Hành trình gian truân bảo vệ ngân hàng hạt giống đầu tiên trên thế giới - Kỳ cuối

Hành trình gian truân bảo vệ ngân hàng hạt giống đầu tiên trên thế giới - Kỳ cuối
20 giờ trướcBài gốc
Kỳ 3: Đại nạn chuột và cái đói chết chóc
Người dân Leningrad rời nơi trú bom sau một vụ không kích của phát xít Đức tháng 12/1942. Ảnh: Sputnik
Lũ chuột đói
Suy dinh dưỡng đã cướp đi hình dáng cơ thể của người dân Leningrad, biến đàn ông và phụ nữ thành những bóng ma, tứ chi của họ nhô ra như xương. Thiếu thực phẩm trầm trọng khiến một số người phải đi săn động vật hoang dã. Chim bồ câu biến mất khỏi Quảng trường St Isaac.
Các gia đình tuyệt vọng vì đói đã ra tay giết thịt những con thú cưng của họ. Đối với Ivanov và các đồng nghiệp của anh, việc mất đi những con vật nuôi ở Leningrad đã gây ra hậu quả nguy hiểm. Các mẫu hạt giống được cất trong các phòng an toàn của tòa nhà có thể chịu được cái lạnh. Nhưng một mối đe dọa khác đã đến.
Mỗi ngày, Ivanov và đồng nghiệp Rudolf Kordon sẽ mở khóa cửa và kiểm tra tình trạng của hộp đựng hạt giống. Trong một lần kiểm tra thường lệ, bỗng có một con chuột nhảy từ trên kệ xuống sàn ngay trước mặt Ivanov. Bị dồn vào góc, nó lao vào Ivanov rồi cắn chân anh. Nếu loài chuột bọ có thể xâm nhập vào các căn phòng khóa kín lưu giữ bộ sưu tập vô giá thì ngân hàng hạt giống sẽ gặp tai họa nghiêm trọng.
Ở thời điểm đó, Leningrad có đến hàng ngàn con chuột đói. Việc đóng cửa các cửa hàng tạp hóa và căng tin đã khiến chúng tuyệt vọng, trong khi chó mèo vắng bóng khiến đám chuột trở nên táo bạo hơn.
Để xử lý lũ chuột, Ivanov và các đồng nghiệp chế tạo những chiếc bẫy thô sơ. Họ còn lấp các lỗ, kẽ hở trên tường và chân tường bằng những mảnh thủy tinh vỡ và bột thạch tín. Mỗi ngày, lũ chuột quằn quại, đói khát mắc kẹt trong chiếc bẫy. Ivanov và đồng nghiệp đưa lũ chuột mắc bẫy ra khỏi tòa nhà mà không giết thịt chúng bởi e ngại lũ gặm nhấm đã nhiễm độc thạch tín.
Làm việc trong những căn phòng lạnh lẽo, với ngón tay sưng tấy, công việc của các nhà khoa học tại Viện thực vật thật khó nhọc. “Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước chúng ta sẽ cần những hạt giống này hơn bao giờ hết”, Ivanov thường nói như vậy để truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp.
Đội ngũ tại Viện thực vật ưu tiên các hạt giống lúa mì, được xếp vào hơn 20.000 hộp, đây sẽ là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất bột mì trong tương lai. Sau đó, họ tiếp tục với mạch đen, yến mạch và đại mạch, tiếp theo là ngô, kê, chi cao lương (bo bo), kiều mạch, đậu và 1.500 hộp khác chứa nhiều loại hạt giống họ đậu. Cuối cùng, các nhân viên buộc chặt hộp đựng hạt giống rau và các loại cây công nghiệp và cây trồng làm thức ăn cho gia súc. Hạt giống thu thập được từ ngăn kéo chưa phân loại được cho vào khoảng 2.500 hộp kim loại.
Ivanov ghi chép lại rằng: "Toàn bộ công việc được thực hiện trong bóng tối lờ mờ của những căn phòng lạnh lẽo với cửa sổ vỡ". Khi hoàn thành nhiệm vụ, nhân viên đã buộc chặt 100.000 hộp, trải rộng trên 40 phòng của Viện thực vật. Cuối cùng, họ khóa các phòng lại và niêm phong cửa ra vào.
Không thể với tới hạt giống, lũ chuột bắt đầu cắn xé nhai nát các tài liệu và gặm chân bàn gỗ của các nhà khoa học. Dần dần, số lượng chuột bắt đầu giảm.
