Hàng Việt nhiều cơ hội ở EU

Hàng Việt nhiều cơ hội ở EU
4 giờ trướcBài gốc
Nếu tận dụng tốt cơ hội, thị trường Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là nơi "tránh bão thuế" đối ứng từ Mỹ cho hàng Việt. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong quý I/2025, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch ước đạt 13,7 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tận dụng lợi thế
"50% đơn hàng xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ đã bị cắt giảm do tác động của thuế quan" - thông tin từ ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean). Theo ông, nguyên nhân là do các nhà mua hàng ở Mỹ e ngại chính sách thuế quan nên tạm hoãn đơn hàng để quan sát.
Theo đó, ông Phạm Văn Việt cho hay chuyển hướng thị trường là giải pháp đang được doanh nghiệp (DN) triển khai, trong đó có thị trường trọng điểm EU.
"Chúng tôi đang đàm phán với đối tác EU để gia tăng thêm đơn hàng trong thời gian tới. Tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ cơ bản đã được DN đáp ứng, song kỳ vọng nhất là sức mua tại thị trường EU tăng mạnh" - ông mong muốn.
Với ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết DN này vẫn đều đặn xuất khẩu đi EU hơn chục container gạo chất lượng cao mỗi tháng, giá bán không thấp hơn 700 USD/tấn. Đặc biệt, một số loại gạo chất lượng cao, thương hiệu tốt như ST25 bán được giá trên 1.000 USD/tấn.
"EU có nhu cầu tiêu dùng và giá cả ổn định, do vậy nếu DN đã đưa được hàng vào thị trường này thì không phải quá lo lắng về giá cả trồi sụt, cả trong giai đoạn giá lúa gạo Việt Nam giảm mạnh những tháng vừa qua" - ông Bình nói.
Nhận định cơ hội lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, đánh giá đây là cơ hội tốt để DN tiếp cận thị trường và có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm tương đồng từ các quốc gia chưa có FTA.
Theo ông Lực, nhìn con tôm sẽ thấy điểm này, khi khoảng năm 2017, tôm chế biến Thái Lan chiếm lĩnh thị trường EU. Ngay sau đó, quốc gia họ mất ưu đãi thuế quan tại đây và năm 2020, Việt Nam có FTA. Từ năm 2017, tôm Việt Nam soán dần vị trí tôm Thái Lan và năm 2023 đã cơ bản chiếm lĩnh phân khúc tôm chế biến sâu, góp phần để tôm Việt Nam chiếm vị trí thứ 2 về sản lượng ở đây, sau tôm Ecuador. "EU là một trong 3 thị trường trọng điểm quan trọng của Sao Ta, bên cạnh thị trường Nhật Bản, Mỹ" - ông Lực cho biết.
Bên trong nhà máy chế biến thủy sản của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. (Ảnh do Công ty CP Tập đoàn PAN cung cấp)
Cần chiến lược căn cơ, bài bản
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, nhiều dự báo cho thấy lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vào EU năm 2025 và 2026 dự kiến sẽ phục hồi rõ rệt ở mức 2,5% và 3%.
Đặc biệt, cơ hội lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam nằm ở Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVFTA sẽ bước vào năm thứ 5 vào tháng 8-2025.
Theo đó, biểu thuế B5 sẽ về 0% và như vậy dự kiến có trung bình trên 90% mặt hàng sẽ về 0%. EU là thị trường có sức mua lớn với 500 triệu dân. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng thương mại thời gian qua của Việt Nam và khối này vẫn chỉ dừng ở mức ổn định, khoảng 10% - 15%. Hàng Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 2,5% tổng nhập khẩu của EU.
Hơn nữa, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại tại Hà Lan, nhấn mạnh trong bối cảnh hàng hóa không dễ vào Mỹ, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và nhiều quốc gia châu Á khác sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang EU và Hà Lan.
Trung Quốc có thể gia tăng hiện diện trong các ngành điện tử, đồ gia dụng, cơ khí tại châu Âu. Bangladesh và Campuchia - những đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành dệt may, có thể đẩy mạnh dòng hàng giá rẻ vào EU. Đặc biệt, áp lực không chỉ đến từ giá rẻ mà còn ở tốc độ giao hàng, khả năng đáp ứng đơn hàng linh hoạt và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Giữa làn sóng rào cản thương mại và bảo hộ gia tăng, Tham tán Ngọc Diệp nhấn mạnh: EVFTA trở thành "lá chắn" chiến lược giúp hàng hóa Việt giữ vững chỗ đứng tại EU. Những ngành hưởng lợi trực tiếp gồm dệt may, da giày; thủy sản, nông sản chế biến; đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; thiết bị điện, điện tử sẽ tiếp tục là những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trên tại thị trường Hà Lan/EU.
Gạo chất lượng cao của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sau EU Ảnh: THÙY LINH
Theo Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp, chính sách thuế mới của Mỹ tuy là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ và các đơn hàng ngắn hạn.
Đây chính là thời điểm mà DN Việt cần thực sự nghiêm túc tăng tốc: chuyển đổi mô hình cạnh tranh từ giá rẻ sang chất lượng - bền vững - truy xuất nguồn gốc, đầu tư vào tiêu chuẩn châu Âu như nhãn sinh thái (eco-label), dấu chân các-bon (carbon footprint) hay chứng chỉ CSR để gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng EU.
Về phía DN, đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận định một năm nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường EU lên tới trên 2 triệu tấn. Con số không nhỏ nhưng gạo Việt Nam mới chỉ phục vụ cho người Việt là chính.
Vị này lý giải, một trong những khó khăn nhất là vượt qua các rào cản khắt khe từ phía thị trường EU, người sản xuất và tiêu thụ phải bắt tay nhau cùng sản xuất theo tiêu chuẩn EU.
"Chúng ta có lợi thế từ Hiệp định EVFTA nhưng nếu không phát triển ngành hàng bền vững thì có 10 FTA, gạo Việt cũng khó vào EU, chứ chưa nói tới xây dựng thương hiệu mạnh, thu hút người bản địa dùng gạo Việt Nam" - ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, DN cần phải có chiến lược căn cơ, bài bản để tiếp cận thị trường EU, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thuế quan. Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp chống lẩn tránh thuế, kiểm soát luồng thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng nhằm ngăn chặn giả mạo xuất xứ.
Đặc biệt, các tham tán thương mại ở EU khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng tối ưu hóa EVFTA để tận dụng ưu đãi thuế trước khi các đối thủ cạnh tranh kết thúc đàm phán, thực thi FTA trong thời gian tới (EU và Ấn Độ, EU và Thái Lan đều có mục tiêu hoàn tất đàm phán FTA trong năm 2025, EU và Indonesia đã hoàn thành vòng đàm phán thứ 19) và định vị thương hiệu hàng Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như một trụ cột ổn định
Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định mối quan hệ đối tác giữa EU và Việt Nam là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, đóng vai trò như một trụ cột ổn định giữa bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến động.
Trong khi đó, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier tái khẳng định cam kết lâu dài của châu Âu đối với thương mại tự do và công bằng; đồng thời nhấn mạnh cột mốc sắp tới - kỷ niệm 5 năm EVFTA như một dịp quan trọng để nhìn lại những tiến triển đã đạt được và làm mới các mục tiêu. "EVFTA đã cho thấy rõ ràng rằng thương mại và dòng vốn đầu tư có thể phát triển mạnh mẽ khi chúng ta xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Chúng ta cần khai thác tối đa hiệp định này để mở khóa toàn bộ tiềm năng mà nó mang lại" - Đại sứ Julien Guerrier kỳ vọng.
Khai thác các FTA chưa tương xứng với tiềm năng
Theo TS Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, tính đến năm 2025, tổng số các FTA Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán lên tới 20 FTA, với 16 FTA đang thực thi, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP.
Các hiệp định này đã mở ra thị trường rộng lớn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.
Tuy vậy, việc khai thác các FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, vẫn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về các quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế quan; các rào cản phi thuế ngày càng gia tăng như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động… đặt ra thách thức lớn cho khả năng đáp ứng của hàng Việt; tỉ lệ nội địa hóa trong một số ngành còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng tận dụng ưu đãi FTA đã ký.
LÊ THÚY
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/hang-viet-nhieu-co-hoi-o-eu-196250503201057814.htm