1. Theo đường chim bay, khoảng cách từ Hà Nội đến Machu Picchu gần 20.000 km. Trên thực tế, chúng tôi vượt qua trên 22.000 km, theo lộ trình: Hà Nội - Tokyo - Mexico City - Panama - Lima - Cusco - Machu Picchu. Trong đó, tất cả đều là đường hàng không, riêng đoạn từ Cusco thì đi xe bus đến Ollantaytambo, sau đó đi xe lửa đến Machu Picchu.
Tác giả tại Macchu Picchu, một trong 7 kỳ quan thế giới.
Sau hai tuần thăm Mexico, chúng tôi quá cảnh Panama trước khi bay sang Peru. Chúng tôi đến thủ đô Lima của Peru vào cuối chiều. Tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm. Nhà báo Ngô Hà Thái và tôi lần đầu đến đây. Nhà báo Lưu Vạn Kha, người rất giỏi tiếng Tây Ban Nha, nhiều lần đến các nước Mỹ Latin nhưng cũng chưa từng đến Peru. Khi được hỏi lý do nhập cảnh, tôi trả lời ngắn gọn: "Tôi muốn thăm đất nước tuyệt vời của các bạn, muốn đến Machu Picchu. Nghe điều ấy, anh nhân viên an ninh cửa khẩu giơ ngón tay cái lên tán đồng khi đóng dấu vào hộ chiếu của vị khách từ Việt Nam xa xôi. Chắc anh đã nghe nhiều du khách từ các quốc gia nhắc đến Macchu Pichu khi đến đây.
Anh Trần Trung Hiếu, giám đốc một doanh nghiệp của người Việt ở Peru, đón chúng tôi ở sân bay, giúp chúng tôi lên chương trình và chuẩn bị chuyến đi này.
Trong Bảo tàng Tiền Colombo ở Cusco.
Lima với những tòa nhà cổ kính, đường phố đông đúc lướt qua trong nắng chiều. Chúng tôi về khách sạn Casa Andina, một khách sạn khá đẹp gần bờ biển. Chiều ấy, chúng tôi có dịp dạo qua các khu phố, ăn tối ở quán nhỏ gần bờ biển, cảm nhận nhịp điệu thường ngày ở đây. Anh chủ quán tên là Ispen cho biết vợ chồng anh bán loại bánh tráng với nhân thịt và các loại rau, gọi là bánh Sait này từ lâu. Đây là một món ăn dân tộc của người Peru. Từng đĩa bánh tráng trên chảo lửa đỏ rực, đặt lên bàn còn nóng hổi, uống với nước ngô đỏ mang lại hương vị khác lạ.
Tôi nhớ tới lời khuyên của bà Patricia Yolanda, Đại sứ Peru tại Việt Nam trước chuyến đi, rằng nhớ trải nghiệm văn hóa ẩm thực Peru. Bởi lẽ, nhiều món ăn ở đây có sự kết hợp độc đáo giữa các nguyên liệu địa phương và phong cách chế biến đa dạng như ceviche, món "cocktail" hải sản tươi sống và các món ăn từ khoai tây và nhiều loại thực phẩm khác.
2. Theo lịch trình, ngày hôm sau chúng tôi ra sân bay từ sớm để đi thành phố Cusco. Cách thủ đô Lima hơn 1.000km, Cusco ra đời vào năm 1100, một trong những điểm thu hút du khách ở Peru. Cusco từng là kinh đô lịch sử đế chế Inca, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nằm bên dãy Andes với phong cảnh tuyệt vời, Cusco mang chiều sâu lịch sử, một vẻ đẹp đa dạng. Sự kết hợp giữa các công trình cổ của người Inca và kiến trúc Tây Ban Nha sau này biến Cusco thành nơi gặp gỡ của hai nền văn hóa.
Từ trên cao, dãy Andes chạy dài trong tầm mắt. Thành phố nằm trên những triền đồi rộng. Khi máy bay nghiêng cánh, trên một ngọn đồi lớn hiện lên dòng chữ "Welcome to Cussco". Chúng tôi về trung tâm. Trần Trung Hiếu đã đặt chỗ khách sạn 5 sao hàng đầu ngay phố cổ. Giá phòng khá đắt nhưng tiện lợi, nhất là với khách du lịch ngắn ngày. Khi thanh toán tiền phòng, nhà báo Lưu Vạn Kha trả bằng tiền Sol của Peru, khách sạn lại quy đổi sang USD bằng tỷ giá của họ nên giá càng đắt thêm. Nhưng du khách rất đông nên cũng không có sự lựa chọn khác.
Cung đường đi Macchu Pichu.
