Hạnh phúc là không... nghĩ nhiều

Hạnh phúc là không... nghĩ nhiều
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Lấy người... Overthinking
"Tôi phát mệt với vợ mình khi cô ấy lúc nào cũng sống trong lo lắng. Ngày yêu nhau, tôi còn nghĩ là bởi cô ấy quan tâm đến mình, yêu mình nên hay lo lắng cho mình. Nhưng cưới về sống chung rồi mới thấy phát mệt.
Thậm chí đôi khi có cảm giác như vợ kiểm soát cả từng cái hắt xì hơi của tôi. Nói không ngoa đâu, tôi hắt xì hơi là vợ tống cho cả đống thuốc bắt uống. Nào là lo cho sức khỏe của tôi, nào là hắt xì hơi vậy là bắn virus, vi khuẩn ra không khí.
Nên vừa bắt tôi uống thuốc vừa xịt khuẩn khắp nơi. Tôi đã nghĩ chắc cô ấy bị bệnh sạch sẽ nhưng không hẳn vì cái lo của cô ấy còn biểu hiện ở đủ mọi thứ. Như tôi về trễ, cô ấy cũng lo, thời tiết nóng nực ăn không ngon miệng, cô ấy cũng tự than là mình nấu ăn tệ.
Hồi đầu, tôi còn chịu khó dỗ dành nhưng về sau mệt quá nên chả buồn dỗ nữa thì cô ấy bảo tôi chán vợ, không còn quan tâm đến cô ấy nữa. Tôi thì hiểu rồi chứ các con tôi thì lúc nào cũng nơm nớp vì bị mẹ kiểm soát quá mức, lo lắng quá mức".
Tôi không có số liệu chính xác nhưng tôi nghĩ bước vào hôn nhân, phụ nữ luôn là người nhiều lo lắng hơn đàn ông chúng tôi. Nhất là khi có con cái, trách nhiệm người mẹ nhiều khi choán hết tâm trí khiến phụ nữ nặng gánh hơn đàn ông rất nhiều. Càng yêu con càng lo lắng cho con.
Thậm chí, cãi nhau với chồng nhiều hơn nếu như chồng không chịu… lo lắng cùng. Có những người vợ tâm sự với tôi nói rằng: "Giao con cho chồng là thảm họa, chồng đuểnh đoảng làm con ngã, con đau. Nói thì còn quát lại vợ, bảo vợ lo lắng thái quá. Nên nhiều khi em chán luôn chồng. Con em mà sao em không bao giờ tha thứ được cho ông ấy".
Rồi cả những tâm sự đầy cáu giận trong việc… bố làm hư con vì những thói quen xấu của chồng. "Anh ta bừa bộn đã bực nhưng bực hơn là thói cẩu thả đó di truyền lại cho con cái". Ngày xưa các cụ nói "Con hư tại mẹ" nhưng thời nay "Con hư tại bố" nhiều hơn vậy.
Phụ nữ lo lắng cho chồng, cho con, ừ thì cũng tốt nhưng lo quá, lo xa có khi cũng thành bệnh lúc nào không hay. Mà thành mất ngủ, stress, tâm trạng không lúc nào thư thái được. Cứ bận bận bịu bịu mà thành mệt mỏi, cáu gắt khiến những người sống cùng cũng căng thẳng theo, rồi dần thành đứt gãy kết nối bởi những mâu thuẫn, tranh cãi.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Mẹ lo lắng quá có thể khiến con cái mất tự tin, co cụm và không dám trải nghiệm những thứ làm mẹ lo lắng. Vợ lo lắng quá sẽ khiến chồng cảm thấy bị kiểm soát, bị căng thẳng. Đặc biệt là chẳng biết khuyên bảo thế nào vì đâu phải ai cũng là chuyên gia tâm lý?
Nghĩ ít đi để... hạnh phúc hơn
Đôi khi, cản trở chúng ta hạnh phúc không phải là những bất trắc xảy đến với chúng ta, mà lại là vì chúng ta nghĩ quá nhiều.
Như ta cứ nghĩ về những hạnh phúc… to hơn. Kiểu thêm 2 cái bánh nữa, biến xe máy thành ô tô thì mới hạnh phúc. Kiểu giá như chồng mình thêm được 5 múi nữa để thành 6 múi. Kiểu chồng tặng hoa kết bằng tiền thì vợ sẽ hạnh phúc hơn là bó hoa tươi này.
Có nhiều người chỉ mơ mình cao thêm 2cm mà thành chán cả bản thân, sống mãi trong suy nghĩ người lùn. Là ta chỉ thấy thứ ta không có mà quên và không thèm nhìn thứ ta đang có vậy.
Như ta cứ lo nghĩ quá nhiều về thứ… chưa xảy ra. Kiểu lỡ chồng ngoại tình thì ta sẽ thế nào? Rồi nhìn đâu cũng ra nguy cơ ngoại tình của chồng. Kiểu con đang học lớp 1 mà đã đau đầu phẫn nộ với tình trạng thiếu trường công khiến lũ trẻ thi vào 10 trượt nhiều hơn thi đại học.
Kiểu lỡ mình chết thì con cái sẽ ra sao, chồng mình sẽ cưới ai và cô ấy chắc sẽ nằm trên cái giường này của mình, rồi bực tức đạp chồng lăn xuống đất bởi cơn ghen xộc lên tận mũi. Là ta cứ suy ra thì cái gì cũng có thể xảy ra và đâu đâu cũng là nguy hiểm vậy.
