn hoặc được sử dụng độc lập.
Biển báo giao thông có rất nhiều hình dạng khác nhau. Ảnh: TL
Cách để biết được các loại biển báo giao thông đang có hiệu lực
Để biết được loại biển báo giao thông nào đang có hiệu lực, cần chú ý đến các yếu tố sau:
Vị trí đặt biển báo giao thông:
Biển báo có hiệu lực kể từ vị trí mà nó được đặt. Các biển báo thường đặt ở những vị trí quan trọng, cho phép người lái xe dễ dàng nhận biết.
Nhóm biển báo giao thông:
Biển báo cấm: Thể hiện điều cấm hoặc hạn chế.
Biển báo nguy hiểm: Cảnh báo các tình huống nguy hiểm.
Biển hiệu lệnh: Báo hiệu các hiệu lệnh phải thi hành.
Biển chỉ dẫn: Hướng dẫn, chỉ dẫn hướng đi hoặc các thông tin cần thiết.
Biển phụ: Bổ sung ý nghĩa cho biển chính.
Hình dạng và màu sắc:
Mỗi loại biển báo có hình dạng và màu sắc đặc trưng (ví dụ: hình tròn, tam giác, chữ nhật,...).
Ý nghĩa của biển báo:
Cần hiểu rõ ý nghĩa của từng loại biển báo (ví dụ: biển báo tốc độ tối đa, biển cấm dừng, đỗ...).
Các biển báo "Hết" hoặc "Bắt đầu/Kết thúc":
Các biển báo như "Hết tốc độ tối đa cho phép" (DP.134), "Hết tất cả các lệnh cấm" (DP.135) báo hiệu hiệu lực của các biển báo trước đó đã kết thúc.
Các biển báo "Bắt đầu khu đông dân cư" (R.420) và "Hết khu đông dân cư" (R.421) cho biết hiệu lực của các quy định trong khu vực đó.
Biển báo phụ:
Biển phụ (hình chữ nhật hoặc vuông, nền trắng) thường được đặt dưới biển chính để giải thích hoặc bổ sung ý nghĩa cho biển chính.
Thứ tự ưu tiên (nếu có mâu thuẫn):
Nếu có mâu thuẫn giữa vạch kẻ đường và biển báo, thì tuân theo chỉ dẫn của biển báo.
Mỗi loại biển báo giao thông lại mang những ý nghĩa khác nhau.
Biển báo giao thông có dạng hình gì?
Biển báo giao thông hình tròn
Biển báo giao thông hình tròn là các biển báo thuộc nhóm biển báo cấm và biển hiệu lệnh.
Với đặc trưng về màu sắc, người điều khiển phương tiện có thể dễ dàng nhận biết biển báo hình tròn nào thuộc nhóm biển cấm, biển báo nào thuộc nhóm biển hiệu lệnh. Cụ thể:
- Biển báo hình tròn viền đỏ nền trắng hoặc xanh là các biển báo cấm, biểu thị những điều mà tham gia giao thông không được vi phạm.
- Biển báo hình tròn nền xanh, hình vẽ màu trắng là các biển báo hiệu lệnh, biểu thị các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông bắt buộc phải chấp hành.
Biển báo giao thông hình tam giác
Biển báo giao thông hình tam giác là các biển báo thuộc nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo, được lắp đặt trên đường để báo cho người tham gia giao thông biết trước sự nguy hiểm hoặc các điều cần phòng tránh trên tuyến đường.
Khi gặp các biển báo tam giác, các tài xế phải chú ý giảm tốc độ, chú ý quan sát, sẵn sàng xử lý những tình huống giao thông bất lợi.
Biển báo giao thông hình vuông
Biển báo giao thông hình vuông là những biển báo thuộc nhóm biển báo chỉ dẫn hoặc nhóm biển phụ. Thông qua màu sắc của biển báo giao thông bình vuông mà người điều khiển phương tiện có thể biết được ý nghĩa của các biển:
- Biển báo giao thông hình vuông nền xanh thuộc nhóm biển chỉ dẫn mang ý nghĩa chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết để các tài xế di chuyển thuận lợi và an toàn.
- Biển báo giao thông hình vuông nền trắng thuộc nhóm biển phụ, dùng để thuyết minh, bổ sung ý cho biển báo chính.
