Hành trình của gốm Biên Hòa - Đồng Nai Hỗ trợ đồng bào giới thiệu sản phẩm thủ công

Hành trình của gốm Biên Hòa - Đồng Nai Hỗ trợ đồng bào giới thiệu sản phẩm thủ công
7 giờ trướcBài gốc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tham quan khu trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Phú. Ảnh: S.Thao
Thời gian qua, nhiều hình thức hỗ trợ đồng bào bán hàng đã được hình thành. Điều này góp phần quảng bá sản phẩm, văn hóa và giúp đồng bào các DTTS duy trì nghề, tạo việc làm cho cộng đồng.
Giúp bà con bán hàng
Mỗi ngày, chị Ngọc Thiếu (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) đăng tải các sản phẩm của bà con DTTS lên mạng xã hội. Trong số những sản phẩm này, nổi tiếng và bán chạy nhất là món khâu nhục, gà trống thiến.
Chị Ngọc Thiếu cho hay, nhờ kênh bán hàng này, bà con dân tộc Hoa, Tày, Nùng ở địa phương có nhiều đơn hàng, cải thiện thu nhập.
Tương tự, nhiều năm qua bà Quách Thị Hồng Nguyệt (dân tộc Mường, xã Phú Túc, huyện Định Quán) vừa làm rượu cần vừa tìm mối bán hàng qua mạng. Bà Nguyệt cho biết, trước đây người dân sử dụng đồ uống này chủ yếu trong các cộng đồng DTTS. Tuy nhiên, do sự độc đáo của đồ uống, hợp khẩu vị nên ngày càng có nhiều người mua. Từ đó, bà đăng tải sản phẩm lên trang cá nhân để giới thiệu và nhận đặt hàng theo yêu cầu.
Đồng Nai là nơi sinh sống của trên 64,5 ngàn gia đình DTTS với gần 200 ngàn người thuộc 51 thành phần DTTS. Năm 2025, có 154 cá nhân tiêu biểu được cộng đồng bầu chọn là người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Khi đơn hàng nhiều hơn, việc làm rượu cần diễn ra quanh năm và có thêm nhiều lao động tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm. Điều này không chỉ giúp gia đình bà có việc làm ổn định mà nhiều bà con khác trong cộng đồng cũng có việc làm. Ngoài ra, các hộ trồng những loại lá dùng trong quá trình ủ rượu cũng bán được hàng nhà mình trồng, cơ sở sản xuất vò rượu bán được nhiều sản phẩm hơn so với trước kia.
Thời gian qua, bà con dân tộc Mạ tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú) vẫn duy trì dệt thổ cẩm, làm măng khô. Để giúp bà con bán hàng, nhiều người trẻ đã đưa các sản phẩm của cộng đồng mình lên mạng xã hội để giới thiệu, tìm kiếm khách hàng.
“Tôi ăn măng khô nấu vịt vài lần nhưng không hề biết nguyên liệu làm măng khô là loại măng le mọc tự nhiên, khi tươi loại măng này có vị đắng hơn măng trồng. Sau đó, măng này được bà con sơ chế loại bỏ phần vỏ, luộc chín, tước sợi hoặc xé miếng to rồi phơi hoặc sấy khô… Điều này tôi biết được qua các bài viết của các bạn trẻ bán hàng là đồng bào DTTS” - bà Trần Thị Thu (thành phố Biên Hòa) nói.
Để giúp bà con người Mạ có thêm kênh bán hàng thổ cẩm, các sản phẩm được trưng bày ở Khu du lịch Nhà dài Tà Lài và Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) để bán cho du khách. Bà Ka Rỉn cho hay, nhờ có sự kết nối này mà sản phẩm bà con làm ra có được nơi trưng bày và bán cho du khách. Đồng thời, thông qua các kênh mạng xã hội, những sản phẩm dệt thổ cẩm được giới thiệu rộng rãi hơn.
Tạo động lực để đồng bào giữ nghề
Thời gian qua, chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con quảng bá, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm, duy trì nghề truyền thống.
Theo Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Nguyễn Văn Khang, nhằm giúp bà con DTTS quảng bá sản phẩm, tại các chương trình, sự kiện được tổ chức của đồng bào DTTS thường bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, trong các hoạt động triển lãm, hội chợ thương mại được tổ chức ở huyện, tỉnh và khu vực, chính quyền các cấp đều tạo điều kiện để cơ sở sản xuất hàng thủ công của đồng bào được tham dự, trưng bày và bán hàng. Như tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024 diễn ra vào cuối tháng 11-2024, Ban tổ chức đã hỗ trợ đồng bào các DTTS trưng bày 11 gian hàng với hàng trăm sản phẩm, trong đó có đồ dệt thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, thực phẩm truyền thống...
Cũng trong năm 2024, 11 sự kiện tương tự được tổ chức tại các huyện, thành phố, góp phần quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào.
Đặc biệt, để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, giai đoạn 1 từ 2023-2025, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024. Theo đó, Đồng Nai bố trí 571 tỷ đồng từ nhiều nguồn để thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, trong số này có hỗ trợ nghề nghiệp trên các lĩnh vực.
Bà Ngô Thị Giúp, người uy tín trong đồng bào DTTS của ấp 4, xã Phú Hòa (huyện Định Quán) chia sẻ, ấp có hơn 100 gia đình DTTS Tày, Nùng. Từ nhiều năm về trước, bà con tại đây đã có nghề nuôi dê trên những rẫy đá tổ ong. Để giúp bà con phát triển nghề nuôi dê và làm giàu từ nghề truyền thống, chính quyền các cấp đã hỗ trợ bà con thành lập tổ hợp tác nuôi dê. Bà con tham gia được chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhằm chủ động phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi; được hỗ trợ một phần vốn chuyển đổi qua các giống dê năng suất cao hơn…
Bên cạnh đó, để giữ gìn các nghề thủ công truyền thống, bà con DTTS còn được hỗ trợ duy trì các lớp truyền nghề. Như tại làng DTTS Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) lớp truyền dạy dệt thổ cẩm được chính quyền phối hợp cùng các nghệ nhân dạy nghề cho 50 thành viên trong cộng đồng.
Còn theo ông Bùi Văn Nam (dân tộc Mường, xã Suối Nho, huyện Định Quán), ông gắn bó với nghề làm rượu cần từ nhiều năm. Để duy trì nét văn hóa của cộng đồng, ngoài việc cha truyền con nối, ông sẵn sàng truyền nghề cho những ai trong cộng đồng thật tâm theo học. Nhờ vậy mà nghề truyền thống của dân tộc không mất đi mà được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng.
Sông Thao
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/hanh-trinh-cua-gom-bien-hoa-dong-nai-ho-tro-dong-bao-gioi-thieu-san-pham-thu-cong-75006ba/