Như ta suy nghĩ bằng những suy diễn nữa. Kiểu chồng mải vui quên đón mình là bởi chồng hết yêu mình, bởi trong cuộc vui đó có cái cô nàng đồng nghiệp sexy, bởi dạo này mình sinh con xong cũng xập xệ quá mức rồi.
Kiểu chồng cẩu thả, bừa bộn là sẽ di truyền sang con, nhìn những thói xấu của con là lại thấy tội lỗi đều từ chồng ra hết. Rồi tự cho rằng mình bất hạnh hơn bất cứ một phụ nữ nào khác trên đời này. Chồng mình tệ nhất trong số những đàn ông ngoài kia.
Như ta cứ nghĩ nhiều về cái đúng của mình mà coi tất thảy những gì chồng làm không theo cái đúng của mình là chồng sai. "Hòn bấc ném đi - Hòn chì ném lại", ta chỉ nghĩ đến độ sâu thương tổn của mình vì "hòn chì ném lại" mà cứ nghĩ rằng thứ mình ném đi chỉ nhẹ như "hòn bấc".
Mà thành cay cú, thành giận dữ, thành tủi thân. Nghĩ nhiều đến mình nên ta chỉ thấy những gì mình mất mát, mình tổn thương.
Nghĩ ít đi! Là đừng để suy nghĩ của mình dẫn mình đi vào những ngõ cụt cảm xúc như thế. Là đừng nghĩ quá nhiều để thành overthinking. Nghĩ nhẹ đi sẽ thấy đời này dịu lại rất nhiều là vậy. Nghĩ dịu đi để đời mình nhẹ gánh hơn là vậy.
Hạnh Phúc, nhớ không, đôi khi chỉ là có thể bật cười với những thứ rất… vô tri. Là dễ cười hơn thì đời cũng dễ vui lên. Hạnh Phúc, nhớ không, đôi khi là trí nhớ kém, buồn dễ nguôi và niềm vui dễ kiếm vậy. Nặng nề mà làm chi để làm đường đi thành khó nhọc…
Để thôi nghĩ quá
Trần đời, câu: "Cố gắng lên!" là cái câu vô nghĩa nhất. Giống như câu: "Đừng nghĩ nữa!" vậy. Nếu cố được họ đã không quỵ ngã. Nếu ngừng nghĩ được họ đã không đớn đau rồi!
Những người lo nghĩ quá mức vốn là bởi vết thương trong họ chưa được chữa lành, thậm chí là đang rỉ máu. Có thể là bởi những trải nghiệm trong tuổi thơ của họ nữa. Nhiều đứa trẻ bị di truyền sự lo lắng từ cha mẹ, từ bé đã lớn lên trong phấp phỏng lo âu.
Hoặc từ bé đã bị áp lực hoàn hảo của cha mẹ đặt lên nó. Lúc nào cũng phải trở thành con ngoan trò giỏi, điểm 9 là tại sao con để mất 1 điểm, con rút kinh nghiệm đi. Bị quá nhiều định kiến, tiêu chuẩn phải thế này, phải thế nọ. Thành áp lực cả khi trưởng thành, cầu toàn quá mức.
Ngoài ra, áp lực từ cuộc sống hiện đại cũng khiến nhiều người trẻ mắc chứng overthinking. Một nghiên cứu do Giáo sư tâm lý học Susan Nolen-Hoeksema của Đại học Michigan (Mỹ) cùng cộng sự thực hiện, ghi nhận 73% người 25-35 tuổi và 52% người 45-55 tuổi tham gia nghiên cứu thường "suy nghĩ quá nhiều".
Năm 2022, Bộ Y tế thống kê 12% người trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần, tương đương hơn 3 triệu người trẻ tại Việt Nam có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
"Bệnh" nghĩ quá nhiều còn bắt nguồn từ sự thiếu tự tin nữa. Vì thiếu tự tin vào bản thân nên nhiều người trở nên căng thẳng, lo lắng và kiểm soát bạn đời nhiều hơn. Họ luôn có cảm giác mất an toàn nếu như cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Mọi thứ trở nên tệ hại hơn khi họ lại là người có kỹ năng phân tích hoặc năng lực quan sát nhạy bén hơn người thường. Họ nhìn thấy những điều mà người bình thường có thể bỏ qua nhưng với họ thì không thể bỏ qua. Họ liên kết những điều đó lại và biến nó thành nguy cơ.
Hiểu về bản thân và vấn đề overthinking của mình thì mới có thể… thực hành sự bớt nghĩ. Như những bài tập Yoga giúp họ giảm bớt căng thẳng và tập trung vào hiện tại thay vì lo lắng quá mức về tương lai. Tập trung vào hơi thở của mình, bản thân mình để tạm xa rời những suy nghĩ xa vời.
Hành trình kéo mình ra khỏi những thứ… loạn nghĩ là một hành trình rất dài và cần sự kiên nhẫn cộng với nỗ lực và sự thay đổi môi trường, quản lý cảm xúc. Và tất nhiên, có thể bạn cần sự trợ giúp của các chuyên gia thực sự chứ không phải các chuyên gia trên mạng, online phán bừa.
Cuối cùng, nghĩ ít đi để hạnh phúc hơn chính là việc chúng ta học cách vui sống thực sự với thực tại thay vì để những thứ không thể thay đối (quá khứ) hay những thứ không thể kiểm soát (tương lai) quyết định hôm nay của ta, điều khiển hôm nay của ta.
Hoàng Anh Tú
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/hanh-phuc-la-khong-nghi-nhieu-20241119172628989.htm