Hành trình của đá Cô Tô

Hành trình của đá Cô Tô
9 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Út gắn bó với công việc này hơn 3 thập kỷ. Ông nhớ lại thời điểm còn phải dùng tay đục từng khối đá, công việc đòi hỏi sức mạnh, sự chính xác và kiên nhẫn. "Bây giờ có máy hỗ trợ, cắt đá nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn phải có kỹ thuật” - ông Út chia sẻ. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, kết thúc vào 16 giờ 30 chiều. Dưới cái nắng gay gắt và bụi đá mịt mù, những người thợ cặm cụi làm việc, tạo ra từng sản phẩm đá có kích thước tiêu chuẩn.
Đá ở Cô Tô chủ yếu là đá răng hô, có màu xanh hơi sậm, chắc chắn, thích hợp làm nền nhà, hàng rào. Sau khi khai thác từ núi, đá được chuyển xuống bãi tập kết, thợ sẽ cắt gọt theo đơn đặt hàng. Mỗi khách hàng có nhu cầu khác nhau, có người đặt hàng trăm cây đà dài 1,2m, có người chỉ lấy vài chục cây ngắn. Ông Út chỉ việc làm đúng yêu cầu, còn khâu phân phối sẽ do đại lý đảm nhiệm.
Những khối đá lớn trải qua nhiều công đoạn gia công trước khi đến tay người tiêu dùng. Việc cắt gọt đòi hỏi sự chính xác cao, bởi nếu đá có kết cấu không đồng đều hoặc bị nứt vỡ, giá trị sử dụng sẽ giảm đáng kể. Ông Út nhấn mạnh: "Có “đá đẹp” thì làm nhanh, “đá xấu” thì phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo chất lượng”.
Ông Nguyễn Văn Út gắn bó với nghề chẻ đá tại Cô Tô
Sau khi hoàn thiện, đá thành phẩm sẽ được thương lái thu mua, phân phối khắp nơi. Theo bà Lâm Ngọc Truyền (chủ cơ sở kinh doanh đá), mỗi tháng bà phân phối khoảng 3.000m³ đá các loại, từ đá bụi xây nền, đá 0x4 đổ đường đến đá mi dùng đổ bê-tông, làm lu. Khách đặt nhiều lắm, có lúc bà không có hàng để bán, vì phải chờ công ty khai thác. Giá đá dao động từ 195.000 - 317.000 đồng/m³, gần như không đổi suốt 1 năm qua.
Dù thị trường ổn định, nhưng không phải ai cũng theo nghề lâu dài. Thu nhập dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/ngày, tùy theo tay nghề và sức khỏe. "Hiện tại, ít người trẻ theo nghề đá. Họ làm chuyện khác, ví dụ làm cho công ty. Tôi nhận thấy mình đã lớn tuổi, làm ở ngoài sẽ thoải mái hơn, tuổi này vào công ty không ai nhận nữa” - ông Út trầm ngâm.
Ngoài sự vất vả về thể chất, nghề chẻ đá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, như thời tiết và nguồn cung nguyên liệu. Những ngày mưa lớn hoặc giông bão, công việc phải tạm dừng vì không thể sử dụng máy cắt. Đôi khi, xe tải chở đá từ núi xuống bị hư hỏng, thợ cũng phải nghỉ chờ. Tuy nhiên, đại lý luôn cố gắng duy trì nguồn cung để người thợ có thu nhập đều đặn.
Bà Truyền bày tỏ lo lắng: "Nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào công ty khai thác. Nếu công ty còn hoạt động, mình còn việc. Nếu họ ngừng, mình chẳng làm gì khác được”. Điều này cho thấy, tương lai của nghề chẻ đá ở thị trấn Cô Tô không chỉ phụ thuộc vào người lao động, mà còn chịu tác động lớn từ sự phát triển của ngành khai thác khoáng sản và thị trường xây dựng.
Sự phát triển của vật liệu hiện đại như bê-tông, gạch men có thể khiến nhu cầu sử dụng đá tự nhiên giảm dần. Tuy nhiên, trong những công trình đòi hỏi độ bền cao, tính thẩm mỹ, đá Cô Tô vẫn giữ vị trí quan trọng. Các công trình như chùa chiền, bia đá hay dự án xây dựng yêu cầu sự vững chắc vẫn ưu tiên loại đá này, nhờ khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít bị ẩm mốc và phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.
Dẫu vậy, những khối đá từ Cô Tô vẫn tiếp tục hành trình của mình, từ ngọn núi cao đến từng nền nhà, con đường. Và người thợ như ông Út vẫn ngày ngày miệt mài, cần mẫn với nghề. Họ là người giữ cho nghề chẻ đá không bị lãng quên, để phiến đá xanh ấy tiếp tục ghi dấu trên công trình qua năm tháng.
BÍCH GIANG
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/hanh-trinh-cua-da-co-to-a415763.html