Lòng tin bất diệt
Thi thể và quan tài trên đường tại Leningrad tháng 2/1943. Ảnh: Sputnik
Mùa Thu năm 1941, chiến đấu cơ Liên Xô hỗ trợ tiếp tế thực phẩm cho Leningrad, nhưng những nguồn cung cấp này vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của một phần nhỏ trong số 3 triệu người.
Khi xe điện của thành phố bắt đầu hoạt động cầm chừng rồi không còn chạy nữa, một số lãnh đạo phòng của Viện thực vật đã chuyển vào tòa nhà để tránh phải tiêu hao năng lượng khi lê bước qua tuyết từ nhà đến nơi làm việc.
Đến tháng 12/1941, sức khỏe đồng nghiệp của Ivanov là Aleksandr Shchukin đã yếu đi nhiều. Da của nhà thực vật học này khô và đen lại, mũi thì nhọn hơn, tay ông sưng tấy. Shchukin không còn cạo râu nữa, vì sợ rằng ông có thể bị xước và không ngừng chảy máu. 58 tuổi, nhút nhát và lịch sự, Shchukin đã học tập, sống và làm việc ở Leningrad trong suốt cuộc đời mình, trở thành cộng tác viên nghiên cứu về bộ sưu tập cây trồng công nghiệp và cây trồng làm thức ăn chăn nuôi tại Viện thực vật, đồng thời là chuyên gia về đậu phộng. Kể từ khi phát xít Đức bao vây thành phố, ông đã đưa bản thân vào khuôn khổ. Shchukin đến ngân hàng hạt giống đúng giờ mỗi ngày, năm phút trước khi bắt đầu làm việc. Ông sẽ treo áo khoác và ủng cao su trong phòng để đồ, sau đó biến mất trong phòng làm việc của mình cho đến giờ ăn trưa.
Vadim Lekhnovich, nhà thực vật học được giao nhiệm vụ duy trì bộ sưu tập khoai tây được cất giữ trong tầng hầm của Viện thực vật, đã tìm thấy tia hy vọng trong trách nhiệm của mình. Sau này, Lekhnovich suy ngẫm: “Trong thời gian bị bao vây, mọi người không chỉ chết vì đạn pháo và đói mà còn vì sự vô định trong cuộc sống của họ. Theo cách trực tiếp nhất, công việc đã cứu chúng tôi. Điều đó giúp chúng tôi tận tâm sống trọn vẹn”.
Đội ngũ nhân viên của ngân hàng hạt giống vẫn giữ vững tầm quan trọng của nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, nếu không phải cho chính họ thì cũng cho thế hệ sau. Tuy nhiên, đến giữa mùa Đông, Shchukin và các nhà thực vật học khác gần như không thể duy trì lịch trình làm việc của họ. Phố Herzen là một tuyến đường chiến lược của Hồng quân. Trách nhiệm bảo trì con đường bên ngoài tòa nhà thuộc về đội ngũ nhân viên Viện thực vật. Mỗi ngày, những người có sức khỏe sẽ dọn tuyết và rác, đập vỡ băng.
Ngày 25/12/1941, khi tin tức về khẩu phần tăng lên lan truyền khắp thành phố, Ivanov đã đến kiểm tra Shchukin, người đồng nghiệp anh đã không gặp trong nhiều giờ. Ivanov mở cửa và thấy Shchukin ngồi bất động trên ghế bàn làm việc. Ivanov vội lao đến chỗ đồng nghiệp và lay vai ông. Nhưng cơ thể Shchukin đã cứng đờ và lạnh ngắt, một tay giữ chặt vào ngực. Khi Ivanov cố gắng nới lỏng cánh tay của Shchukin, một gói hạt hạnh nhân rơi xuống bàn. Nhà thực vật học đã chết khi đang ôm chặt những mẫu vật hạt giống mà nếu ăn chúng, ông có thể duy trì mạng sống.
Trong suốt tháng 12/1941 và tháng 1/1942, hơn một chục nhà thực vật học đã chết đói. Trước đó, họ nhất trí không ăn bất kỳ loại hạt giống nào. Trên thực tế, hầu như mọi hạt giống đều có thể ăn được, và 1/4 số hạt giống có thể được trích ra để nuôi sống các nhà thực vật học trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, đối với họ, việc tiêu thụ những mẫu vật này giống như phản bội công sức của hai thập kỷ qua, và hàng ngàn dặm mà lãnh đạo của họ đã đi khắp thế giới để dày công thu thập. Lekhnovich hồi tưởng: “Không thể động đến chúng, đó là công sức cả cuộc đời bạn và đồng nghiệp của bạn”.
