Ông cảm thấy mình có nhiều may mắn và hạnh phúc khi được hưởng thành quả của độc lập, tự do; được cống hiến, lao động, sáng tạo, góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Cuối năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn tổng tiến công chiến lược. Khi đó chàng thanh niên Tạ Đình Hiền vừa tròn 18 tuổi đã tình nguyện, xung phong nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị công binh 289 chuyên xây dựng các công trình mật. Tháng 1 năm 1975, đơn vị của ông được lệnh sáp nhập với Trung đoàn 229 của Bộ Tư lệnh Công binh (đóng tại Hương Sơn, Hà Tĩnh), hành quân khẩn vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đang trên đường hành quân, khi tới Quảng Bình, Tiểu đoàn của ông được lệnh dừng lại, quay trở về vị trí cũ để làm nhiệm vụ tại chỗ: củng cố hệ thống kho tàng, bảo đảm sửa chữa cầu cống trên trục đường 7 sang nước bạn Lào.
Làm nhiệm vụ tại đây cho đến năm 1976, ông và các đồng đội được điều chuyển về Trung đoàn 259 xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng sân bay Nội Bài. Tháng 8 cùng năm, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Công binh. Đến cuối năm 1979, ra trường ông về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn Công binh 537 mới được thành lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Năm 1980, ông cùng Trung đoàn lên làm nhiệm vụ ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đến năm 1985 được cử về đi học tại Học viện Chính trị quân sự. Năm 1988 ra trường, ông được điều động về Quân đoàn 3 tại Tây Nguyên, làm Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 7.
Đại tá Tạ Đình Hiền trong cuộc sống đời thường hôm nay.
Một năm sau (năm 1989), ông về nhận công tác tại Trường Quân sự Quân đoàn 3, làm giảng viên, sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng khoa giáo viên của nhà trường cho đến năm 2004, trước khi về nhận công tác tại Ban nghiên cứu Biên soạn lịch sử và tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị của Cục Chính trị Quân đoàn 3. Trong vòng 10 năm (từ 2004 đến 2014), với nhiệm vụ được giao là Trưởng ban nghiên cứu Biên soạn lịch sử và tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị của Cục Chính trị Quân đoàn 3, ông và các cộng sự đã hoàn thành 11 công trình khoa học được nghiệm thu xuất bản thành sách, tiêu biểu phải kể đến cuốn: Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị Mặt trận Tây Nguyên, Quân đoàn 3 (giai đoạn 1965-2005); tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch chiến đấu ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Quân đoàn 3; tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch chiến đấu của Mặt trận Tây Nguyên (Quân đoàn 3); Lịch sử Đảng bộ Quân đoàn 3, Lịch sử Trường Quân sự Quân đoàn 3, Lịch sử Trung đoàn xe tăng 273, Lịch sử Trung đoàn Công binh 7, Lịch sử Phòng Chính trị mặt trận Tây Nguyên (Cục Chính trị, Quân đoàn 3)…
Sau 40 năm phục vụ trong quân đội, năm 2014 ông được Nhà nước, quân đội cho nghỉ hưu. Trở về địa phương, với trình độ, năng lực của một sỹ quan chính trị, ông tiếp tục được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm. Tại đại hội của chi bộ thôn nhiệm kỳ 2015-2017, ông được bầu vào cấp ủy, làm phó bí thư chi bộ, kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Đến đại hội Hội Cựu chiến binh xã nhiệm kỳ 2017-2022, ông Tạ Đình Hiền được bầu vào Ban Chấp hành, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Đây là quãng thời gian tổ chức hội cựu chiến binh xã Tượng Lĩnh (nay là phường Tượng Lĩnh) phát huy cao độ vai trò trách nhiệm, bản lĩnh, truyền thống của người lính Bộ đội Cụ Hồ khi là chỗ dựa vững chắc cho các tầng lớp nhân dân trong “cuộc chiến” với dịch bệnh Covid-19; trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân di dời các phần mộ về nghĩa trang tập trung của xã để triển khai Dự án xây dựng Khu phức hợp thể thao, giải trí Tượng Lĩnh của Tập đoàn BRG đầu tư tại Hà Nam.
Trong những kết quả của Hội Cựu chiến binh xã có vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện của ông. Từ năm 2023 đến nay, do tuổi đã cao, ông thôi không tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường, nhưng tại Tổ dân phố Lưu Phúc Mỹ, ông vẫn được hội viên tín nhiệm, đề cử tham gia Ban chấp hành chi hội, gần đây là chi hội người cao tuổi… Nhiệm vụ nào được cấp ủy, chính quyền, hội viên, nhân dân tín nhiệm, ông đều nỗ lực hoàn thành, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, luôn gương mẫu trong công việc.
Ông Tạ Đình Hiền cho biết: Bản thân đã trải qua chiến tranh, nay tiếp tục được sống và làm việc, có hạnh phúc gia đình riêng, tôi cảm thấy mình là người may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Từ nhiều năm nay ở địa phương, hằng năm trong những dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) hay dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), tôi lại được mời tham gia nói chuyện truyền thống tại các trường học...
Dịp 30/4 năm nay, Hội Cựu chiến binh thị xã Kim Bảng đã thành lập Tổ tuyên truyền nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Tạ Đình Hiền là một trong 5 thành viên của tổ công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến nói chuyện truyền thống cho các em học sinh tại các nhà trường trên địa bàn thị xã. Với ông, mỗi lần được nói chuyện truyền thống về quân đội với cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường, ông luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc. Ông mong muốn nhân lên niềm tự hào về truyền thống của dân tộc trong thế hệ trẻ, để lớp con cháu có thêm nỗ lực thi đua, sống và học tập, xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ ông cha, những gia đình thương binh, liệt sỹ. Chỉ có như vậy dân tộc, đất nước ta mới ngày càng phát triển, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mới ngày càng vững chắc, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Vũ Hà