Ngày 1/12/1964, khi cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt, do yêu cầu nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh, Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 103 được thành lập trên cơ sở Khoa Ngoại dã chiến với nhiệm vụ điều trị, huấn luyện và nghiên cứu khoa học về bỏng, đặc biệt là bỏng chiến tranh.
60 năm sau, từ Khoa Bỏng năm nào đã trở thành cơ sở điều trị bỏng lớn nhất cả nước với hàng chục nghìn ca điều trị mang lại sự sống cho nhiều người. Điển hình là hai bệnh nhân N.V.H và N.V.D (quê Nam Định) được đưa lên Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cấp cứu trong tình trạng bỏng ga rất nặng. D. bỏng tới 76% cơ thể, trong đó 40% bỏng sâu và bỏng hô hấp nặng. Khi vào viện, không ai nghĩ cậu sẽ qua khỏi. Các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức tích cực cứu sống người bệnh.
Sau đó, họ lại tiếp tục chuẩn bị dụng cụ cho ca phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ lớp da thịt hoại tử sớm và che phủ vùng da tổn thương bằng da tự thân, da đồng loại và các vật liệu khác. Trên cơ thể còn chỗ da lành nào, bác sĩ lại lấy để ghép. Cứ như thế, chàng thanh niên được ghép da khoảng 10 lần.
Cuộc chạy đua cấp cứu nạn nhân bỏng. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân bỏng đều điều trị lâu dài từ 2-3 tháng, thậm chí cả năm. Các biến chứng sau bỏng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa nên các bác sĩ luôn phải căng não, theo dõi sát sao, xử lý kịp thời những bất ngờ có thể xảy ra.
Từ khoa nhỏ thành bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt
Ngày mới tách khoa, đơn vị chỉ có biên chế 18 cán bộ trong đó có 3 bác sĩ, 2 y sĩ, 9 y tá và 4 công vụ, do cố Giáo sư, TSKH, bác sĩ Lê Thế Trung làm Chủ nhiệm.
Giáo sư Trung đã làm chủ biên 2 cuốn sách Những điều cần biết về bỏng và Bỏng trong chiến tranh, xây dựng một bộ phim phục vụ các đơn vị toàn quân về cách phòng chống, sơ cứu và điều trị bỏng do tác nhân vũ khí cháy, nổ.
Từ khoa nhỏ, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã trở thành bệnh viện điều trị bỏng lớn nhất cả nước. Ảnh: BVCC.
Khi hòa bình lập lại, trước tình hình thực tiễn và nhu cầu bức thiết cần phải có một đơn vị đầu ngành để chỉ đạo, hướng dẫn phát triển chuyên ngành, ngày 25/4/1991, Viện Bỏng Quốc gia được thành lập trên cơ sở Khoa Bỏng, Bệnh viện Quân y 103 và là tiền thân của Bệnh viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác ngày nay với trọng trách là bệnh viện đầu ngành của cả nước.
Đơn vị đã có cơ sở hạ tầng khang trang và đồng bộ, từng bước đáp ứng các tiêu chí của bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt; là bệnh viện thực hành mẫu mực của Học viện Quân y. Nhiều bác sĩ là thành viên Hội Bỏng Thế giới, Hội Liền vết thương, Hội Phẫu thuật tạo hình khu vực và quốc tế. Bệnh viện là thành viên mạng lưới đào tạo Y học thảm họa của khối ASEAN.
Trong công tác đào tạo, với vai trò là bệnh viện thực hành của Học viện Quân y, Bộ môn Bỏng và Y học thảm họa; Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ và Tái tạo đã tham gia đào tạo cho các đối tượng học viên đại học và sau đại học. Đến nay, đơn vị đã đào tạo cho 45 tiến sĩ, gần 200 học viên cao học, bác sĩ chuyên khoa và nội trú. Bệnh viện thường xuyên chú trọng công tác tự đào tạo, đào tạo lại và đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ công nhân viên để cập nhật kiến thức và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.
Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân trở về với cộng đồng. Ảnh: BVCC.
Những vụ cấp cứu điển hình như tham gia cấp cứu, điều trị cho hàng trăm vụ bỏng hàng loạt do cháy nổ như vụ nổ pháo tại Đại Bái (Bắc Ninh năm 2003); vụ cháy nổ tại Nhà máy Z121 Phú Thọ (năm 2013), rơi máy bay MI-171 (năm 2014), rơi trực thăng quân sự tại Lào (năm 2015), cháy nổ tàu biển tại Quảng Ninh (2/2023). Trong nhiều vụ thảm họa, các bác sĩ đã cứu sống được gần 100% số nạn nhân.
Chữa bỏng bằng cây cỏ tới phương pháp hàng đầu thế giới
Khi đơn vị mới thành lập, chiến tranh ác liệt nhiều khó khăn thử thách, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Các thầy thuốc của Khoa Bỏng đã nghiên cứu, áp dụng nhiều bài thuốc, vị thuốc từ cây cỏ, thảo dược tự nhiên sẵn có ở Việt Nam. Nhờ đó, nhiều thương bệnh binh và người dân bị bỏng do bom Napal, phốt pho trắng, Tecmit và các loại vũ khí gây cháy khác đã được điều trị.
Những năm qua, chất lượng điều trị bỏng không ngừng tăng lên, có nhiều tiến bộ trong chăm sóc bệnh nhân toàn diện, góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống, chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Nhiều kỹ thuật mới và hiện đại được áp dụng trong lĩnh vực bỏng, phẫu thuật tạo hình, liền vết thương, phục hồi chức năng.
Bệnh viện đã kết hợp tốt y học hiện đại với y học cổ truyền. Nhiều sản phẩm từ y học cổ truyền đã được nghiên cứu, hiện đại hóa và ứng dụng rộng rãi trong điều trị như Berberin, Maduxin, B76, Selaphin, Dampomate... góp phần nâng cao chất lượng và giảm giá thành điều trị.
Bệnh viện chú trọng phát triển các công nghệ bảo quản mô ghép, công nghệ mô, nuôi cấy tế bào. Điển hình là sản xuất và bảo quản các vật liệu thay thế da tạm thời như trung bì da lợn, da ếch; sản xuất các sản phẩm nuôi cấy như tấm nguyên bào sợi da đồng loại; tấm tế bào sừng tự thân; hỗn dịch tế bào sừng tự thân, các sản phẩm tế bào gốc từ màng dây rốn, mô mỡ, huyết tương giàu tiểu cầu... Trung tâm Liền vết thương của bệnh viện hiện đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về công nghệ mô và tế bào.
Các kỹ thuật viên của bệnh viện làm chủ nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: BVCC.
Trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo đã có sự phát triển đáng kể, ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong dự phòng và điều trị sẹo co kéo sau bỏng, dị tật bẩm sinh, di chứng của các bệnh lý khác. Điển hình là các kỹ thuật vi phẫu, siêu vi phẫu, xạ trị nông, laser...
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Lâm, Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, cho biết mỗi năm bệnh viện đã thu dung, cấp cứu và điều trị từ 7.000-9.000 bệnh nhân bỏng và di chứng bỏng, phục hồi chức năng, vết thương cấp tính, mạn tính. 5 năm gần đây số lượng người đến thăm khám tại bệnh viện có xu hướng tăng hơn, trong số này có nhiều bệnh nhân nước ngoài như: Trung Quốc, Nga... Hầu hết bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác bỏng mức độ vừa, nặng và rất nặng, bỏng có nhiều biến chứng phức tạp, bỏng đặc biệt như bỏng hô hấp, tiêu hóa và bỏng hàng loạt do thảm họa cháy nổ.
Phương Thúy