Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Julia Victoria Seidel từ Đài quan sát Nam Âu (ESO) dẫn đầu đã sử dụng mô hình 3D để mô phỏng bầu khí quyển của Tylos (còn gọi là WASP-121b), một hành tinh khổng lồ cách Trái Đất 880 năm ánh sáng.
Chân dung siêu hành tinh Tylos cuồng nộ - Ảnh đồ họa: Engine House VFX
Tylos thuộc nhóm "Sao Mộc nóng"—những hành tinh khí khổng lồ tương tự Sao Mộc nhưng có nhiệt độ bề mặt cực cao. Với bán kính gấp 1,74 lần và khối lượng gấp 1,16 lần Sao Mộc, hành tinh này quay quanh sao mẹ ở khoảng cách gần đến mức một năm ở đó chỉ kéo dài 30 ngày Trái Đất. Điều này khiến nhiệt độ trên bề mặt hành tinh đạt hơn 2.000°C.
Giống như Mặt Trăng bị khóa thủy triều với Trái Đất, Tylos cũng có một mặt luôn đối diện với sao mẹ—bị thiêu đốt vĩnh viễn—trong khi mặt còn lại chìm trong bóng tối vô tận. Tuy nhiên, điều khiến hành tinh này thực sự khác biệt chính là thời tiết kỳ dị của nó.
Các nhà khoa học phát hiện rằng bầu khí quyển của Tylos không chỉ đang dần rò rỉ vào không gian mà còn chứa đầy kim loại và khoáng vật quý hiếm. Những đám mây trên bầu trời hành tinh này được cấu thành từ sắt và titan, tạo nên những cơn mưa lấp lánh hồng ngọc và lam ngọc lỏng—một hiện tượng chưa từng thấy trong vũ trụ.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Thời tiết trên Tylos còn có những cơn gió sắt cuồng nộ với tốc độ đáng kinh ngạc. Một hệ thống luồng phản lực mạnh mẽ xoáy quanh đường xích đạo của hành tinh, trong khi ở các tầng thấp hơn, những luồng khí nóng di chuyển dữ dội từ mặt ban ngày sang mặt ban đêm lạnh giá.
Thời tiết nóng bỏng và cuồng nộ ở Tylos - Ản đồ họa: NASA
Tiến sĩ Seidel mô tả khí hậu ở Tylos là "chưa từng có trên bất kỳ hành tinh nào trước đây". Thậm chí, những cơn bão mạnh nhất trong hệ Mặt Trời cũng trở nên yếu ớt khi so sánh với tốc độ gió trên Tylos—đạt từ 49.000 đến 103.000 km/giờ. Trong khi đó, một cơn bão cấp 17 trên Trái Đất chỉ có tốc độ tối đa khoảng 220 km/giờ!
Sự chênh lệch nhiệt độ khủng khiếp giữa hai mặt của hành tinh được cho là nguyên nhân tạo nên các luồng phản lực mạnh mẽ này. Không chỉ vậy, đây cũng là lần đầu tiên titan được phát hiện trong khí quyển của một hành tinh xa xôi, ẩn sâu trong những đám mây kim loại.
Với khí hậu khắc nghiệt, bão tố cuồng phong và những trận mưa kim loại lấp lánh, Tylos không chỉ là một hành tinh, mà còn là một câu chuyện khoa học viễn tưởng có thật giữa vũ trụ bao la. Những phát hiện mới từ hành tinh này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các thế giới ngoài hệ Mặt Trời mà còn mở ra cánh cửa khám phá những điều kỳ diệu chưa từng thấy.
Như Ý (t/h)