Phải đi vào thực chất
Khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều nội dung quan trọng liên quan việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các luật mới về trật tự, an toàn giao thông.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP.
Hội nghị không chỉ sơ kết công tác quý I/2025, mà cần nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua; tập trung phân tích những tồn tại, yếu kém, xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, từ đó, xây dựng phương hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2025, thậm chí một số việc cần định hướng tới năm 2026, với tiến độ, giải pháp và phân công rõ ràng.
"Nhiệm vụ đặt ra rất rõ ràng. Đó là phải kéo giảm thực chất số vụ tai nạn giao thông. Những con số về tai nạn, thương vong, thiệt hại tài sản... là thách thức trực diện đối với công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân; ảnh hưởng lớn phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cần đổi mới tư duy, phương pháp để công việc thực sự đi vào thực chất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đang có sự sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, các mô hình ủy ban phối hợp liên ngành như Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng cần được rà soát, điều chỉnh để hoạt động đảm bảo thực chất, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và hiệu quả. Đặc biệt, các bộ, ngành thành viên Ủy ban cần xác định rõ vai trò của người trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách, "không thể xem đây là tổ chức tư vấn, họp rồi để đó".
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin về nguyên nhân tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: VGP.
Sẽ áp dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, tình hình trật tự, an toàn giao thông có cải thiện nhưng vẫn rất đáng lo ngại về số vụ tai nạn, số người chết, tình trạng ùn tắc giao thông, hành vi chống người thi hành công vụ… Một số vụ tai nạn rất nghiêm trọng cho thấy nguyên nhân chủ yếu nằm ở phương tiện và người điều khiển.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị xây dựng khung pháp lý cho việc áp dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo nhằm giám sát, cảnh báo sớm và xử lý những hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Các đối tượng trọng điểm như xe khách, xe tải - khi gây tai nạn thường để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng - cần được kiểm soát chặt chẽ về hành trình, thời gian lái xe, hành vi lái xe như buồn ngủ, sử dụng điện thoại, rượu bia...
Bộ Công an đang xây dựng đề án quy hoạch hệ thống camera giám sát toàn quốc, kết nối tập trung về trung tâm chỉ huy của lực lượng Cảnh sát giao thông. Mô hình này yêu cầu tỉnh, thành đầu tư thiết bị theo quy hoạch chung, đảm bảo đồng bộ, kết nối và chia sẻ dữ liệu. Trung tâm giám sát sẽ có lực lượng chuyên trách xử lý vi phạm qua hình ảnh, đảm bảo xử phạt nguội hiệu quả, hỗ trợ điều tiết, phân luồng giao thông kịp thời.
Quyết liệt vào cuộc
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là "cuộc chiến" cần được triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong đó, cần ưu tiên kéo giảm tai nạn giao thông trên tất cả lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không; chống ùn tắc giao thông; giải quyết ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông quốc gia, bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan hạ tầng, thông tin tín hiệu, điểm dừng đỗ, điểm cấp năng lượng xanh; xem xét, thống nhất lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hạ tầng và triển khai khắc phục các tồn tại hiện nay.
"Khẩn trương xử lý những điểm đen giao thông, nhất là các giao cắt đường bộ - đường sắt và điểm đen do thiết kế hoặc công trình khác. Phải hoàn thành việc xử lý điểm đen trong năm nay", Phó thủ tướng giao nhiệm vụ.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm, quyết liệt cao nhất để tạo chuyển biến thực chất trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông với thời gian ngắn nhất.
Tú Quân