Tuổi thơ trên cánh đồng
Mẹ gọi điện bảo: “Mày không về thì cho bọn trẻ về với tao, nhà có tiếng trẻ tao còn biết là mình đang sống”. Tôi chợt giật mình, lâu rồi tôi không về thăm mẹ, thấm thoắt đã cuối năm rồi, thật là không phải với mẹ.
Tôi sắp xếp công việc đưa bọn trẻ về ít hôm. Những năm trước vào dịp nghỉ dài tôi đều cho chúng về để chúng biết mùi rơm rạ, biết cây đa, bến nước quê mình. Quê tôi nằm nép mình sau con đê sông Thái Bình. Người dân quê một năm cấy hai vụ lúa còn lại là trông vào hoa màu trên đồng bãi. Con sông Thái Bình ngày qua ngày vẫn âm thầm bồi đắp cho bãi bờ quê tôi. Đi dọc triền đê dẫn tôi về quê mẹ, vẫn thấy xa xa bóng dáng những bà, những mẹ đang vun ngô, cắt cỏ lấp ló giữa đồng. Cái nắng đầu đông hanh hao, làm tôi bất chợt thấy thương quá ngày xưa của mình.
Quê tôi với cái nắng vùng chiêm trũng thật đặc biệt, nó không gắt nhưng cũng đủ làm xém tóc trẻ chăn trâu. Chẳng thế mà, bọn trẻ con quê tôi tóc đứa nào cũng vàng hoe, chúng tôi vẫn thích thú gọi đó là màu của nắng. Thế nên cả bọn chúng tôi cứ đầu trần chân đất mà rong ruổi trên khắp cánh đồng, bãi bồi quê hương.
Thích nhất là những buổi trưa cuối tuần không phải đi học, là y rằng chúng tôi sẽ trốn mẹ ra đồng tát cá. Mùa này nước cạn, cua cá đều rúc vào bờ mương. Chúng tôi chỉ việc đứng trên bờ thò cái móc cua, hay cầm cái rổ đi úp là có thể bắt được bao nhiêu cua cá rồi.
Khi hứng lên thì rủ nhau đắp mương tát cá. Việc tát cá cũng chẳng phải dễ đâu nhé. Để tiến hành một vụ bắt cá cho cả bọn thu hoạch một mẻ lớn thì chúng tôi phải đi khảo sát địa hình trước, mà cũng phải có kỹ thuật cả. Con mương được chọn nước không sâu mà cũng không quá nông, vì nước nông quá thì cá đi hết rồi, còn nước sâu tát sẽ rất mệt. Cái mương phải có rêu xanh, hai bên bờ có nhiều cỏ chứng tỏ là có nhiều cá cờ, cá rô, cá diếc... tá túc. Công việc chuẩn bị coi như xong xuôi. Mờ sáng hôm sau chúng tôi tụ tập bên cây đa đầu làng, đứa cầm gầu tát nước, đứa rổ giá, thúng bủng rồi cùng nhau xung trận. Đến xế trưa là nước cạn, tha hồ úp cá.
Nhớ nhất là lúc hôi cá, cái mùi bùn ngai ngái xông lên mũi, đứa nào đứa đấy bị bùn bắn hết lên quần áo, mặt mũi lấm lem mà tiếng cười vang rộn cả cánh đồng. Có khi thích chí, chúng tôi còn chạy lên bờ ruộng vơ những gốc rạ đã khô cong nắng đồng, đem ra nướng cá. Buổi trưa bụng đói meo, ngửi mùi cá thơm nồng bốc lên quện với mùi rơm cháy trong nắng vàng, nhìn đã muốn tứa nướng miếng. Ai đã từng một lần ăn cá nướng như thế, chẳng thể nào quên được. Dù đã đi nhiều nơi, được ăn nhiều món sơn hào hải vị, nhưng với tôi cá nướng với rơm ngay trên cánh đồng là nhất, không gì sánh được.
Mùa nào thức nấy, khi lúa mùa được thu hoạch xong những chú chim ở đâu bay về nhặt thóc còn sót lại đậu đầy trên những dây điện giăng trên cánh đồng. Trẻ con xóm bãi lại được mùa bẫy chim. Gì chứ, bẫy chim thì tôi được trời phú, rất sát và bao giờ cũng bẫy được rất nhiều. Có hôm bẫy được nhiều, nhà ăn không hết, mẹ còn đem ra chợ bán. Mỗi lần đi chợ về mẹ không quên mua quà cho tôi.
Thấm thoắt thật nhanh, quê tôi vẫn nằm yên bình sau rặng tre chắn sóng. Mùa này, cánh đồng bãi bồi xanh ngắt một màu. Vẫn con đê bình yên ấy nhưng giờ không còn thấy trẻ con tung tăng thả diều, đá bóng trên triền đê. Tôi chợt thấy cảm giác luyến tiếc nhen lên trong lòng. Trong miên man ý nghĩ, bước xuống xe thì đã thấy mẹ đã đứng đợi từ bao giờ. Nhìn thấy con cháu, bà nở nụ cười hồn hậu. Bọn trẻ reo vui ùa vào lòng bà. Bước vào sân, múc gáo nước giếng mát rượi vã lên mặt, một cảm giác khoan khoái lạ kỳ, lắng nghe trong thinh không tiếng gió chiều đông vi vu thổi, lòng chợt bình yên quá đỗi. Mới hiểu, quê hương luôn cho ta cảm giác được vỗ về.
LÂM ANH