Hành quân đến Trường Sa: Mang ra tình cảm, mang về niềm tin

Hành quân đến Trường Sa: Mang ra tình cảm, mang về niềm tin
5 giờ trướcBài gốc
Hải trình vượt gần 1.000 hải lý
Đoàn công tác số 20 do đại tá Phạm Kim Tuyến làm Trưởng đoàn. Các thành viên đoàn gần 200 người, gồm có các đơn vị Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Bộ Xây dựng, Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Sơn La, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Quân chủng Hải quân và nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nghệ sỹ, phóng viên trong cả nước.
Đại tá Phạm Kim Tuyến kiểm tra các công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đầu và hỏi thăm đời sống của các cán bộ, chiến sĩ tại đảo.
Trong 7 ngày, từ ngày 10 - 16/5, vượt qua gần 1.000 hải lý bằng tàu HQ 571 (thuộc Lữ đoàn 955), Đoàn công tác số 20 đã đến thăm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/18 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Đại tá Phạm Kim Tuyến hỏi thăm, động viên người dân sinh sống tại đảo.
Trước giờ xuất phát, đoàn dâng hương tại Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, các điểm tâm linh tại Căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa).
Trong hành trình, Đoàn thực hiện Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo; dâng hương tại điểm tâm linh trên các đảo. Riêng ở đảo Trường Sa, đoàn dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ và chùa Trường Sa…
Đoàn ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đến thăm, trao tặng nhiều phần quà thiết thực là các trang thiết bị và nhu yếu phẩm, vật tư y tế, sách vở…
Cùng với những món quà vật chất, đoàn mang đến các chương trình giao lưu văn nghệ giữa nghệ sĩ, đại biểu và các chiến sĩ trên đảo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Qua đó, tiếp thêm động lực để các lực lượng vững chắc niềm tin, quyết tâm ra sức học tập, rèn luyện nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nhiều chiến sĩ trẻ bày tỏ niềm vinh dự khi được tham gia nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ quyền thiêng liêng, tình yêu và trách nhiệm
Điểm chung ghi nhận được tại các đảo là quân và dân nơi tuyến đầu luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương, đồng bào trong cả nước về vật chất và tinh thần.
Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa bày tỏ: "Đây là nguồn động viên vô cùng to lớn, tiếp thêm sức mạnh để quân và dân trên đảo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao".
Ông cho biết, cán bộ, chiến sĩ tại các đảo luôn có lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng; được đào tạo, huấn luyện bài bản, sẵn sàng chiến đấu, có tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
Các lực lượng luôn có sự hiệp đồng thống nhất, tương trợ giúp đỡ nhau, gắn bó chặt chẽ với ngư dân đánh bắt hải sản bám biển. Hải quân Việt Nam thực sự làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Chiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, đảo Song Tử Tây cho biết, cuộc sống vật chất của các cán bộ, chiến sĩ ở đảo đầy đủ, ai cũng yên tâm công tác. Nhiều chiến sĩ trẻ khác tại các đảo bày tỏ sự tự hào khi được cống hiến tuổi thanh xuân nơi tuyến đầu; vinh dự khi được tham gia nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ Hải quân hướng dẫn các tàu ra vào âu tàu.
Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18, đại úy Lê Kỳ Lâm nhấn mạnh: "Phát huy truyền thống, phẩm chất ‘Bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân’, truyền thống Tiểu đoàn DK1 Anh hùng, toàn đơn vị luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công quản lý".
Tại các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A và thị trấn Trường Sa, chính quyền địa phương được xây dựng vững mạnh, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, nhất là về y tế, giáo dục…
Đặc biệt, các đảo thực hiện hiệu quả chương trình "Xanh hóa Trường Sa". Nơi đâu trên các đảo cũng xanh mướt màu xanh của cây bóng mát, cây cảnh quan, rau xanh. Ngay cả những đảo không thuận lợi về diện tích trồng cây như Cô Lin, Đá Đông B, các cán bộ, chiến sĩ cũng trồng, chủ động được nguồn rau xanh…
Trẻ em được sinh ra và lớn lên trên các đảo ở Trường Sa.
Thấu hiểu giá trị của hòa bình
Có lẽ "nhận" được nhiều nhất trong chuyến hành quân đến Trường Sa không hẳn là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại các đảo, nhà giàn mà lại chính là các thành viên đoàn công tác số 20.
Nói như đại tá Phạm Kim Tuyến: "Nếu hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác, thì các đại biểu là những người hết sức hạnh phúc. Các đồng chí đã mang lại hạnh phúc cho quân và dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, mang hạnh phúc đến cho các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân".
Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang làm Trưởng đoàn, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.
Đại tá Phạm Kim Tuyến nói thay các thành viên trong đoàn: "Đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1, có lẽ các đại biểu đã thấu hiểu giá trị của hòa bình, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta cũng đã được chứng kiến, trải nghiệm, được gần gũi với quân và dân trên đảo, từ ăn ở, sinh hoạt, công tác, chiến đấu và cả những tình cảm cho chúng ta".
Chiến sĩ trẻ Nhà giàn DK1/18 biểu diễn văn nghệ.
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Sơn La, ông Lưu Minh Quân bày tỏ: "Chúng tôi cảm phục, biết ơn, tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Họ đã góp phần bảo vệ từng tấc đất, sải biển, chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Dù xa xôi cách trở nhưng trái tim của đồng bào cả nước luôn hướng về quần đảo Trường Sa thân yêu, luôn hướng về Nhà giàn DK1…".
Các thành viên Đoàn công tác số 20 chụp ảnh lưu niệm tại quần đảo Trường Sa trong chuyến "hành quân đến Trường Sa".
Chia tay đảo Trường Sa với ánh mắt đẫm lệ, chị Ngô Thị Phương Mai, cán bộ Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng chia sẻ: "Mỗi lần đặt chân lên các hòn đảo xanh tươi và xinh đẹp, tôi vô cùng xúc động. Tôi thấy được sự kiên cường, cố gắng, nỗ lực của các chiến sĩ Hải quân, các lực lượng và nhân dân trong việc bảo vệ biển đảo Tổ quốc thiêng liêng".
"Tôi nhận thấy trách nhiệm của mình trước những công sức, mồ hôi và sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đã đổ xuống để bảo vệ biển đảo quê hương, bờ cõi đất nước… Xin nhắn nhủ với những người con đang sinh sống và làm việc ở đất liền, hãy cố gắng phát huy năng lực, làm tốt nhất công việc của mình, chung tay phát triển đất nước Việt Nam to đẹp và giàu mạnh", chị Phương Mai nói, giọng nghẹn ngào.
Còn anh Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong bài thơ "Đi về phía mặt trời", viết trong một đêm không ngủ trên tàu đi đảo Trường Sa Lớn, anh đã tự nhắc mình: "Đi về phía mặt trời/ Đi về phía Trường Sa/ Đi để lớn hơn, đi để tự răn mình/ Sống thiện lành và tử tế/ Ở đây, Trường Sa, mồ hôi vẫn rơi/ Và bao huyết quản vẫn chảy/ Cho biển đảo yên bình/ Cho đất nước nở hoa…".
Với không ít người, "hành quân đến Trường Sa" là một trong những hành trình tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình.
Minh Hằng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/hanh-quan-den-truong-sa-mang-ra-tinh-cam-mang-ve-niem-tin-192250519073639083.htm