Trọn nghĩa thủy chung
Trong buổi tiếp đón hai vị khách quý đến từ Thụy Sĩ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên xúc động chia sẻ: Việc treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) Việt Nam hơn 50 năm trước là hành động quả cảm, mang động cơ vô cùng cao đẹp. Vượt qua khó khăn, chấp nhận cả rủi ro tính mạng, họ đã hành động không vì mưu cầu lợi ích cá nhân mà vì hòa bình, công lý, vì cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, thống nhất của một quốc gia khác.
Thay mặt người dân Việt Nam đang sống trong hòa bình, độc lập, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn sâu sắc tới bạn bè quốc tế, những người đã tranh đấu đòi hòa bình và công lý cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn những hy sinh, cống hiến của bạn bè quốc tế. Âm thầm và lặng lẽ nhưng lý tưởng và sự dấn thân vì hòa bình, vì lẽ phải của họ chính là nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay biết trân trọng các giá trị lịch sử, thêm hiểu sâu, hiểu kỹ về cuộc đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Việt Nam ngày nay đã thiết lập quan hệ đối tác với nhiều cường quốc trên thế giới, song không vì thế mà chúng ta quên ân tình với những người bạn cũ. Nếu việc treo cờ được thực hiện bởi một công dân Pháp hay công dân Italy thì cũng dễ hiểu, vì phong trào phản chiến ở các quốc gia này thời gian đó rất sôi nổi.
Ông Olivier Parriaux (bên phải) và ông Bernard Bachelard tham dự cuộc gặp do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 18-11. Ảnh: BẢO NGÂN
Nhưng đây lại là những công dân Thụy Sĩ - một quốc gia giàu có, ổn định, thịnh vượng bậc nhất, nổi tiếng với chính sách trung lập duy trì hàng thế kỷ nay. Không có lý do gì buộc họ phải đấu tranh cho một quốc gia xa xôi, ít mối liên hệ. Nhưng họ đã tự nguyện đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp, vì hòa bình và công lý, vì tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam... Những chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh khiến chúng tôi thêm thấm thía về lòng biết ơn, tình nghĩa thủy chung son sắt của nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, những người từng hết lòng ủng hộ độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước Việt Nam.
Giáo sư Trình Quang Phú là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, nguyên chuyên viên của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông có mặt tại Paris từ tháng 11-1968, được chứng kiến một giai đoạn lịch sử trong cuộc hòa đàm Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Giáo sư Trình Quang Phú nhìn nhận sự chào đón của người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh dành cho 2 người bạn Thụy Sĩ là biểu hiện của tình cảm nồng ấm được vun đắp, gìn giữ suốt 55 năm qua. Với ông, câu chuyện về lá cờ MTDTGPMN Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ tái hiện một dấu ấn lịch sử đặc biệt mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế, là sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại, qua đó khẳng định: Bạn bè quốc tế luôn sát cánh, đồng hành với nhân dân, đất nước Việt Nam trên con đường đấu tranh vì hòa bình, công lý và chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Những dữ liệu quan trọng
Sau đêm giao lưu do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức, thật may mắn, chúng tôi tìm được clip quay lại sự kiện lá cờ MTDTGPMN Việt Nam tung bay trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris trong kho lưu trữ của British Pathe, một hãng sản xuất phim tư liệu và thời sự uy tín của Anh thập niên 1970.
Vài ngày sau, một đồng nghiệp từ Hà Nội báo tin vui: Đã tìm được một cuốn sách quý đề cập tới sự kiện đặc biệt này. Đó là cuốn “Chung một bóng cờ”, viết về MTDTGPMN Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1993. Trên trang đầu cuốn sách ghi đầy đủ Hội đồng biên tập với những tên tuổi “cây cao bóng cả” như nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Cố vấn hội đồng); nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch hội đồng), Thượng tướng Trần Văn Trà, Thượng tướng Trần Nam Trung, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (Chủ biên)...
Tại trang 207 của cuốn sách, bài “Việt kiều hướng về Tổ quốc” của tác giả Trần Công Tấn có đoạn: “Có một buổi sáng, cả Paris náo động như trời rung đất chuyển. Mọi nhà vang tiếng gọi nhau: Nhanh lên! Ra mà xem trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris kìa! Mọi người đang mặc đồ ngủ, đổ ra ban công, ra đường nhìn lên phía đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà cao chót vót, một lá cờ đỏ-xanh-sao vàng của MTDTGPMN Việt Nam đang phất phới tung bay... Chúng tôi bỏ hết cả việc, không thèm tới sở, thôi đi kiếm sống, cứ đứng như trời trồng mà nhìn lên lá cờ.
Lá cờ lặng lẽ vẫy chào Paris, vẫy chào những con Việt tha hương. Niềm tự hào xúc động nén chặt trong lòng đã trào ra thành nước mắt. Chúng tôi khóc. Khóc hồn nhiên. Các bạn Pháp thấy chúng tôi khóc cũng sụt sùi chia sẻ niềm vui. Tôi thầm cảm ơn vị anh hùng vô danh nào đó, chẳng biết người Pháp hay Việt, đêm qua trong bóng tối điệp trùng đã dũng cảm leo lên giữa lưng chừng trời cao để treo lên lá cờ Mặt trận, như thắp lên ngọn đuốc của niềm tin”.
Trên Tạp chí Lịch sử quân sự số 253, phát hành tháng 1-2013, trang 79 có đoạn: “Để chào mừng Phái đoàn MTDTGPMN Việt Nam đến Paris dự hội nghị, đêm 19-1-1969, có ai đó đã leo lên tòa tháp cao nhất của Nhà thờ Đức Bà Paris để treo lá cờ của Mặt trận. Sớm hôm sau, rất nhiều người đã tập trung xung quanh nhà thờ để chiêm ngưỡng sự kiện có một không hai đó. Cảnh binh Pháp phải huy động cả trực thăng tới để gỡ lá cờ đi. Suốt mấy ngày sau, báo chí Pháp vẫn còn bàn tán về hình ảnh hy hữu này”.
Như vậy, các dữ liệu trên, cùng với những thước phim chân thực về hình ảnh lá cờ MTDTGPMN Việt Nam tung bay trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 19-1-1969 cho thấy, sự kiện này đã được xác thực.
Trở về Hà Nội, qua nhiều tầng nấc kết nối, chúng tôi liên hệ với một số bà con kiều bào ta đang sinh sống tại Pháp và được xác nhận: Lá cờ MTDTGPMN Việt Nam, sau khi được lính cứu hỏa Sở Cảnh sát Paris gỡ xuống chiều 19-1-1969, hiện đang được lưu giữ tại Sở Cảnh sát Paris.
PHƯƠNG THẢO - LINH OANH