16h30, trong con ngõ 256 Lê Lợi thuộc tổ dân phố số 2, phường Lê Lợi cũ (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng), tiếng kẻng báo hiệu thu gom rác vang lên. Chị Trần Thị Lộc - nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng đẩy xe thu gom rác tấp sát vào mép đường. Người dân từ già đến trẻ lần lượt xách 2-3 túi rác nhanh chân tiến về khu vực thu gom.
Tiếng kẻng thu gom rác vang lên trong ngõ 256 Lê Lợi (Hải Phòng).
Từ ý tưởng tới mô hình phân loại rác thải
- Bác đổ vào túi trước mặt giúp cháu, hôm nay thùng đựng rác hữu cơ đầy rồi ạ.
- Anh ơi, hôm sau anh phân loại rác thải giúp em nhé, em nhắc anh mấy lần rồi.
- Rau, củ, quả… bác để chung một túi bác nhé… Bỉm, đồ không phân hủy được thì cho vào xe đẩy, rác thải là thực phẩm ở thùng xanh, nilon ở thùng trắng.
Chị Lộc vừa thoăn thoắt đôi tay phân loại rác trên xe vừa nhắc nhở, hướng dẫn mọi người đổ rác đúng nơi quy định. 5 năm nay, công việc của những người làm công tác vệ sinh môi trường như chị Lộc bớt vất vả hơn khi mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” triển khai hiệu và nhận được sự đồng thuận từ người dân.
"Đến thời điểm này thì 10 người đã có 8 người chấp hành việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác cũng như mức xử phạt được áp dụng từ 1/1/2025 đối với các hộ chưa thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn”, chị Lộc nói.
Nhớ lại những ngày đầu đưa mô hình tới các khu dân cư, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Lạch Tray khẳng định: “Nếu chỉ dựa vào một cá nhân, một tổ chức thì không thể thực hiện được việc phân loại rác. Mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” không thể triển khai hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ từ lãnh đạo, các đơn vị liên quan công tác môi trường đô thị, sự đồng thuận từ cơ sở, sự hưởng ứng tích cực từ người dân và sự gắn kết giữa các mô hình”.
Căn cứ nghị quyết của HĐND quận Ngô Quyền về tăng cường hiệu quả công tác quản lý về vệ sinh môi trường đô thị trên địa bàn quận và phong trào thi đua xây dựng TP Hải Phòng “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”, ý tưởng về mô hình phân loại rác thải từ các hộ gia đình đã ra đời. Tuy nhiên để ý tưởng đi vào thực tế là cả quá trình vận động, thuyết phục cộng đồng cùng tham gia.
“Khi chúng tôi trao đổi ý tưởng, các cán bộ khu dân cư, tổ dân phố rất trăn trở vì việc phân loại rác thải tại từng hộ gia đình khi đó chưa thành nếp. Họ băn khoăn và đặt ra vấn đề trách nhiệm, mô hình không đạt hiệu quả thì uy tín của họ sẽ giảm sút.
Chúng tôi cũng thuyết phục, vận động và đưa ra ý tưởng giúp các tổ dân phố có thể hoàn thành. Thời gian đầu, chúng tôi mới đưa vào vai trò tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải. Sau khi phân tích, cán bộ cơ sở đồng tình ủng hộ”, bà Hồng nêu những khó khăn trong thời gian đầu triển khai mô hình.
Xe thu gom rác được thiết kế các ngăn đựng từng loại rác.
Tháng 11/2019, mô hình “trình làng” và thí điểm ở tổ dân phố số 3. Rác được chia thành hai loại, vô cơ và hữu cơ. Ba tháng sau, mô hình được nhân rộng, triển khai thêm ở tổ dân phố số 2 và từ đó lan rộng ra toàn phường.
Để tuyên truyền đạt hiệu quả, 6 ban vận động tại 6 tổ dân phố được thành lập, mỗi ban vận động có từ 10 đến 12 người gồm bí thư, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội… Cứ mỗi buổi chiều hàng ngày, họ cùng cán bộ, công chức phường, nhân viên Công ty Môi trường đô thị đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời, các cán bộ cơ sở thực hiện và giám sát, nhắc nhở người dân duy trì thói quen phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Thời gian đó, đi tới các hộ gia đình ở phường Lê Lợi, không khó để bắt gặp hình ảnh hai thùng đựng rác 1 xanh - 1 đỏ để đựng riêng rác vô cơ, hữu cơ. Bề mặt của thùng được in hình ảnh phân biệt các loại rác thải.
Mô hình đi vào cuộc sống không vấp phải sự phản đối của người dân nhưng khó khăn này được khắc phục lại phát sinh khó khăn khác khi thời gian thu gom rác là lúc nhiều người chưa đi làm, vì thế hiệu quả đạt được chưa cao. Xe thu gom chỉ có một ngăn, người dân phân loại tại nguồn nhưng khi đổ rác lại bị lẫn lộn.