Vào năm mới, họ nhận được một bức điện tín từ giám đốc điều hành ngân hàng hạt giống, người đã rời Leningrad vài tháng trước đó. Bức điện tín chỉ đơn giản viết: “Không tiếc bất cứ điều gì để hỗ trợ mọi người”. Thông điệp rất rõ ràng, không ai trách móc các nhà khoa học nếu họ chọn ăn hạt giống để giảm cơn đói.
Mùa Xuân, với những chồi non mới và hy vọng được hồi sinh, đã cận kề. Có đề xuất hy sinh một phần bộ sưu tập để đảm bảo sự sống sót của những nhân viên trung thành trong Viện thực vật và sau đó họ có thể giám sát việc gieo trồng và giúp hồi sinh thành phố. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên đã bác bỏ ý tưởng này. Ivanov nói với các đồng nghiệp: “Chiến tranh rồi sẽ kết thúc và khi đó chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm. Họ sẽ chất vấn chúng ta tại sao không bảo vệ bộ sưu tập”.
Đó là lựa chọn vô cùng khó khăn, hạt giống trong tòa nhà có thể kéo dài cuộc sống của các nhà thực vật học. Nhưng tất cả nhân viên Viện thực vật đều hiểu rằng mục đích của ngân hàng hạt giống một phần là để tạo vùng đệm chống lại nạn đói do dịch bệnh, lũ lụt hoặc chiến tranh gây ra.
Một trong những nhà thực vật học đã soạn một phản hồi cho giám đốc nêu rõ lựa chọn cuối cùng của họ: "Mọi nỗ lực của chúng tôi đều hướng đến việc bảo tồn bộ sưu tập. Bất kỳ câu hỏi nào khác đều không quan trọng".
Câu chuyện về Viện Thực vật là một bi kịch. 19 nhân viên đã hy sinh mạng sống để cứu bộ sưu tập hạt giống. Nhưng đó cũng là câu chuyện về chiến thắng. Vào mùa Xuân năm 1942, các nhà khoa học đã giúp tổ chức chương trình trồng trọt hàng loạt của thành phố, trong đó mọi cm không gian xanh công cộng đều được sử dụng để gieo trồng.
Họ giúp tạo áp phích để hỗ trợ người dân xác định loại cây dại nào có thể ăn được và dạy người trồng trọt nghiệp dư, hướng dẫn họ cách nhân giống khoai tây từ cây giống, giâm cành, ghép, mầm, mắt khoai tây và thậm chí cả vỏ khoai tây.
Đến năm 1967, 40 triệu hecta đất nông nghiệp của Liên Xô được trồng bằng hạt giống có nguồn gốc từ bộ sưu tập của Viện thực vật ở Leningrad. Năm 1979, diện tích đó đã tăng gần gấp đôi. Ngày nay, 90% hạt giống và cây trồng được lưu giữ tại St Petersburg không có trong bất kỳ bộ sưu tập khoa học nào khác trên thế giới.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các nhà khoa học người Anh Sydney Harland và Cyril Darlington đã cùng nhau viết một cáo phó đầy tình cảm cho Vavilov. Họ viết rằng "Khi Leningrad bị bao vây, phần còn lại của bộ sưu tập của ông đã bị những người dân đói khát ăn mất". Lời nói khinh thường này đã làm tổn thương và tức giận các nhà thực vật học sống sót sau cuộc bao vây. Thật đau đớn khi thấy nỗ lực của họ và những đồng nghiệp đã khuất của họ bị xuyên tạc.
Ivanov đã mời Darlington đến thăm Leningrad và tận mắt chứng kiến bằng chứng. Khi Darlington đến, Ivanov dẫn ông qua những hành lang tối tăm và vào những căn phòng lưu giữ bộ sưu tập. Darlington xấu hổ và xin lỗi. Ông giải thích rằng không ai ở Anh có thể tin rằng bộ sưu tập này vẫn tồn tại trong khi những người trông coi và Leningrad đang chịu nạn đói khủng khiếp.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/hanh-trinh-gian-truan-bao-ve-ngan-hang-hat-giong-dau-tien-tren-the-gioi-ky-cuoi-20250115182906464.htm