Điều đáng ngại nhất là Cusco ở độ cao 3.400 mét. Một số du khách không quen với độ cao đã phải bỏ dở hành trình khi đến đây. Không khí loãng, áp suất cao là một thách thức với người có tuổi. Phòng reception của khách sạn đã có một bàn nước với những loại lá gọi là mate. Người không quen với độ cao uống nước lá mate sẽ dễ chịu hơn. Tôi cũng uống loại nước có vị thơm chát này và lắng nghe cơ thể mình. Tất cả đều thấy ổn nên chúng tôi đi thăm thành phố ngay.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là Quảng trường Plaza de Armas nằm ở trung tâm thành phố. Một đài phun nước ở giữa quảng trường, nơi có bức tượng một vị thần trong trang phục cổ của người Inca, một tay cầm ngọn giáo, một tay chỉ ra phía trước như vẫy gọi các thần dân tiến lên. Bức tượng nổi bật trên nền trời, phía sau là những ngọn núi cao. Quanh quảng trường là cuộc sống nhiều vẻ ở Cusco. Từng đôi trai gái ngồi trên ghế dài. Bên cạnh những người bán hàng thủ công, người hát rong, có mấy phụ nữ bế những con Lama nhỏ đi mời du khách chụp ảnh. Nhà thờ chính đang mở cửa, dọc bờ tường có các lẵng hoa hồng. Tiếng chuông chiều ngân trong không gian yên bình.
Từ quảng trường, giữa cơn mưa phùn nhỏ, se lạnh như những ngày đầu đông ở Hà Nội, chúng tôi đi thăm đền Coricancha, Bảo tàng nghệ thuật Tiền Colombo, Tu viện Sangto Domingo, chợ San Pedro và một số nơi khác. Đền Coricancha được xây dựng vào thế kỷ 15 và là một trong những công trình nổi tiếng từ thời Inca, sau có sự kết hợp với phong cách kiến trúc Tây Ban Nha. Đền là nơi thờ thần Mặt trời và được coi là trung tâm tôn giáo và văn hóa của Vương quốc Inca. Đền Coricancha được xây dựng bằng các khối đá lớn, có hình chữ nhật bao gồm các phòng thờ, điện và các hành lang.
Cusco nhìn từ trên cao.
Bảo tàng nghệ thuật Tiền Colombo đông du khách dù giá vé vào cửa khá đắt. Các trưng bày đồ gốm, đồ trang sức và các hiện vật khác cho người xem một cái nhìn tổng quan về lịch sử và sự phát triển thời kỳ đầu của Peru, từ trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ 16. Tu viện Sangto Domingo được xem là một trong những công trình linh thiêng của đế chế Inca. Tu viện được xây dựng bằng những phiến đá lớn, độ chính xác cao. Chợ San Pedro là nơi người ta có thể mua nhiều loại hàng hóa trong vùng, từ thực phẩm, quần áo đến các đồ lưu niệm. Chiều ấy, chúng tôi có bữa ăn trong quán nhỏ liền bên chợ. Khi màn đêm buông trên phố muôn màu, những lâu đài cổ đổ bóng xuống lòng đường đá nhỏ, những điệu nhảy theo tiếng nhạc dân gian tạo nên một buổi tối không quên về Cusco.
Buổi sáng ở Cusco, không khí loãng và rất khó thở. Cusco thật đẹp trong buổi bình minh. Từ đây, chúng tôi theo anh Hugo, hướng dẫn viên du lịch kiêm lái xe đi tham quan vùng ngoại ô, nơi có làng bản của người dân địa phương, những trang trại rải rác giữa rừng. Một trong những nơi dừng chân là bản Ware Ucha, nơi du khách có thể xem các nghệ nhân trình diễn nghề dệt cổ truyền. Các quầy sản phẩm khá phong phú.
Chúng tôi thăm nhà ông Barely Ly, người dệt sợi len từ lông con Lama. Đây là loại vật thuộc chi lạc đà ở Nam Mỹ, được thuần hóa dùng làm sức kéo, lấy thịt, da và lông để dệt len. Quầy hàng của gia đình ông Barely Ly có nhiều loại khăn, áo và mũ. Ông bà Barely Ly rất vui khi biết chúng tôi là khách từ Việt Nam tới. Họ biết Việt Nam ở châu Á, rất xa Peru, và chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên họ gặp. Buổi trưa chúng tôi quay về trung tâm thành phố để chuẩn bị lên đường đi Macchu Pichu, đích đến cuối cùng của hành trình này.
Chợ Pandro ở Cusco.
