Thống đốc cho biết, dự án Luật mang ý nghĩa chiến lược, luật hóa các quy định hiệu quả từ Nghị quyết 42/2017/QH14 để xử lý nợ xấu, đồng thời phân cấp, thẩm quyền cho vay đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số và đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng trong giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng trước Quốc hội
Những nội dung mới đáng chú ý
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách. Theo Thống đốc, nợ xấu hiện duy trì ở mức cao và có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn lên các tổ chức tín dụng, trong khi nhu cầu hỗ trợ thanh khoản nhanh chóng cho các ngân hàng thương mại đòi hỏi những giải pháp kịp thời.
Nhận thức rõ thực trạng này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, với trọng tâm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu và phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt. Thống đốc cho biết, nội dung này được trình bày rõ ràng trong Tờ trình số 442/TTr-CP, nhấn mạnh vai trò của dự án trong việc xoay vòng vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và đảm bảo an ninh hệ thống tín dụng.
Dự án Luật được xây dựng dựa trên nền tảng chính trị và pháp lý vững chắc, phản ánh các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với nhiều nội dung mới đáng chú ý. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng với các nội dung chính.
Thống đốc cho biết khoản 1 Điều 193 được sửa đổi để chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang NHNN, cho phép NHNN quyết định các khoản vay đặc biệt có hoặc không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0%/năm nhằm rút ngắn thời gian xử lý và đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.
Điều 198a được bổ sung, quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ khi xử lý nợ xấu, chỉ thực hiện nếu hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận cho phép thu giữ, tuân thủ trình tự, thủ tục minh bạch, không vi phạm pháp luật hay đạo đức xã hội. Theo Thống đốc, tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ phải xây dựng quy định nội bộ về thu giữ tài sản bảo đảm, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.
Điều 198b quy định tài sản của người phải thi hành án đang là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong các trường hợp cụ thể, như hợp đồng bảo đảm ký sau khi bản án có hiệu lực hoặc có sự đồng ý của tổ chức tín dụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng.
Điều 198c quy định cơ quan tố tụng phải hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự hoặc tang vật vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nếu không ảnh hưởng đến xử lý vụ án, với việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi hoàn trả tuân theo quy định pháp luật.
Thống đốc cho biết dự thảo cũng bãi bỏ một số khoản và cụm từ để thống nhất với thay đổi thẩm quyền cho vay đặc biệt, đồng thời bổ sung điều khoản chuyển tiếp để xử lý các khoản vay đặc biệt đã được quyết định trước và các trường hợp tài sản bảo đảm đang bị kê biên.
Để đảm bảo thi hành Luật, Thống đốc cho biết các cơ quan, tổ chức sẽ sử dụng nguồn lực tài chính và nhân lực hiện hành, bố trí kinh phí theo quy định pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1346/TB-VPQH ngày 28/4/2025 đã kết luận rằng, hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời khẳng định dự án Luật là bước tiến quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo động lực mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai.
Giải pháp mạnh mẽ để xoay vòng vốn
Cũng theo Thống đốc NHNN, nợ xấu của hệ thống tín dụng hiện ở mức cao, có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho lĩnh vực ngân hàng. Năm 2025 là năm then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tạo đà cho những năm tiếp theo, đòi hỏi các giải pháp mạnh mẽ để xoay vòng vốn và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý. Do vậy, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại qua cho vay đặc biệt cần được quyết định nhanh chóng để đảm bảo an toàn và an ninh hệ thống tín dụng.
Mục đích chính của dự án Luật là tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ để xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khắc phục các khó khăn cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức mua bán, xử lý nợ trong việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Thống đốc cho rằng điều này hỗ trợ xoay vòng vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang NHNN giúp tăng cường vai trò và trách nhiệm của NHNN, giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian xử lý, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.
Theo Thống đốc NHNN, dự án Luật cũng phù hợp với các điều ước quốc tế và cam kết của Việt Nam, đáp ứng mục tiêu hội nhập và xu hướng phát triển. Quá trình xây dựng dự án Luật được thực hiện minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật.
Trần Hương