Cụ thể, Bộ Công thương cho biết, trong số 267 vụ việc điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (146 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (38 vụ việc) và chống trợ cấp (29 vụ việc).
Hàng Việt đối mặt với 267 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TL
Hiện nay, Bộ Công thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM gửi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Việc cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai công tác hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại để trình Chính phủ trong tháng 12/2024; tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các chương trình, đề án lớn phục vụ thực thi, sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước.../.
Được biết, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đề án Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM (theo Quyết định số 1335/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Song Linh