3. Từ Cusco đến Macchu Pichu hơn 180 km, có thể đi bằng tàu hỏa toàn tuyến hoặc bằng xe bus trước khi đi tàu hỏa đoạn cuối cùng. Chúng tôi đi xe bus để ngắm cảnh và chụp ảnh dọc đường. Xe bus nhỏ, chỉ khoảng hai chục khách nhưng có nhiều chuyến xe chạy trong ngày, khách có thể lựa chọn. Quang cảnh hai bên đường thật đẹp, một bên các ngọn núi thuộc dãy Andes nối nhau, nhiều chỗ vực sâu chênh vênh. Một bên là bình nguyên, đồng cỏ và làng mạc. Những thị trấn nhỏ bên đường, nhà thấp, dân thưa, yên bình. Xe dừng ở một điểm giữa đường, nơi có điểm check-in cho khách. Người ta dựng các kè đá bên cạnh vực, làm một cây cầu nhô ra để có thể chụp ảnh. Những người phụ nữ trang phục truyền thống dắt những con Lama đi giữa cảnh núi đồi rất ấn tượng.
Chúng tôi chuyển sang đi tàu hỏa từ ga Ollantaytambo vì không có sự lựa chọn khác. Từ đây lên Macchu Pichu chỉ có một đường tàu hỏa này, xây dựng riêng để chở khách du kịch. Ga tàu đông kín khách. Phải nhanh tay để làm các thủ tục chuyển tiếp. Chuyến tàu ngược núi khoảng 2 tiếng, vượt qua thung lũng Valle Sagrado, dọc theo sông Urubamba dưới chân dãy Andes, để đến thị trấn Aguas Calientes, nơi dừng chân trước khi lên Macchu Pichu.
Hành khách trên tàu đến từ rất nhiều quốc gia. Cô Lady, người phục vụ trên toa chúng tôi, dáng nhỏ nhắn nhanh nhẹn. Sau khi ổn định mọi việc, trên đường đi, cô và bạn đồng nghiệp còn mặc trang phục dân tộc, trình diễn những bài hát dân gian phục vụ mọi người.
Bà Zanet là hướng dẫn viên du lịch cho biết, năm 2024, có khoảng hơn 2 triệu du khách đến Macchu Pichu. Còn trước đại dịch COVID-19, trong điều kiện bình thường, số lượng khách đến đây khoảng 4 triệu người.
Ở thị trấn Aguas Calientes.
Vào khoảng năm 1450, Pachacutec, Quốc vương Inca đầu tiên, khi đến Macchu Pichu rất ấn tượng với địa thế hiểm trở, biệt lập của vùng này. Quốc vương quyết định xây dựng một khu thành với các công trình nguy nga nhất. Macchu Pichu ra đời từ đấy, một đỉnh cao của nền văn minh Inca. Macchu Pichu đã trải qua rất nhiều thăng trầm, hàng trăm năm bị lãng quên do những biến động của lịch sử. Vào năm 1911, thế giới bắt đầu chú ý nhiều đến Macchu Pichu nhờ những phát hiện của Hiram Bingham, một nhà sử học Hoa Kỳ. Nhà khảo cổ này đã tiến hành các công việc nghiên cứu, khảo sát toàn bộ vùng này và đặt tên "Thành phố đã mất của người Inca" cho Macchu Pichu trong cuốn sách của ông.
Tất cả các công trình tại Machu Picchu đều theo phong cách kiến trúc Inca. Những khối đá rất lớn được cắt xẻ để có thể được ghép khít vào nhau mà không cần vữa. Macchu Pichu có khoảng 140 công trình kiến trúc, gồm các đền, đài, cung điện, công viên, nhà ở. Các đài phun nước được nối với các kênh và ống dẫn nước tới từng ngôi nhà.
Chúng tôi đến thị trấn Aguas Calientes vào cuối chiều. Một thung lũng hẹp, mỗi chiều chỉ hơn 1km, dày đặc khách sạn các loại. Tất cả khách du lịch đều ở đây để chờ lên Macchu Pichu. Chúng tôi tự tìm đường về Hotel Mantu Boutique, một khách sạn nhỏ nhưng rất ấm cúng và tiện nghi.
Vấn đề chúng tôi lo suốt dọc đường là chưa có vé lên Macchu Pichu. Khách du lịch đi theo tour hầu hết đã có vé từ trước. Chúng tôi tự đi, đến nơi mới có thể mua vé nhưng loại vé bán tại chỗ mỗi ngày cho khách tự do rất hạn chế. Vì vậy, ngay khi vừa đặt hành lý ở sảnh, Ni, cô quản lý khách sạn đưa chúng tôi ra ngay phòng vé để xếp hàng lấy số. Với sự nhiệt tình của cô, chúng tôi đã nhận được những tờ giấy hẹn gần như cuối cùng trong ngày. Mấy tiếng sau, qua mấy vòng rồng rắn xếp hàng, chúng tôi mới mua được vé.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy từ rất sớm để lên đường. Hàng người chờ xe kéo dài đến tận cuối con phố chính ở thị trấn. Khách lên theo từng chuyến ô tô, sau khi được kiểm tra vé và hộ chiếu. Nhiều người từ các nơi trên thế giới tìm đến Macchu Pichu. Đứng trong hàng người đông kín, đủ mọi màu da này mới cảm nhận hết sức hút kỳ lạ của vùng đất này.