Biển báo giao thông hình chữ nhật
Biển báo giao thông hình chữ nhật xuất hiện ở tất cả các nhóm biển báo cơ bản, trong đó chủ yếu là nhóm biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn, còn ở các nhóm biển báo khác thì khá ít.
- Biển báo hiệu lệnh hình chữ nhật có nền màu xanh, hình vẽ bên trong màu trắng, dùng để báo cho người điều khiển biết các điều bắt buộc phải chấp hành khi tham gia giao thông.
- Biển báo chỉ dẫn hình chữ nhật có nền màu xanh (xanh dương, xanh lam hoặc xanh lá cây), hình vẽ và chữ viết bên trong màu trắng, dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách thuận lợi, đảm bảo an toàn.
Biển báo giao thông hình thoi
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hình thoi gồm 02 loại biển là biển báo I.401 "Bắt đầu đường ưu tiên" và biển báo I.402 "Kết thúc đường ưu tiên".
- Biển báo I.401 "Bắt đầu đường ưu tiên" báo cho các phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường nàyđược quyền ưu tiên đi trước qua nơi giao nhau.
- Biển báo I.402 "Kết thúc đường ưu tiên", báo cho tài xế biết phía trước đã kết thúc đoạn đường ưu tiên.
Biển báo giao thông hình lục giác đều
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông hình lục giác đều chính là biển báo R.122 "Dừng lại".
Biển này có nền màu đỏ, viền và chữ "STOP" bên trong màu trắng với ý nghĩa báo hiệu các xe (bao gồm cả xe cơ giới và xe thô sơ) phải dừng lại.
Biển báo giao thông hình lục giác đều được đặt ở vị trí góc đường hoặc chỗ giao cắt để người tham gia giao thông phải dừng lại để quan sát. Người tham gia giao thông chỉ đi tiếp nếu đoạn đường phía trước thông thoáng nhưng cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhường đường.
Biển này có hiệu lực buộc đối với các loại xe cơ giới và thô sơ kể cả xe được ưu tiên theo quy định (xe công an làm nhiệm vụ, xe cứu thương, xe chữa cháy…) đều phải dừng lại trước biển báo dừng lại.
Biển báo giao thông đường bộ được đặt ở vị trí như thế nào và cách nhà dân bao nhiêu mét?
Căn cứ theo Điều 20 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định về vị trí đặt biển báo giao thông theo chiều dọc và ngang đường như sau:
- Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông.
- Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; Biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
- Trường hợp biển báo đặt trên cột (có thể đặt trên trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách mép ngoài của biển theo phương ngang đường cách mép phần đường xe chạy tối thiểu là 0,5 m và tối đa là 1,7 m. Trường hợp không có lề đường, hè đường, khuất tầm nhìn hoặc các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh theo phương ngang nhưng mép biển phía phần xe chạy không được chờm lên mép phần đường xe chạy và cách mép phần đường xe chạy không quá 3,5 m.
Theo quy định trên, biển báo hiệu giao thông được đặt theo vị trí như trên và hiện tại thì không có quy định việc biển báo giao thông phải đặt cách nhà người dân bao nhiêu mét.
Tùy vào thực tế của từng địa phương mà sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn do đó anh có thể liên hệ cơ quan có thẩm quyền ở địa phương mình để được giải đáp cụ thể hơn.
Không tuân thủ chỉ dẫn của biển báo giao thông có thể bị phạt rất nặng. Ảnh minh họa: TL
Không tuân thủ chỉ dẫn của biển báo giao thông bị phạt thế nào?
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lỗi không tuân thủ biển báo được hiểu là lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu. Mức phạt đối với lỗi không tuân thủ biển báo được quy định cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô.
(Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không tuân thủ biển báo mà gây tai nạn.
(Theo điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.
(Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không tuân thủ biển báo mà gây tai nạn.
(Theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng.
(Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không tuân thủ biển báo mà gây tai nạn.
(Theo điểm d khoản 8 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác.
(Theo điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người đi bộ.
(Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo.
(Theo điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
L.Vũ (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hang-trieu-tai-xe-can-nam-ro-thong-tin-nay-de-biet-duoc-loai-bien-bao-giao-thong-nao-dang-co-hieu-luc-172250430003913485.htm