Hành trình đi tìm sự thật của con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Hành trình đi tìm sự thật của con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
10 giờ trướcBài gốc
1. Bộ phim là hành trình của Craig McNamara - con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, tác giả của cuốn sách “Because our fathers lied” (Vì cha chúng tôi nói dối) - tìm lại sự thật của cuộc chiến. Tập 1 của bộ phim sẽ đi theo hành trình của ông Robert McNamara và lý giải tại sao người Việt Nam có thể thắng được cuộc chiến ấy. Tập 2 là hành trình của Craig McNamara - hành trình chuyển biến tâm lý của một cậu bé con của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trở thành một người phản chiến cuộc chiến tranh mà bố mình là "kiến trúc sư trưởng".
Ông Craig McNamara dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Ảnh: VTV)
“Cuộc đọ sức của ý chí” cũng mở ra một điều lớn hơn là sự mâu thuẫn sâu sắc trong các gia đình Mỹ, đi sâu vào mặt tâm lý - từ câu chuyện của hai bố con nhà McNamara, đó cũng chính là câu chuyện của nước Mỹ.
Nhà báo Lê Hoàng Linh - đại diện cho ê kíp cho biết: “Qua góc nhìn của người Mỹ, bộ phim sẽ khắc họa một cách chân thực và sống động sự kiên gan, anh dũng, ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam, tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo Việt Nam kiệt xuất đã dám đương đầu với siêu cường quân sự số một thế giới để tạo nên một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam, làm rung chuyển thế giới”.
Chia sẻ trong phần mở đầu, ông Craig McNamara đã cho người xem một góc nhìn đầy tính cá nhân về người cha của mình, một nhân vật nổi tiếng không chỉ đối với nước Mỹ - Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. "Tôi là Craig McNamara, một người nông dân trồng hạt óc chó, hạnh nhân và ô liu tại California, Mỹ. Thế nhưng, cuộc đời của một người nông dân như tôi lại liên quan đến một cuộc chiến cách xa nước Mỹ đến nửa vòng trái đất - cuộc chiến tranh tại Việt Nam" - ông Craig mở đầu phần giới thiệu về bản thân mình.
"Cha tôi, Robert McNamara, được Tổng thống mời làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông đã ngồi ở chiếc ghế này trong 8 năm, trung thành phục vụ cả Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson. Chiếc ghế này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tôi. Từ chiếc ghế này, ông đã đưa ra những quyết định thay đổi ông mãi mãi, thay đổi tôi mãi mãi, thay đổi quốc gia và cả thế giới này mãi mãi" - ông Craig McNamara nói tiếp - "Trong nhiệm kỳ của ông, 8 năm, từ năm 1961 cho đến 1968, cho đến khi ông từ chức hoặc là bị Tổng thống Johnson sa thải, cha tôi đã chỉ đạo cuộc chiến tại Việt Nam".
Ông đã đặt ra những câu hỏi: "Vào tháng 5/1995, cha tôi nói rằng chúng tôi đã sai, một sai lầm khủng khiếp và chúng tôi nợ các thế hệ tương lai một lời giải thích tại sao. Nhưng cha ơi, cha đã bao giờ đến Việt Nam và hỏi người dân Việt Nam tại sao hay chưa? Tại sao chúng ta sai? Tại sao người Việt Nam có khao khát thống nhất Tổ quốc mạnh mẽ đến như vậy?". Và ông quyết định quay trở lại lịch sử, đến Việt Nam để lắng nghe, để khiêm tốn học hỏi và để cố gắng trả lời câu hỏi đó trong khả năng của mình”.
Ông Craig đã sang Việt Nam trong 8 ngày cùng ê kíp VTV đi 6 tỉnh, thành, thăm lại những nơi gắn với ông Robert McNamara trong thời gian chiến tranh như bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng), hàng rào điện tử McNamara, sân bay Tà Cơn, khu căn cứ B1 Hồng Phước, Ia Đrăng… gặp nhiều người dân Việt Nam và những cựu chiến binh trong giai đoạn đó.
Nhiều cuộc gặp gỡ đã khiến ông lặng người, xúc động. Đó là cuộc gặp gia đình anh hùng Bảy Đen - một nhân chứng quan trọng của trận đánh Ấp Bắc. “Cha của các chị có hy sinh khi đang làm nhiệm vụ không”, ông hỏi người con gái anh hùng Bảy Đen. Bà cho ông xem bức thư ông Bảy Đen gửi cho các con trước khi mất: “Các con Hồng và Ánh thân yêu, đã hơn 1 năm rồi xa cách con, ba nhớ lắm. Ba mong sau này khi các con khôn lớn, nếu ba hy sinh rồi, các con cố làm sao cho tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước, quê hương. Gửi các con nhiều cái hôn”.
Ông Craig nắm chặt bàn tay của con gái người anh hùng và nói: “Tôi buồn biết bao, các chị mất cha, còn với tôi, cha tôi đã đưa ra những quyết định mãi mãi thay đổi tiến trình lịch sử và tôi cũng mất cha theo cách khác, tôi không thể giao tiếp với ông để hiểu tại sao ông lại là kiến trúc sư của cuộc chiến tại Việt Nam???”.