“Đó cũng là cản trở cho việc thực hiện mô hình. Nắm bắt nguyện vọng của người dân, chúng tôi phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng, Xí nghiệp Môi trường Ngô Quyền 1 bố trí thời gian, địa điểm đổ rác phù hợp. Việc thu gom rác trên các tuyến đường Lê Lợi, Chu Văn An sẽ theo các khung giờ khác nhau trải từ 16h đến 19h45 hàng ngày, từ đó tạo điều kiện để người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Họ cũng tích cực phối hợp phân loại chất thải rắn tại nguồn”, bà Hồng khẳng định.
Xe thu gom rác cũng được thiết kế thêm một túi xanh cỡ lớn treo bên cạnh để đựng rác thải hữu cơ.
Những công nhân làm công tác vệ sinh môi trường cũng chính là tuyên truyền viên giúp người dân thực hiện đúng việc phân loại rác.
Gắn kết các mô hình thúc đẩy việc phân loại rác
Cùng lúc đó, lực lượng đoàn thanh niên triển khai mô hình “Hũ gạo xanh, ve chai nhân ái”. Việc tuyên truyền phân loại rác thải được gắn kết chặt chẽ với phân loại đồ phế liệu, nhựa tái chế, giấy… để bán, góp thành quỹ. Từ nguồn quỹ đó có thể chuyển thành nguồn sinh hoạt cộng đồng tại tổ dân phố, thậm chí nhân rộng mô hình bằng cách mua thêm thùng đựng rác cho các hộ gia đình.
Đồng thời với việc phân loại rác thải tại nguồn, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Lê Lợi cũng ra mắt mô hình “Tổ dân phố xanh, văn minh, an toàn”, triển khai tại tổ dân phố số 2. Cây xanh được trồng ở giữa cửa hai hộ gia đình nhằm khắc phục tình trạng người dân để túi rác ngay trước cửa nhà.
Việc phân loại rác thải cũng gắn kết chặt chẽ với mô hình “Camera an ninh” do lực lượng công an triển khai. “Camera an ninh” không chỉ góp phần đảm bảo an toàn, an ninh, trích xuất hình ảnh các đối tượng để xử lý mà còn hỗ trợ tổ dân phố tìm ra người vứt rác không đúng nơi quy định.
Không những thế, những cán bộ cơ sở từ Bí thư tới Tổ trưởng tổ dân phố… mỗi khi tiếng kẻng rác vang lên, họ lại có mặt quan sát, ghi chép lại những hộ chưa thực hiện phân loại rác và nhắc nhở. Bị nhắc nhiều lần vì vi phạm, ý thức trong việc phân loại rác thải của người dân dần được cải thiện và đi vào nếp, trở thành công việc thường nhật.
Được sự đồng thuận từ cơ sở, sự chung tay của người dân, mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" ở phường Lê Lợi đạt được hiệu quả cao.
Mô hình sau đó không chỉ nhân rộng trong các tổ dân phố ở phường mà còn được áp dụng tại các trường học trên địa bàn quận Ngô Quyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Các em cũng là một nhân tố nhắc nhở, thúc đẩy phụ huynh thực hiện phân loại rác.
“Mỗi người ý thức một chút thì mô hình trở nên hiệu quả. Đến nay, rác thải được phân thành 3 loại gồm rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải khác. Chúng tôi thường xuyên thực hiện đánh giá sơ kết, tổng kết và khen thưởng. Ngoài ra, giữa các tổ cũng có thi đua giúp mô hình nhanh về đích và duy trì tính hiệu quả”, bà Hồng trải lòng.
Là công dân ở tổ dân phố số 2, ông Trần Văn Nam cho biết, thời gian đầu, việc áp dụng gặp khó khăn, tuy nhiên khi phong trào “đảng viên đi trước, nhân dân đi sau” được triển khai, việc phân loại rác dần trở thành thói quen của hơn 120 hộ gia đình trong ngõ 256.
Ông Nam cũng nhấn mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất thải thực phẩm dùng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng... góp phần vì một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
“Bản thân tôi rất ủng hộ việc phân loại rác thải. Đây cũng là điều mà thế hệ chúng ta nghĩ tới con cháu, là món quà để lại cho thế hệ trẻ. Tôi rất mong cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử phạt để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đi vào nề nếp, người dân chấp hành tốt hơn”, ông Nam chia sẻ thêm.
Gia đình bà Mai chấp hành việc phân loại rác thải ngay từ khi mô hình được triển khai.
Tay xách vội túi rác đổ vào từng thùng được ghi rõ “rác vô cơ - rác hữu cơ”, bà Lê Thị Mai (người dân tổ dân phố số 2) chia sẻ, nhiều năm nay, gia đình bà đã thực hiện tốt việc phân loại. Rác thải khó phân hủy bà bỏ vào một túi; vỏ cam, vỏ quýt, vỏ chuối... bà bỏ chung vào một túi để sau dùng làm phân bón.
“Ngay khi mô hình được triển khai, bản thân tôi và gia đình đã áp dụng và ủng hộ, cũng không gặp khó khăn trong việc phân loại. Công việc này sẽ giúp môi trường sạch sẽ hơn, người thu gom rác cũng đỡ vất vả”, bà Mai nói.
Theo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/1, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Không thực hiện họ sẽ phải chịu mức phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Nguyễn Huệ