Hành trình bác sĩ cứu thai nhi dị tật tim bằng can thiệp trong bụng mẹ

Hành trình bác sĩ cứu thai nhi dị tật tim bằng can thiệp trong bụng mẹ
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 17/7 theo tin từ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), các bác sĩ tại bệnh viện vừa đón một bé trai chào đời khỏe mạnh bằng can thiệp bào thai. Bé trai này nặng hơn 3,2kg và đây là ca can thiệp bào thai thứ 8 của bệnh viện.
Ê-kíp tham gia phẫu thuật lấy thai.
Theo bác sĩ, chị P.T.B.T (36 tuổi), sống tại phường Hiệp Chánh, TP.HCM chưa từng sinh con, trước đó năm 2022, chị bị sẩy thai 1 lần lúc 8 tuần.
Lần này chị tình cờ phát hiện có thai lúc 8 tuần 5 ngày, chị đi khám thai định kỳ 6 lần, lúc 12 tuần xét nghiệm sàng lọc NIPT nguy cơ thấp.
Đến 24 tuần, siêu âm khảo sát hình thái phát hiện dị tật bẩm sinh tim nặng. Sau đó, chị đến Viện Tim kiểm tra 2 lần và phát hiện bé bị hẹp van động mạch phổi nặng, hở van 3 lá nặng và thiểu sản thất phải.
Khi phát hiện em bé có dị tật bẩm sinh tim nặng, chị T rất lo lắng vội lên các trang thông tin điện tử tìm kiếm thông tin thì phát hiện Bệnh viện Từ Dũ đã từng thực hiện thông tim can thiệp bào thai thành công cho các em bé bị dị tật tim bẩm sinh nặng nên 2 vợ chồng quyết định đến bệnh viện khám và điều trị.
Cháu bé chào đời nặng hơn 3,2kg khóc to, khỏe mạnh.
Ngày 16/4, chị T đến Khoa Chăm sóc trước sinh - Trung tâm Can thiệp bào thai của Bệnh viện Từ Dũ để siêu âm tiền sản. Kết quả cho thấy thai nhi ở tuần thứ 25 không có lỗ van động mạch phổi, vách liên thất kín. Sau khi được tư vấn, chị T thực hiện chọc ối; xét nghiệm Array CGH không phát hiện bất thường nhiễm sắc thể.
Tình trạng thai nhi tiếp tục được các bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp theo dõi chặt chẽ. Đến ngày 14/5, khi thai được 29 tuần 2 ngày, nặng khoảng 1.400g, hội đồng chuyên môn của hai bệnh viện tiến hành hội chẩn và xác định thất phải thiểu sản tiến triển, chức năng tim phải suy giảm. Sau khi cân nhắc kỹ giữa nguy cơ và lợi ích, các bác sĩ thống nhất thực hiện thủ thuật thông tim can thiệp bào thai bằng phương pháp nong van động mạch phổi.
Gần 20 thành viên thuộc các ê-kíp: Can thiệp bào thai, gây mê hồi sức và hồi sức sơ sinh đã được huy động, xây dựng kế hoạch chi tiết cho ca phẫu thuật.
Ca can thiệp diễn ra lúc 8h ngày 15/5/2025. Sau khi thực hiện, siêu âm cho thấy dòng máu qua van động mạch phổi lưu thông tốt, không xuất hiện tràn dịch màng ngoài tim.
Bốn giờ sau can thiệp, huyết động của mẹ ổn định. Tim thai được kiểm tra lại, ghi nhận dòng chảy qua van vẫn thuận lợi, không có biến chứng. Chị T sau đó được chuyển về phòng theo dõi hậu can thiệp.
Những ngày tiếp theo, chị có dấu hiệu căng bụng, xuất hiện cơn gò nhẹ. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc cắt cơn gò tối đa và duy trì điều trị trong hai tuần, đến khi tình trạng ổn định và cho xuất viện.
Từ đó, chị tái khám định kỳ. Qua mỗi lần kiểm tra, thai phát triển toàn diện, các chỉ số đều nằm trong giới hạn bình thường. Buồng thất phải tăng kích thước dần theo tuổi thai, chức năng co bóp cả hai thì tâm thu và tâm trương đều khả quan.
Ngày 9/7/2025, khi thai được 37 tuần 1 ngày, ước lượng cân nặng đạt 3.147g, ngôi mông, các chỉ số doppler đều ổn định. Đến ngày 14/7, sau hội chẩn, bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ khi thai tròn 38 tuần.
Sáng 15/7/2025, BS.CKII Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và BS.CKII Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, cùng ê-kíp trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật lấy thai.
Chỉ sau 5 phút, bé trai nặng 3.250g đã cất tiếng khóc lớn, chào đời khỏe mạnh trong sự xúc động của toàn bộ nhân viên y tế.
Ngay sau sinh, bé được kiểm tra sơ bộ cho thấy nhịp thở và tuần hoàn đều ổn định, không cần hỗ trợ y tế. Siêu âm tim tại chỗ xác nhận cấu trúc 4 buồng tim cân đối, dòng máu lưu thông qua van động mạch phổi ổn định. Bé được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục theo dõi chuyên sâu.
Sau mổ, sức khỏe của sản phụ phục hồi tốt. Ngay ngày đầu, chị đã tự đi lại, vệ sinh cá nhân dễ dàng. Vết mổ khô, không đau và chị có thể ăn uống gần như bình thường.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/hanh-trinh-bac-si-cuu-thai-nhi-di-tat-tim-bang-can-thiep-trong-bung-me-192250717194400814.htm