Diện mạo nông thôn mới Kim Sơn ngày càng khởi sắc.
Phát huy vai trò của cộng đồng
Huyện Kim Sơn bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện là huyện miền biển có nhiều khó khăn: Công tác lập quy hoạch vùng huyện, cũng như công tác lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của các xã còn một số hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung cục bộ quy hoạch. Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tế để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn còn lúng túng. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phụ phát triển còn chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chưa đồng bộ; kinh tế và tổ chức sản xuất dù đã có chuyển biến nhưng chưa bền vững, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn huyện mới chỉ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động ở cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường... Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 8,32%.
Trước khó khăn trên, với quyết tâm cao, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập nhằm khai thác và phát huy tối đa mọi nguồn lực. Trong đó xác định cộng đồng đóng vai trò quan trọng và quyết định trong quá trình xây dựng NTM. Sự tham gia tích cực của người dân không chỉ làm tăng hiệu quả của chương trình mà còn củng cố sự đoàn kết, tạo nên cộng đồng dân cư văn minh, giàu bản sắc.
Để phát huy tối đa vai trò của cộng đồng, huyện Kim Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM; xây dựng các mô hình điểm để người dân học hỏi và làm theo. Tổ chức các cuộc họp để tạo điều kiện cho người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện các dự án. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân, đặc biệt là về kỹ thuật sản xuất và quản lý.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Kim Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư góp phát triển nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, các địa phương đã phát động, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng NTM thông qua các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; “Ngày thứ Bảy xanh, Ngày Chủ nhật sạch”…
Các phong trào thi đua được phát động rộng khắp, đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia đóng góp tâm sức, trí tuệ, ngày công, tài chính để xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông, nhà văn hóa, trường học; tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước; tham gia vào việc quản lý các công trình công cộng, bảo vệ tài sản chung, giải quyết các vấn đề phát sinh trong cộng đồng.
Trong 14 năm (2009-2024), toàn huyện đã huy động trên 4.647 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 21%; vốn ngân sách Nnhà nước đầu tư trực tiếp cho Chương trình chiếm 20%; vốn tín dụng chiếm 20%; vốn huy động từ doanh nghiệp chiếm 12% và vốn tham gia của cộng đồng dân cư chiếm 48%. Đến hết năm 2024, cấp huyện không có nợ trong xây dựng nông thôn mới; cấp xã cũng đã được bố trí các nguồn thanh toán xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2022-2025.
Nhân dân tham gia đóng góp hơn 170 tỷ đồng, gần 200 nghìn ngày công lao động, hiến gần 100 ha đất, tháo dỡ hơn 1.500 m2 tường rào, chặt bỏ hàng nghìn cây ăn quả lâu năm... để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, dồn điền đổi thửa, cải tạo đường giao thông nội đồng; xây dựng hàng chục km đường cây, đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Từ sự đóng góp, ủng hộ của Nhân dân và sự đầu tư của Nhà nước, nhiều hạng mục công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Đến nay, 100% số xã đã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số thôn, xóm có đường ngõ, xóm bằng bê tông; đường giao thông trục chính nội đồng cơ bản được cứng hóa đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện kiên cố hóa trên 185 km kênh mương, 97,33% diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp, thoát nước chủ động, góp phần tạo đòn bẩy cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Trong xây dựng NTM, Kim Sơn đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Theo đó, Huyện ủy, HDND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài huyện...
Với thế mạnh của huyện ven biển, huyện Kim Sơn đã tập trung khai thác tiềm năng vùng bãi bồi bằng cách thay đổi phương thức thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ, tôm sú, cua rèm, cá bống bớp, cá vược, ngao... Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thâm canh như: sử dụng nhà lưới để nuôi 3 vụ/năm; sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nuôi; sử dụng hệ thống sục khí để tăng mật độ con nuôi… Các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với nuôi quảng canh truyền thống.
Hiện nay, hoạt động sản xuất ngao giống, hàu giống, cua xanh đang được người dân quan tâm đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu của các tỉnh lân cận (Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh). Hiện toàn vùng đã có 301 trại sản xuất hàu giống, ngao giống...
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường các biện pháp thúc đẩy nuôi trồng thủy sản nước ngọt và chuyển dịch cơ cấu trồng lúa theo hướng từ nâng cao năng suất sang nâng cao chất lượng, lúa đặc sản, sản xuất theo hướng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường… Đã hình thành một số vùng sản xuất thủy sản nước ngọt tập trung, quy mô từ 5 - 20 ha, tập trung ở một số xã như: Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính, Văn Hải, Kim Tân, Kim Mỹ... Đồng thời đã hình thành nhiều vùng sản xuất lớn chuyên canh với nhiều giống lúa có giá trị kinh tế cao.
Kim Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất lớn với nhiều giống lúa có giá trị kinh tế cao.
Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 ha của huyện Kim Sơn những năm vừa qua luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Năm 2024, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 196 triệu đồng/năm, cao nhất cả tỉnh, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2009. Đến năm 2024, toàn huyện có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có một số sản phẩm gắn với đặc trưng, thế mạnh của huyện như sản phẩm từ cói và bèo của xã Quang Thiện, cơm cháy, mật ong sú vẹt… Sản phẩm OCOP đã đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn và từng bước phát huy giá trị sản phẩm từ làng nghề, nghề truyền thống của địa phương.
Song song với đó, huyện tập trung phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp, HTX, làng nghề truyền thống cũng như hộ sản xuất công nghiệp cá thể được hỗ trợ đầu tư và phát triển về công nghệ, chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Sự phát triển của ngành công nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động với mức thu nhập khá cao và ổn định.
Cùng với phát triển kinh tế, Kim Sơn đặc biệt chăm lo xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới an toàn, lành mạnh, con người Kim Sơn văn hóa - văn minh, thân thiện, mến khách thông qua việc tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách và nếp sống văn hóa mới cho các tầng lớp Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn; kiên quyết đấu tranh chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Phong trào thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, thôn (xóm) văn hóa, khu dân cư NTM kiểu mẫu, gia đình văn hóa được các cấp, các ngành và Nhân dân quan tâm hưởng ứng, chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên. Năm 2011, toàn huyện mới có 57,7% thôn, xóm được công nhận “Thôn, xóm văn hóa”, 37,6% gia đình đạt gia đình văn hóa; 48,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, đã có 97,1% thôn, xóm được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, 91,27% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 87,65% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hóa NTM mới theo quy định. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn huyện diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia và ngày càng phát triển rộng khắp. Toàn huyện có 32% số người dân luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, có 30% số gia đình thể thao.
Sau hơn 11 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với sự đồng thuận tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân, Kim Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM sớm hơn 2 năm so với kế hoạch tỉnh giao, năm 2022 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM; là một trong những huyện đầu tiên của cả nước được công nhận NTM theo bộ tiêu chí của giai đoạn 2021-2025 với yêu cầu và chất lượng cao hơn. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 68,5 triệu đồng/người/năm (khu vực nông thôn đạt 67,29 triệu triệu đồng/người/năm; khu vực thành thị đạt 82,62 triệu đồng/người/năm). Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 (đã trừ hộ không có khả năng lao động) trên địa bàn các xã đều dưới 1,5%.
Kết quả này tạo tiền đề để huyện tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao các tiêu chí NTM, hướng tới mục tiêu phấn đấu sớm đưa huyện Kim Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao (trong giai đoạn 2025-2030).
Đinh Ngọc