MC Lina Phạm chia sẻ: “Craig là một nhân vật đặc biệt, có chính kiến và quan điểm riêng. Mặc dù là con một người nổi tiếng nhưng ông đã chọn con đường đối nghịch hẳn với bố. Không những quan điểm và tư tưởng về cuộc chiến khác cũng như sự lựa chọn cuộc đời khác mà những hành động của ông cũng vô cùng khác. Ông là người phản chiến trong khi bố ông là tác giả của cuộc chiến. Ông lựa chọn trở thành một người nông dân thay vì một chính khách hay tinh hoa vì ông muốn rời xa thế giới của bố mình.
Đến bây giờ, ông đã có 5 thập kỷ gắn bó với đất đai, cây trồng. Đấy theo tôi là sự dũng cảm, dám bứt mình ra khỏi môi trường thuận lợi, dám tách mình ra khỏi luồng chảy đã được định hình bởi bố mình. Ông là người có trách nhiệm. Mặc dù cuộc chiến là do bố gây ra, nhưng là con của bố, ông nghĩ mình phải có trách nhiệm phần nào sửa chữa những sai lầm mà bố đã gây ra. Đó cũng là động lực để ông ra mắt cuốn sách và tham gia ê kíp làm phim của chúng tôi”.
2. Đây là bộ phim tâm huyết của ê kíp VTV theo đuổi hơn 1 năm qua. Nhà báo Lê Hoàng Linh chia sẻ, ê kíp đã mất nhiều tháng trời mới thuyết phục được ông Craig McNamara nhận lời tham gia.
“Ông Craig đã chịu nhiều nỗi đau trong quá khứ, vì thế tiếp cận ông vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để ông ấy có thể kể lại câu chuyện dưới góc nhìn của ông về chiến tranh bằng sự chân thành. Khi ghi hình, bản thân ông giờ đây có cơ hội để lên tiếng hoặc sẽ không bao giờ. Lòng tin là cái rất khó có được ngay lập tức nên Craig cũng mất nhiều thời gian để xem xét. Ông ấy mong manh và dễ tổn thương, sợ mình bị lợi dụng và bản thân câu chuyện của ông ấy rất nhạy cảm, nên ông cũng cẩn trọng trong việc chọn ai để kể câu chuyện của mình”.
Anh nói thêm: "“Cuộc đọ sức của ý chí” mở ra một điều lớn hơn là sự mâu thuẫn sâu sắc trong các gia đình Mỹ, đi sâu vào tâm lý của các nhân vật. Câu chuyện của hai bố con nhà Craig cũng chính là câu chuyện của nước Mỹ".
Ê kíp làm phim đã đưa ông Craig đi qua 6 tỉnh, thành Việt Nam.
Ê kíp làm phim đã có 3 tuần ở Mỹ, tiếp cận và phỏng vấn khoảng “50 nhân vật”. Họ đã gặp nhiều học giả, nhà sử học ở Boston, những nhà báo rất nổi tiếng như Fredrick Logeval - giáo sư Đại học Harvard, người đã giành giải Pulitzer, giáo sư Chris Appy. Đây là hai nhân vật có tiếng nói hàng đầu nước Mỹ, trong giới nghiên cứu về lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Hai ông đã mang đến góc nhìn vô cùng hay về Robert McNamara và quãng thời gian từ 1965 đến 1975.
Ê kíp cũng phỏng vấn được bà Frencis Fitzgerald, tác giả cuốn sách nhận giải Pulitzer, “Fire in the lake”. Ngoài ra những người làm phim còn gặp một người đã từng tham chiến tại Việt Nam với tư cách là cựu binh và một nhà phản chiến, gặp bà Patricia Ellberg - phu nhân của “người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ” Daniel Ellsberg, người đã gây chấn động thế giới khi tung ra hồ sơ Lầu Năm Góc năm 1971; Ron Haeberle- nhiếp ảnh gia chụp loạt bức ảnh về thảm sát Mỹ Lai năm 1968…
“Cuộc đọ sức của ý chí” đã lý giải vì sao Robert McNamara thua mặc dù ông luôn tự tin rằng: "Mọi tính toán định lượng đều cho thấy chúng ta đang thắng cuộc chiến này". Đó là những dữ liệu định lượng được, còn những dữ liệu không định lượng được thì sao? Robert McNamara bỏ qua yếu tố X - Cảm xúc con người. Những sai sót nghiêm trọng trong giả định của McNamara, là người Mỹ sẽ không bao giờ thất bại" - ông Fredrick Logeval nói - "Yếu tố X mà McNamara không bao giờ tính được chính là ý chí ngoan cường, bất khuất của người Việt Nam". McNamara đã bỏ qua yếu tố X một cách đơn giản như thế và sau đó không lâu, chính yếu tố này đã cho ông ta những cú sốc...
“Cuộc đọ sức của ý chí” nói lên những mâu thuẫn khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có mâu thuẫn ở các gia đình có người tham gia chiến tranh… Tất cả để nói lên cuộc đọ sức của ý chí, của khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Linh Nguyễn
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/hanh-trinh-di-tim-su-that-cua-con-trai-cuu-bo-truong-quoc-phong-my-i767065/