Hành trình gạo Việt – vài lát cắt từ Luật Đất đai

Hành trình gạo Việt – vài lát cắt từ Luật Đất đai
6 giờ trướcBài gốc
Đất đai là một vấn đề quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: H.P
Là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu, nhiều người kỳ vọng hạt gạo Việt có thể ghi tên mình trên bản đồ thế giới, chứ không chỉ dừng lại ở việc thu về hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ hoạt động xuất khẩu. Hành trình xây dựng tên tuổi gạo Việt Nam cho thấy đã từng gặp trở ngại trong việc ổn định chất lượng mà phía sau đó là việc thiếu vắng những vùng trồng với quy mô lớn và chất lượng được kiểm soát đồng bộ. Trở ngại này có thể khắc phục một phần đáng kể thông qua các chính sách về pháp luật đất đai, nơi những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến tư liệu sản xuất của ngành lúa gạo.
Khuyến khích hình thành vùng trồng có quy mô lớn
Không phải ngẫu nhiên mà tại buổi đối thoại với nông dân diễn ra vào cuối năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh đất đai là một vấn đề quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể hơn, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai và phát huy cao nhất hiệu quả từ đó.
Yêu cầu của Thủ tướng gợi nhắc đất đai là tài nguyên không thể thiếu nếu muốn phát triển nông nghiệp hay cụ thể hơn là trồng lúa. Trong nhiều năm qua, pháp luật vẫn duy trì chính sách bảo vệ đối với đất trồng lúa, như đặt ra hạn mức giao đất cũng như trình tự, thủ tục khắt khe nếu muốn chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang loại đất khác.
Trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, pháp luật đất đai đặt hạn mức giao đất cho cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 2-3 héc ta tùy khu vực, còn hạn mức nhận chuyển nhượng thì bằng 10 lần hạn mức giao đất, tức khoảng 20-30 héc ta. Hạn mức này làm người nông dân khó tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, vốn là một điều kiện thúc đẩy áp dụng công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hệ quả của ngưỡng giới hạn này đâu đó đã phản ánh qua những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún, không đủ diện tích để áp dụng quy trình canh tác đồng bộ và qua đó gián tiếp làm chất lượng hạt gạo không ổn định.
Nhận diện được các vấn đề trên, Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực vài tháng gần đây, đã chính thức ghi nhận việc tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là một trong những chính sách được khuyến khích trong việc đầu tư vào sử dụng đất đai(1). Đây là quy định chưa từng được ghi nhận trong các đạo luật đất đai trước đó, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc phát triển những vùng trồng quy mô lớn, có thể áp dụng các công nghệ hiện đại và quan trọng nhất là đồng bộ về chất lượng đầu ra.
Rõ ràng, một định hướng chung như vậy là phù hợp, để mở ra các quy định cho cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia vào việc phát triển các vùng trồng tập trung.
Khuyến khích cá nhân và tổ chức kinh tế
Đối với cá nhân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì hạn mức nhận chuyển nhượng đã được nâng từ 10 lần lên 15 lần mức giao đất(2), tức một cá nhân có thể nhận hạn mức lên tới 45 héc ta để trồng lúa. Đây là hạn mức khá cao so với quy định đã tồn tại trước đó, tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất lúa ở quy mô lớn hơn. Nhưng “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, việc xây dựng những vùng trồng quy mô lớn nhằm đảm bảo chất lượng không thể đến từ những hộ gia đình hay cá nhân nhỏ lẻ. Nó đòi hỏi sự hợp tác, liên kết giữa nhiều cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp. Các quy định về giao đất và sử dụng đất nông nghiệp hay cụ thể hơn là đất trồng lúa, vì vậy cũng cần phải hướng tới các tổ chức kinh tế, thay vì chỉ giới hạn ở cá nhân.
Với Luật Đất đai hiện hành, pháp luật đã cụ thể các điều kiện để tổ chức kinh tế cũng có thể được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; theo đó họ phải xây dựng phương án sử dụng đất và được ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. Đặc biệt đáng chú ý là kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhằm thực hiện dồn điền, đổi thửa để tập trung đất phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước bảo đảm(3).
Nếu nhìn một cách tổng quan, có thể thấy Nhà nước vẫn đang duy trì chính sách bảo vệ đất trồng lúa và cụ thể hơn mục tiêu hình thành những vùng trồng lúa có năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, các quy định mang tính định hướng và khái quát cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để từng bước đạt được mục tiêu đề ra.
Còn đó khả năng cục bộ địa phương
Qua Luật Đất đai 2024, Nhà nước còn cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho những vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao(4). Để xác định các vùng quy hoạch này, cần căn cứ theo các tiêu chí về vùng đất như hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi, kế hoạch sử dụng đất và thậm chí lượng hóa tiêu chí năng suất cao(5). Có thể thấy, việc hướng đến hình thành những vùng trồng lúa có năng suất và đạt chất lượng cao là một bước đi phù hợp, giúp đảm bảo sự đồng bộ trên quy mô lớn, qua đó có thể nâng tầm nhận diện ở cấp độ vùng hay cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, điểm băn khoăn nằm ở chỗ, việc phê duyệt các vùng trồng chỉ được giao về cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Việc phân cấp về ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các vùng trồng có tính hợp lý nhất định. Một mặt, Nhà nước đang cho thấy sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong tổ chức thực thi một điều luật. Mặt khác, việc phân cấp này cũng giúp các địa phương chủ động quyết định theo thực tế, vốn có thể khác nhau giữa các địa phương. Song, nếu muốn xây dựng sự nhận diện ở cấp độ vùng hay quốc gia, chắc chắn sản phẩm gạo không thể chỉ nổi tiếng ở địa hạt một tỉnh thành, mà cần ở phạm vi rộng hơn nữa. Việc chỉ giao cho các địa phương xác định vùng trồng cũng có mặt trái làm giảm sự đồng bộ trong quy hoạch cũng như phát triển một chuỗi giá trị quy mô lớn. Đây có lẽ cũng là vấn đề tồn tại lâu nay khiến hạt gạo Việt loay hoay định vị trên bản đồ thế giới, không thoát khỏi hình ảnh xuất khẩu thô.
Nên chăng, trong việc phê duyệt vùng trồng cũng cần tạo cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương để đảm bảo sự đồng bộ trong quy hoạch vùng trồng, cũng như đảm bảo chất lượng ổn định.
Vài lát cắt từ pháp luật đất đai không thể bao quát hết trở ngại trên hành trình để hạt gạo Việt ghi tên mình trên bản đồ thế giới. Song, với ý nghĩa là pháp luật chi phối đến tư liệu sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung, việc xây dựng và thực thi hiệu quả các quy định pháp luật đất đai sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy sự phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. Từ đó, cũng là cơ sở để chúng ta mở rộng sang sản phẩm khác như cà phê, điều hay cao su. Rất có thể, đây cũng là một chìa khóa quan trọng để phát huy hết nội lực của một quốc gia vốn có truyền thống nông nghiệp.
(1) Điều 8.4 Luật Đất đai hiện hành.
(2) Điều 177.1 Luật Đất đai hiện hành.
(3) Điều 192.3 Luật Đất đai hiện hành.
(4) Điều 182.2 Luật Đất đai hiện hành.
(5) Điều 5 Nghị định 112/2024/NĐ-CP ngày 11-9-2024 của Chính phủ.
Nguyễn Ngô Thành Danh - Nguyễn Thái Hải Lâm
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/hanh-trinh-gao-viet-vai-lat-cat-tu-luat-dat-dai/