Hành động quyết liệt để giảm thiểu tác hại từ rượu, bia

Hành động quyết liệt để giảm thiểu tác hại từ rượu, bia
3 giờ trướcBài gốc
Những bị kịch từ rượu, bia kém chất lượng
Rượu, bia từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong các sự kiện văn hóa và giao tiếp xã hội của người Việt Nam. Song việc tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc hoặc chứa methanol vượt mức cho phép đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Những vụ ngộ độc gần đây tại Cà Mau và Kiên Giang không chỉ cướp đi mạng sống của nhiều người mà còn để lại bài học đắt giá về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Những vụ ngộ độc trong thời gian quan không chỉ cướp đi mạng sống của nhiều người mà còn để lại bài học đắt giá về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Một sự việc đau lòng xảy ra tại Cà Mau, khi ông N.V.T. qua đời vì nghi ngộ độc rượu. Trong đám tang của ông N.V.T. kéo dài nhiều ngày, gia đình tổ chức chiêu đãi các món ăn kèm với rượu được mua từ các cơ sở địa phương. Ngay sau khi tham dự, nhiều người có dấu hiệu chóng mặt, co giật, mờ mắt và khó thở. Kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng cho thấy mẫu rượu sử dụng trong đám tang chứa hàm lượng methanol vượt mức cho phép hàng chục lần. Bi kịch không chỉ khiến 3 người tử vong mà còn đẩy hàng chục người khác vào tình trạng nguy kịch, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện.
Tương tự, tại Rạch Giá, 3 người đàn ông nhập viện với triệu chứng ngộ độc rượu. Trong số đó, hai người không qua khỏi, để lại nỗi đau không nguôi cho gia đình và bạn bè. Các cuộc điều tra tiếp theo đều chỉ ra rằng, mẫu rượu được sử dụng trong những bữa tiệc này chứa methanol vượt xa giới hạn an toàn.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương: Hiện 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam (chủ yếu là rượu thủ công do dân tự nấu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ) vẫn chưa được quản lý. Tình trạng này không những gây lo ngại về sức khỏe người sử dụng mà còn gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo gánh nặng cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị kiểm tra xử lý 153 vụ liên quan đến mặt hàng rượu với số tiền xử phạt 1,5 tỷ đồng và 38 vụ liên quan đến mặt hàng bia với số tiền xử phạt 587 triệu đồng.
Tại Việt Nam, rượu được sản xuất thủ công là một lựa chọn phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, quá trình chưng cất thủ công thường không đảm bảo loại bỏ được methanol, dẫn đến nguy cơ cao về chất lượng và an toàn. Cạnh đó, việc kiểm định chất lượng rượu thủ công hầu như không được thực hiện, trong khi sản phẩm vẫn được bày bán tràn lan tại các cửa hàng tạp hóa. Điều này đã khiến rượu kém chất lượng lưu hành rất nhiều trên thị trường, được tiêu thụ mạnh do giá thành thấp và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng.
Đà Nẵng nỗ lực giảm thiểu những hậu quả
Để ngăn chặn những vụ việc thương tâm, cần có sự chung tay từ chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND để triển khai Quyết định số 1169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030. Đây là một bước đi ý nghĩa trong nỗ lực giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng từ việc lạm dụng rượu, bia.
Uống rượu bia nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư
Kế hoạch này không chỉ nhắm đến việc tuyên truyền đơn thuần mà còn định hướng các hoạt động truyền thông sâu rộng hơn trên địa bàn. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của các tầng lớp dân cư, từ người trưởng thành đến học sinh, sinh viên, về tác hại của rượu, bia. Thông qua đó, người dân sẽ được khuyến khích thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tác hại của rượu, bia, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội.
Chính trong bối cảnh tiềm ẩn tác hại từ việc sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc hoặc tiêu thụ quá mức, việc triển khai các chiến dịch truyền thông bài bản, sâu rộng là rất cần thiết. Tại Đà Nẵng, Kế hoạch 248 không dừng lại ở việc phát động các phong trào nâng cao nhận thức mà còn chú trọng đến những hành động cụ thể. Các chương trình giáo dục trong trường học sẽ được tăng cường, giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về tác hại của rượu, bia. Các buổi tuyên truyền tại cộng đồng dân cư cũng sẽ được tổ chức thường xuyên để khuyến khích người dân thay đổi thói quen, hướng tới sử dụng các sản phẩm an toàn và có kiểm định chất lượng.
Đáng chú ý, kế hoạch của Đà Nẵng còn nhấn mạnh đến việc phòng, chống tác hại của rượu, bia trong giao thông. Rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Các chiến dịch như “Đã uống rượu, bia – không lái xe” sẽ được đẩy mạnh, kết hợp với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát.
Đồng thời, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, nơi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ mình và gia đình trước những tác hại của rượu, bia. Điều này bao gồm cả việc khuyến khích các cơ sở kinh doanh rượu, bia tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm định chất lượng, không kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chứa hàm lượng methanol vượt mức cho phép.
Những nỗ lực của Đà Nẵng không chỉ là lời giải cho bài toán an toàn thực phẩm mà còn đặt nền móng cho một tương lai bền vững
Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, Đà Nẵng chú trọng đến việc xử lý mạnh tay các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng. Việc kiểm tra định kỳ sẽ được thực hiện thường xuyên, với sự tham gia của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của cộng đồng. Hành động này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà còn gửi đi thông điệp rằng chính quyền thành phố sẽ không dung túng cho bất kỳ hành vi vi phạm nào liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh rượu bia độc hại.
Những nỗ lực của Đà Nẵng không chỉ là lời giải cho bài toán an toàn thực phẩm mà còn đặt nền móng cho một tương lai bền vững, nơi sức khỏe cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong hành trình này, từ việc thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia đến việc nói không với các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Chính những thay đổi nhỏ nhưng ý nghĩa này sẽ góp phần tạo nên một xã hội an toàn, văn minh hơn.
Thái Hòa
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/hanh-dong-quyet-liet-de-giam-thieu-tac-hai-tu-ruou-bia-159097.html