Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải: Niềm tin vào tương lai tươi sáng
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín của Quốc hội được tổ chức trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Các nội dung được thảo luận và quyết định nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Cụ thể, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào việc hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, phân cấp, phân quyền, và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, việc phân quyền được nhấn mạnh phải đi đôi với phân bổ nguồn lực để bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Các cơ chế, chính sách đặc thù cũng như Đề án tăng trưởng kinh tế năm 2025 được thảo luận cụ thể mang đến cho người dân niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.
Các nghị quyết và dự án luật được thông qua tại kỳ họp này sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, và bảo đảm an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, việc thông qua các nghị quyết về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội và Chính phủ theo hướng giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan. Điều này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ tháo gỡ những "điểm nghẽn" thể chế mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định MAI THANH LONG: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, trí tuệ, dân chủ và hiệu quả, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18 của Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là nội dung đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân.
Những quyết sách quan trọng vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín sẽ tạo cơ sở cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…
Tại kỳ họp này, các ĐBQH đã thảo luận đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, với góc nhìn đa chiều và tham gia đóng góp các ý kiến giúp cho Chính phủ, các bộ, ngành có thêm nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, cũng như các cơ chế đặc thù cho một số dự án lần đầu được triển khai. Thành công của kỳ họp một lần nữa khẳng định quyết tâm của Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM: Giám sát chặt để các luật, nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất
Theo dõi toàn bộ nội dung chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV có thể thấy, đây là một kỳ họp có thời gian ngắn nhưng có nhiều nội dung đã được thông qua, từ xây dựng pháp luật, quyết định các chủ trương quan trọng đến thực hiện công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy của Chính phủ sau sáp nhập. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội trong phiên bế mạc “Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước”.
Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sức làm việc cường độ cao, áp lực lớn của các ĐBQH; rõ ràng, các luật, nghị quyết lần này đều là những nội dung lớn, nhiều vấn đề đặt ra rất mới và phải thực hiện trong thời gian ngắn và thời điểm “nước rút”. Các ĐBQH đã thảo luận rất sôi nổi với những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, thể hiện rõ năng lực lập pháp, kiến thức xã hội và tư duy đổi mới. Trong thời điểm Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đang thực hiện rất rốt ráo việc tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, việc Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) rất kịp thời, cần thiết để chuẩn bị hành lang pháp lý cho công tác sắp xếp nhân sự. Đặc biệt, sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong Luật Tổ chức chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tốt nhất.
Ngay sau kỳ họp, tôi mong rằng, Chính phủ sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để các địa phương có thể khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm, nói đi đôi với làm theo quán triệt của Chủ tịch Quốc hội. Chắc chắn trong quá trình triển khai thực tiễn sẽ xuất hiện các vấn đề phát sinh. Tôi mong rằng, Quốc hội, các ĐBQH sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai các luật, nghị quyết trong thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương; đồng thời, hướng đến mục tiêu các luật, nghị quyết đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình NGUYỄN THỊ CẨM PHƯƠNG: Nền tảng thúc đẩy tăng trưởng
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, đây là kỳ họp bất thường có thời gian diễn ra dài nhất, bàn về những dự án luật rất quan trọng, cần thiết, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong đó trọng tâm là để thực hiện Nghị quyết 18 hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Kỳ họp này còn tạo tiền đề, đánh dấu một giai đoạn mới, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước tạo bước chuyển mình của dân tộc.
Đặc biệt, việc Chính phủ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%, thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt mục tiêu phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên, trong Đề án cần kèm theo những giải pháp khả thi nhằm kích thích tiêu dùng, kích cầu đầu tư...
Việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp thiết thể hiện sự linh hoạt, chủ động, đổi mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Với một kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu thông qua với tỷ lệ tán thành cao sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ những "nút thắt" về cơ chế, thể chế, góp phần vào hoàn thành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Vũ Châu - Trần Tâm - Đào Cảnh - Khánh Duy thực hiện