Xe ngược lên độ cao 2.430 mét. Quang cảnh tuyệt vời. Một bên núi cao, một bên vách dựng. Dòng sông Urubamba cuộn chảy dưới vực sâu. Khi chúng tôi lên đến đỉnh, sau lớp sương đang tan dần, trong nắng vàng, thành cổ Macchu Pichu hiện ra rực rỡ. Một kiến trúc tiêu biểu cho văn minh Inca gần 600 năm tuổi. Một vẻ đẹp vĩnh hằng do con người tạo ra. Từ trên cao nhìn xuống, khu thành đá sẫm màu thời gian, từng công trình riêng lẻ kết nối trong một tổng thể hài hòa, trải dọc trên sườn núi. Đỉnh Huayna Picchu ở phía sau như tấm lá chắn cho toàn bộ khu thành.
Machu Picchu có ba khu vực lớn: Khu vực linh thiêng dành cho Inti, vị thần Mặt trời; khu hoàng gia và khu dành cho dân chúng, xen kẽ với quảng trường và những công trình hạ tầng. Lăng Nghi lễ được sử dụng trong các dịp lễ và hiến tế. Rất may là trời nắng nên chúng tôi có thể ghi lại những hình ảnh ưng ý. Một buổi sáng đi vòng quanh núi, trời lạnh, mồ hôi đẫm người nhưng không cảm thấy mệt khi được chiêm ngưỡng từ mọi góc độ kỳ quan thứ bảy này của thế giới.
4. Chuyến trở lại Lima là một hành trình dài và khá mệt. Chúng tôi theo đường cũ đi xe lửa, xe bus về Cusco. Chuyến bay từ Cusco về Lima bị chậm nên khoảng một giờ sáng mới đến nơi.
Sáng hôm sau, chúng tôi dành thời gian thăm khu phố cổ Lima. Thành phố ra đời vào năm 1535, từng được đặt tên là "Thành phố của các vua", là một trung tâm lớn của Nam Mỹ trong lịch sử. Lima có nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn Tây Ban Nha, với các quảng trường, các nhà thờ, tu viện, cung điện và các tòa nhà cổ có phong cách kiến trúc kết hợp giữa Hispano và Baroque.
Chúng tôi đã thăm Tu viện San Franchso de Lima, Quảng trường San Martín, các nhà thờ San Francisco, La Soledad và El Milagro, Đại học San Marcos. Buổi sáng ấy, trên quảng trường trung tâm trước tòa thị chính có một cuộc mít tinh về bảo vệ môi trường. Rất đông người dân, trong đó có cả các cháu học sinh đứng nghe đại diện của chính quyền thành phố thuyết trình về vấn đề này. Người Lima thân thiện và mến khách là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với những người bán hàng, sĩ quan cảnh sát hay lái xe taxi ở đây.
Những phụ nữ ở Cusco.
Những ngày ở Peru, chúng tôi có dịp đến thăm công ty Btel, chi nhánh của Tập đoàn Viettel tại Peru. Trụ sở Btel là một ngôi nhà cao tầng nằm ngay ở khu phố chính của thủ đô. Thành lập năm 2014, 10 năm qua, Btel có doanh thu tăng trưởng trung bình 38%/ năm. Btel hiện có 8.500 trạm phát sóng và 40.000km cáp quang, phủ sóng toàn bộ các bang ở Peru, cả ở những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất như rừng Amazon hay các thành phố Cusco, Ancash…
Cùng với dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Btel là một trong hai dự án đầu tư quan trọng của Việt Nam ở Peru. Bằng công việc của mình, họ đang vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Peru ngày thêm phát triển. Peru, đất nước rộng lớn với 32 triệu dân, GDP bình quân đầu người khoảng 14.000 USD/năm, đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn, hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Cùng với những trải nghiệm qua hành trình từ Lima, Cusco đến Macchu Pichu, hình ảnh các anh - những người Việt Nam trẻ tại đây - để lại những ấn tượng mạnh mẽ khi chúng tôi rời đất nước Peru tươi đẹp và mến khách.
Trần Mai Hưởng