Biểu tượng Meta tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 10/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích Meta vì bỏ chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba trên mạng xã hội Facebook và Instagram tại Mỹ. Phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng, ông Biden đã phản đối quyết định của Meta, cho rằng động thái này là vô trách nhiệm và “hoàn toàn trái ngược với những gì mà nước Mỹ hướng đến”.
Cùng ngày, Brazil đã cho Meta thời hạn 72 giờ để giải thích chính sách kiểm tra thông tin đối với quốc gia này và kế hoạch bảo vệ các quyền cơ bản trên các nền tảng của hãng. Tổng chưởng lý Jorge Messias cảnh báo văn phòng của ông có thể thực hiện các biện pháp pháp lý và tư pháp đối với Meta, nếu họ không phản hồi kịp thời.
Trước đó, Meta thông báo đang điều chỉnh chính sách kiểm duyệt nội dung, trong đó chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba tại Mỹ và chuyển sang hình thức “ghi chú cộng đồng” cho phép người dùng góp ý xác minh thông tin. Tuy nhiên, sau đó Meta cho biết sẽ áp dụng chính sách này tại tất cả các quốc gia mà tập đoàn này đang hoạt động.
Mạng lưới Kiểm tra Thông tin Quốc tế (IFCN) đã cảnh báo về những “hậu quả nhãn tiền” nghiêm trọng, nếu Meta mở rộng sự thay đổi chính sách sang quốc gia khác ngoài Mỹ. Meta hiện đang triển khai các chương trình của hãng tại hơn 100 quốc gia. Trong thư gửi tới Giám đốc điều hành (CEO) của Meta Mark Zuckerberg, IFCN cảnh báo một số quốc gia rất dễ bị tổn thương trước những thông tin sai lệch gây bất ổn chính trị, vấn nạn bạo lực. Tổ chức này lo ngại nếu Meta quyết định dừng chương trình kiểm chứng thông tin trên toàn thế giới, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng tại nhiều nơi.
Tại châu Âu, quyết định bất ngờ về các quy định nội dung của Meta đang tạo áp lực đối với Liên minh châu Âu (EU) trong việc khẳng định quyền lực nhằm điều chỉnh hành vi của các tập đoàn công nghệ lớn hoạt động tại khu vực. CEO của Meta chỉ trích EU đã thông qua ngày càng nhiều luật để hợp thức hóa việc kiểm duyệt.
Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ những cáo buộc nêu trên, khẳng định EU điều tiết nội dung để bảo đảm rằng các nền tảng như Meta không cho phép thông tin sai lệch, nội dung gây thù địch, hoặc các hành vi có hại khác tràn lan trên nền tảng của mình.
EU gần đây đã tăng cường các công cụ pháp lý để quản lý các nền tảng kỹ thuật số toàn cầu.
Giới chức Tây Ban Nha và Pháp kêu gọi EU cần “hành động cứng rắn hơn” với tỷ phú Musk khi cáo buộc ông chủ mạng xã hội X can thiệp vào chính trường châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot kêu gọi EC sử dụng luật hiện hành theo cách nghiêm khắc hơn để bảo vệ không gian công cộng của châu Âu. Ông cũng tuyên bố Paris sẽ có các biện pháp can thiệp riêng rẽ nếu Ủy ban châu Âu không có hành động kịp thời.
Trước đó, cuối năm 2024, Ủy ban châu Âu đã phạt Tập đoàn công nghệ Meta gần 800 triệu euro vì vi phạm các quy định chống độc quyền của EU. Mức phạt này là một trong những mức phạt lớn nhất mà EC đã áp đặt đối với các tập đoàn công nghệ quy mô lớn trong những năm gần đây, đồng thời nằm trong 10 mức phạt nặng nhất của EU liên quan các quy định chống độc quyền. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng cho rằng, Meta lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường bằng cách áp đặt các điều kiện kinh doanh không công bằng đối với các đối thủ cạnh tranh trong dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng của Meta gồm Facebook và Instagram.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin “lên ngôi” và đang tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, mọi quốc gia, việc sử dụng và phát triển các mạng xã hội như Facebook và Instagram đang trở thành “dao hai lưỡi” và quyết định của Meta là hành động thiếu trách nhiệm. Nếu thông tin từ những nền tảng công nghệ này không được kiểm chứng và quản lý đúng mức, hậu quả sẽ là khôn lường. Bởi vậy, cảnh báo của EU hay những chỉ trích gay gắt của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden và hành động pháp lý của chính quyền Brazil đối với việc hãng công nghệ Meta “thả nổi” việc kiểm chứng thông tin là cần thiết để “ngăn chặn từ sớm, từ xa” nguy cơ bất ổn chính trị và vấn nạn bạo lực.
Bích Hạnh