Hành trình của ông Yoon: Từ công tố viên sáng giá đến tổng thống Hàn Quốc bị phế truất

Hành trình của ông Yoon: Từ công tố viên sáng giá đến tổng thống Hàn Quốc bị phế truất
20 giờ trướcBài gốc
Từng được ca ngợi là một công tố viên “chống tham nhũng” với thành tích đưa hai cựu tổng thống Hàn Quốc gồm Park Geun-hye và Lee Myung-bak vào tù, ông Yoon Suk-yeol dần mất đi sự ủng hộ ngay cả trước khi nhậm chức tổng thống nước này hồi năm 2022, theo hãng tin Korea Herald.
Cử tri từng nghĩ rằng nhiệm kỳ của ông Yoon sẽ trôi qua dù tỉ lệ ủng hộ có hơi thấp. Tuy nhiên, giữa nhiệm kỳ, ông đã gây chấn động toàn cầu khi đột ngột ban bố thiết quân luật vào ngày 3-12, khiến ông trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.
Kể từ đó, trước mắt ông là một tương lai đầy thử thách.
Từ công tố viên đặc biệt đến tổng thống bị luận tội
Hành trình chính trị của ông Yoon gắn liền với hàng loạt cuộc điều tra đặc biệt nhằm vào những nhân vật quyền lực nhất thời bấy giờ.
Năm 2016, ông Yoon nổi lên với vai trò công tố viên chính trong vụ án tham nhũng của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye. Kết quả là bà Park trở thành nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất.
Ông Yoon Sul-yoel khi là người đứng đầu Văn phòng Công tố Trung ương Seoul năm 2017. Ảnh: HERARD DB
Một năm sau, ông Yoon được Tổng thống Moon Jae-in bổ nhiệm làm lãnh đạo Văn phòng Công tố viên Trung ương Seoul. Đến năm 2019, ông tiếp tục được ông Moon giao trọng trách Tổng Công tố – vị trí công tố viên quyền lực nhất đất nước.
Trên cương vị này, ông Yoon mở cuộc điều tra chống lại Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk – một đồng minh thân cận của ông Moon – liên quan đến các cáo buộc tham nhũng của vợ và con ông này. Chỉ sau 36 ngày nhậm chức, ông Cho Kuk buộc phải từ chức.
Hành động này châm ngòi cho hàng loạt xung đột giữa ông Yoon và chính quyền Moon Jae-in lúc bấy giờ.
Đến tháng 3-2021, ông Yoon từ chức Tổng Công tố và 2 tháng sau đó chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống.
Mặc dù là một chính trị gia “tay ngang”, ông Yoon đã đánh bại đối thủ theo đường lối tự do Lee Jae-myung với cách biệt sít sao 0,73%, trở thành tổng thống có chiến thắng sát nút nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Khủng hoảng, bê bối và những cuộc đối đầu chính trị
Nửa đầu nhiệm kỳ của ông Yoon bị bao trùm bởi các cuộc đối đầu gay gắt với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Ông phủ quyết tổng cộng 25 dự luật, chỉ đứng sau cố Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee với 45 lần phủ quyết.
Nhiều dự luật bị bác bỏ liên quan đến các cuộc điều tra nhắm vào Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee. Bà Kim bị cáo buộc vi phạm luật chống tham nhũng khi nhận quà xa xỉ trị giá hơn 5 triệu won (3.730 USD), bao gồm một túi Christian Dior từ một mục sư, và dính líu đến một vụ thao túng chứng khoán.
Phe đối lập cũng tố cáo ông Yoon và vợ can thiệp vào quá trình đề cử ứng viên của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2022 và bầu cử Quốc hội tháng 4-2024.
Ông Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Ảnh: YONHAP
Những bê bối này khiến tỷ lệ ủng hộ ông Yoon rơi vào vùng nguy hiểm, chỉ dao động quanh mức 20-30%. Giới quan sát từng dự đoán ông sẽ chỉ “cầm chừng” trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Nhưng tất cả thay đổi vào đêm ngày 3-12-2024, khi ông Yoon bất ngờ tuyên bố thiết quân luật. Ông ra lệnh cho quân đội và cảnh sát phong tỏa, chiếm giữ tòa nhà Quốc hội, đồng thời bắt giữ một loạt chính trị gia đối lập.
Hàn Quốc lập tức rơi vào khủng hoảng chính trị.
Ngày 14-12-2024, Quốc hội chính thức luận tội ông Yoon với tội danh nổi loạn. Ngày 15-1, ông bị bắt giữ, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị bắt và truy tố.
Sau 111 ngày kể từ khi nhận kiến nghị luận tội, Tòa án Hiến pháp phán quyết bãi nhiệm ông Yoon. Phiên xét xử kéo dài với 11 phiên điều trần và kỷ lục 5 tuần nghị án.
Ông Yoon có thể đối mặt án chung thân
Bên cạnh phán quyết của Tòa án Hiến pháp, ông Yoon sẽ tiếp tục hầu tòa về tội danh nổi loạn vào ngày 14-4 tới. Nếu bị kết tội, ông có thể đối diện với án tử hình hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Yoon sẽ nhận án chung thân, bởi Hàn Quốc chưa thi hành án tử nào kể từ năm 1997.
Giờ đây, ông Yoon đã bị tước bỏ mọi quyền lợi hiến định của một tổng thống, và phải ra tòa với tư cách một công dân bình thường.
Hiến pháp quy định tổng thống được miễn trừ truy tố trong thời gian đương nhiệm, nhưng đặc quyền này không áp dụng với tội danh nổi loạn.
Giống như vụ án tham nhũng của bà Park Geun-hye, vụ án nổi loạn của ông Yoon nhiều khả năng sẽ kéo dài đến tận Tòa án Tối cao.
Một chuyên gia pháp lý nhận định rằng những tuyên bố của ông Yoon trong phiên tòa luận tội có thể trở thành bằng chứng bất lợi trong phiên tòa hình sự.
“Việc ông Yoon thừa nhận đã ra lệnh triển khai quân đội đến Ủy ban Bầu cử Quốc gia có thể gây bất lợi trong phiên xử sắp tới. Điều này có thể giúp các công tố viên củng cố lập luận buộc tội ông, thậm chí mở rộng thêm các cáo buộc mới” - Giáo sư Lee Chang-hyun thuộc trường Luật (ĐH Ngoại ngữ Hankuk) nhận định.
DƯƠNG KHANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/hanh-trinh-cua-ong-yoon-tu-cong-to-vien-sang-gia-den-tong-thong-han-quoc-bi-phe-truat-post842583.html