Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25 đến 31/5/2025, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng – những "thủ phạm" mới đang tấn công mạnh mẽ vào giới trẻ.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5
Với chủ đề "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia phơi bày và đấu tranh với các chiêu trò quảng cáo sai sự thật của các tập đoàn thuốc lá, vốn đang khiến nhiều người – đặc biệt là giới trẻ hiểu lầm rằng thuốc lá là sản phẩm ít hại hoặc không hại. Thực tế, theo WHO, thuốc lá vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 8 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có tới 1,3 triệu người chết do hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam, vấn nạn hút thuốc vẫn đang là gánh nặng y tế và kinh tế nghiêm trọng. Hiện, có hơn 15 triệu người đang hút thuốc, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, hơn 103.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó 18.800 người chết do hút thuốc thụ động. Đáng lo ngại, phần lớn trong số này là người đang ở độ tuổi lao động – lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.
Một nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022 chỉ rõ: mỗi năm Việt Nam tiêu tốn khoảng 108 nghìn tỷ đồng cho chi phí điều trị bệnh tật và mất sức lao động liên quan đến thuốc lá – cao gấp 5 lần so với số thu từ thuế thuốc lá. Đây là con số “biết nói”, buộc các cấp, ngành và chính quyền địa phương phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, và đặc biệt là Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội – cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ ngày 1/1/2025, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường thực thi pháp luật và tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Theo đó, các tỉnh, thành phố phải xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá, đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, là tổ chức treo băng rôn, mít tinh, hội nghị, diễu hành và truyền thông rộng rãi trong Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên tại các cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn và những nơi công cộng khác. Mọi hành vi vi phạm, nhất là liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, phải được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, thể hiện rõ thái độ kiên quyết, không khoan nhượng.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa. Truyền thông, giáo dục pháp luật cần đến được tận các hộ gia đình, từng người dân, để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi một cách bền vững.
Sau hơn 10 năm triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá điếu giảm trung bình 0,5% mỗi năm; tỷ lệ hút thuốc ở lứa tuổi 13-15 giảm từ 2,5% năm 2014 còn 1,9% năm 2022. Tuy vậy, thách thức vẫn rất lớn khi Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nam giới cao nhất thế giới.
Cuộc chiến với thuốc lá – "kẻ giết người thầm lặng" đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, liên tục và kiên trì của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngày Thế giới không thuốc lá không chỉ là dịp để hành động, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc rằng: bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân.
Trang Nguyễn