Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Datuk Seri Mohamad Hasan đón chào Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ. Ảnh: TTXVN
Theo bình luận của tạp chí Time (time.com) mới đây, Mỹ đang đứng trước một thách thức lớn trong nỗ lực củng cố mối quan hệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Điều đáng nói là, môi trường chiến lược và kinh tế khu vực hiện đang chịu tác động sâu sắc từ chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Donald Trump, tạo ra một bài toán cân bằng cực kỳ khó khăn cho Washington.
Sự thất vọng của khu vực
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vừa có chuyến công du chính thức đầu tiên tới châu Á, tham dự hội nghị an ninh khu vực thường niên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Dù Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông Rubio sẽ tập trung vào việc "tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an ninh" thay vì vấn đề thuế quan hay thương mại, thực tế cho thấy thuế quan lại là tâm điểm của các cuộc đàm phán ASEAN.
Tổng thống Trump đã công bố sẽ mức thuế 25% đối với hai đối tác chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc, sau khi các cuộc đàm phán không đạt được thỏa thuận. Không chỉ vậy, Philippines – một đồng minh lâu năm của Mỹ và thành viên ASEAN – cũng bị áp thuế tăng lên 20%. Các thành viên ASEAN khác như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan cũng chịu chung số phận với thuế quan mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.
Phản ứng trước các chính sách trên, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã mạnh mẽ phát biểu tại hội nghị: "Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh các khuôn khổ đang dần tan rã, nơi quyền lực làm đảo lộn nguyên tắc. Trật tự toàn cầu đang bị lung lay". Ông nhấn mạnh rằng "thuế quan, hạn chế xuất khẩu và rào cản đầu tư giờ đây đã trở thành công cụ sắc bén của sự cạnh tranh địa chính trị" và khẳng định "đây không phải là cơn bão thoáng qua". Phát biểu của ông Ibrahim phản ánh rõ sự lo ngại và thất vọng của nhiều quốc gia trong khu vực trước những đòn giáng kinh tế từ chính sách thương mại của Mỹ.
Mặc dù chính quyền Mỹ đang tìm cách tái khẳng định các cam kết an ninh đối với Đông Nam Á, nhưng hành động của Washington lại cho thấy một sự "thoái lui" rõ rệt. Tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Rubio đã "nhấn mạnh các cam kết sắt đá của Mỹ đối với Philippines" theo Hiệp ước Phòng thủ chung. Mỹ cũng tổ chức các cuộc tập trận hàng hải chung với Philippines và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Trump đã đặt các cam kết của Mỹ với các đối tác quốc tế vào tình trạng nghi ngờ. Việc đóng cửa USAID đã gây nguy hiểm cho hàng triệu người ở hàng chục quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có một số quốc gia Đông Nam Á. Nhiều dự án hòa giải nhằm giải quyết hậu quả của Chiến tranh Việt Nam cũng buộc phải dừng lại do cắt giảm tài trợ.
Chiến dịch trục xuất hàng loạt của chính quyền Trump và việc thắt chặt các quy định về thị thực cũng đã tác động đến công dân Đông Nam Á. Mark S. Cogan, Phó Giáo sư nghiên cứu hòa bình và xung đột tại Đại học Kansai Gaidai, Nhật Bản, nhận định rằng chính sách đối ngoại của Mỹ nhìn chung "thực sự cho thấy họ đang thoái lui", mặc dù "chắc chắn Mỹ có cơ hội can dự".
Cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc
Trong bối cảnh Mỹ có dấu hiệu "co cụm", Trung Quốc đang tận dụng cơ hội để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và tăng cường các nỗ lực ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra "tình hình quốc tế phức tạp và bất ổn hiện nay" là nền tảng để củng cố quan hệ thương mại khu vực, nhằm thể hiện Bắc Kinh là một đối tác kinh tế và ngoại giao đáng tin cậy hơn so với Mỹ dưới thời Trump.
Tạp chí Time cho rằng, trong khi đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, một số quan chức trong chính quyền Trump lại đang thúc đẩy quân đội Mỹ giảm quy mô hiện diện trên khắp châu Á. Một báo cáo gần đây đã khuyến nghị cắt giảm số lượng quân đội Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc từ 28.500 xuống còn 10.000. Tổng thống Trump cũng thường xuyên phàn nàn về chi phí viện trợ quân sự cho Hàn Quốc và yêu cầu các đối tác như Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng của riêng họ.
Một cuộc khảo sát tại các quốc gia Đông Nam Á được công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy Mỹ đã giành lại vị thế là đối tác được ưa chuộng hơn so với Trung Quốc, mặc dù cuộc khảo sát này được thực hiện trước khi phần lớn các chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump được công bố. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới đây lại cho thấy những cảm nhận trái chiều về Mỹ, khi Mỹ nổi lên vừa là đối tác hàng đầu vừa là mối đe dọa hàng đầu.
Sharon Seah, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định rằng các nước Đông Nam Á phần lớn "thực dụng" và sẽ cố gắng cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng sự thực dụng đó đôi khi đồng nghĩa với việc "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng vào các cường quốc mà họ quen thuộc bởi vì động lực địa chính trị đang thay đổi quá nhanh chóng".
"Đông Nam Á là đấu trường cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh bất chấp mong muốn ‘không chọn phe’ trong khu vực", Ja Ian Chong, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. Có lẽ sự mơ hồ này đang khuyến khích sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là làm thế nào để Mỹ có thể vừa duy trì cam kết an ninh, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thương mại của mình để cân bằng ảnh hưởng ở châu Á?
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc