Hành trình giành học bổng ThS học tập ở 3 nước châu Âu của chàng trai Lào Cai

Hành trình giành học bổng ThS học tập ở 3 nước châu Âu của chàng trai Lào Cai
16 giờ trướcBài gốc
Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 2000, Lào Cai), cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Khoa học máy tính đã xuất sắc giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus bậc thạc sĩ cho chương trình học Software Engineers for green deal.
Học bổng mà Dũng đạt được có trị giá 49 nghìn Euro (gần 1,3 tỷ đồng), trong đó bao gồm học phí, chi phí đi lại và 1 nghìn Euro (26 triệu đồng) sinh hoạt phí hàng tháng. Chương trình học kéo dài trong 2 năm và được trải nghiệm học tập tại ít nhất 3 nước châu Âu là Ý, Phần Lan và Hà Lan.
Để giành học bổng cần chú ý đến tiêu chí “phù hợp” hơn là chỉ chú trọng thành tích
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến Dũng cho biết bản thân đã ấp ủ giấc mơ du học từ lâu nhưng vì một số lý do nên việc này đã trì hoãn khá nhiều lần. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Dũng nhìn lại giấc mơ du học của mình và thực sự quyết tâm theo đuổi nó.
Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã dành hơn 1 năm để tìm hiểu các trường, các học bổng khác nhau và lên danh sách những tài liệu cần chuẩn bị để có một bộ hồ sơ ấn tượng. Dũng cũng gửi lời động viên đến những bạn có mong muốn tìm kiếm học bổng nhưng chưa tự tin vì ít hoạt động xã hội: đây chưa hẳn là một bất lợi mà ngược lại nó còn là cơ hội để các bạn tập trung nhiều hơn vào những thế mạnh vốn có của bản thân, tìm tòi học hỏi để tìm ra được sự phù hợp của bản thân mình với chương trình học mà học bổng tài trợ.
Nguyễn Tiến Dũng (cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã xuất sắc giành học bổng Erasmus Mundus của Liên Minh Châu Âu trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. (Ảnh: NVCC)
Mặc dù có điểm GPA cao cùng với 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành IT với vai trò Kỹ sư AI và Kỹ sư phần mềm nhưng Dũng cũng từng đối diện với cảm giác tự ti khi chưa có được bộ hồ sơ ưng ý và cũng từng nhận về không ít lời từ chối.
“Tôi không có nhiều hoạt động ngoại khóa như các bạn khác nên khi bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ (khoảng nửa cuối năm 2023) tôi mới nhận ra thật sự rất khó để có được một bộ hồ sơ ưng ý. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy tự ti, đó cũng chính là một trong những lí do tôi trì hoãn việc đi du học vì cảm thấy bản thân không đủ giỏi, đủ tốt”, Tiến Dũng nhớ lại.
Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, Dũng nhận ra rằng sự phù hợp mới là yếu tố quyết định nhiều hơn đến khả năng đỗ học bổng chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào thành tích cá nhân. Trước đó khi ứng tuyển vào những học bổng khác, hồ sơ của Dũng bị đánh trượt do chương trình học cử nhân ở Việt Nam chưa có điểm liên quan đến chương trình đào tạo bậc thạc sĩ.
“Sau khi nhận nhiều thư từ chối của các trường vì lý do chương trình học cử nhân của tôi không phù hợp với chương trình thạc sĩ dù tôi rất tự tin là tôi sẽ đỗ, tôi mới hiểu rằng hội đồng tuyển sinh không tìm kiếm những sinh viên giỏi nhất, họ chỉ tìm những người phù hợp nhất.
Việc thể hiện sự đam mê và sự phù hợp của bản thân với chương trình đăng ký là bí quyết quan trọng. Hãy cho hội đồng tuyển sinh thấy những gì bạn có, những gì bạn mong muốn làm, chương trình của họ sẽ hiện thực hóa những mong muốn đó của bạn như thế nào và kế hoạch để bạn thực hiện điều đó ra sao. Ngoài ra cũng nên cân nhắc xem, sự phù hợp này sẽ có ích như thế nào với kế hoạch học tập của bản thân và sự phát triển của toàn ngành", chàng trai 10X cho biết.
Chia sẻ về bí quyết để có một bộ hồ sơ thu hút hội đồng tuyển sinh, nâng cao khả năng trúng tuyển, Tiến Dũng cho hay: “Đầu tiên, các bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng danh sách những chương trình đào tạo bản thân mong muốn theo đuổi để lọc thông tin dần. Tiếp theo, thư động lực và thư giới thiệu cũng là chìa khóa để hội đồng tuyển sinh hiểu về bạn nhiều hơn, bạn cần liên hệ những điểm nổi bật ở bản thân với chương trình học thực tế.
Nếu có thêm vòng phỏng vấn, các bạn không nên chỉ chú trọng đến ngành học mà cần gắn thêm cả mục đích của chương trình. Ví dụ ngành học của tôi là software engineering (kỹ sư phần mềm) cần được song hành với mục tiêu chính của chương trình là sustainability (sự bền vững). Đặc biệt, điều quan trọng nhất là bạn cần chuẩn bị tinh thần vững vàng, không bỏ cuộc nếu nhận được lời từ chối”.
Dũng và các sinh viên đạt học bổng Erasmus Mundus gặp mặt với Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam vào đầu tháng 7/2024. (Ảnh: NVCC)
Chàng trai Lào Cai cũng dành lời khuyên cho các bạn mong muốn chinh phục học bổng nên học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nhất là cần có một người hướng dẫn cùng đồng hành thì việc giành được học bổng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
“Thật may mắn khi tôi có cơ hội được đồng hành cùng một mentor rất tận tâm. Mặc dù chị sống ở Nhật nhưng vẫn nhiệt tình hỗ trợ tôi sửa bài, gợi ý những ý tưởng để bộ hồ sơ của tôi được hoàn thiện nhất. Sau này, khi về Việt Nam chị cũng chia sẻ cho tôi rất nhiều điều về cuộc sống du học sinh ở nước ngoài. Điều này làm tôi cảm thấy tự tin hơn cho hành trình du học của mình”, Tiến Dũng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chàng trai sinh năm 2000 khẳng định chính sự kiên trì, không bỏ cuộc đã giúp bản thân thành công chinh phục học bổng Erasmus Mundus, mở ra cơ hội học tập tại châu Âu.
Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành học của mình, Tiến Dũng bày tỏ, ngành học mà bản thân theo đuổi có điểm đặc biệt là sự kết hợp của Kỹ sư phần mềm và cụm từ “phát triển bền vững”: Software Engineers for sustainability and sustainable software - phát triển phần mềm cho sự bền vững và phát triển phần mềm một cách bền vững.
Đây là điểm nổi bật trong chương trình học của Erasmus bởi thường khi nhắc đến phát triển phần mềm người ta hay nhắc đến việc phải tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất tuy nhiên điều này lại chưa đi kèm với tính bền vững khi hiện nay ngành IT cũng đang là ngành nghề có mức độ phát thải carbon khá lớn gây ảnh hưởng đến môi trường. Bản thân Dũng cũng đã có những tìm hiểu về vấn đề này trước đây và thấy rằng cần gắn công việc của bản thân đi liền với sự phát triển chung của xã hội và cụ thể là môi trường là một hướng đi bền vững, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.
Trải nghiệm học tập ở các Quốc gia trong 2 năm là một hành trình mới mẻ đối với Tiến Dũng. (Ảnh: NVCC)
Mong muốn đóng góp cho ngành IT Việt Nam
Trải qua nhiều lần trì hoãn, khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ cuối cùng Nguyễn Tiến Dũng đã chính thức đặt chân vào hành trình du học tới 3 nước châu Âu. Điểm đặc biệt của học bổng Erasmus Mundus mà Dũng ấn tượng đó là mức tài trợ lớn với 1 nghìn Euro trợ cấp hàng tháng (hiện tại là 1400 Euro với các chương trình mới) và với số lượng tương đối nhiều, chương trình học ở nhiều nước khác nhau nên người học có cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa và làm quen với bạn bè khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi một trường.
Được học tập tại 3 nước châu Âu vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức, chia sẻ về điều này Dũng cho biết: “Việc học tập ở nhiều môi trường khác nhau sẽ cho các bạn nhiều cơ hội được biết về các nền văn hóa và làm quen với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian của mỗi trường chỉ là 1-2 học kỳ nên sẽ khá gấp rút, đòi hỏi bạn cần tập trung tối đa thời gian để nắm bắt trọn vẹn kiến thức.
Có cơ hội ở nhiều nước khác nhau sẽ giúp bạn biết được thêm nơi nào là phù hợp với chính mình, nhưng việc di chuyển nhiều có thể là một bất lợi với một số bạn. Ngoài ra, châu Âu là một nơi có nền văn hóa và ngôn ngữ đa dạng, nên bất lợi về ngôn ngữ cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Cố gắng học một chút tiếng bản địa đôi khi sẽ giúp các bạn dễ thích nghi với môi trường sống hơn. Tôi đã phải học thêm tiếng Ý vì thành phố tôi ở gần như không nói tiếng Anh”.
Trong tháng 9/2024 vừa qua, Dũng đã chính thức có kỳ học tập đầu tiên tại Đại học L’Aquila (nước Ý), với sự chủ động học tập Dũng nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới và trong đầu năm 2025 Dũng sẽ chuẩn bị đặt chân đến với thành phố tiếp theo là Lappeenranta (Phần Lan).
Bên cạnh việc học tập ở châu Âu, Tiến Dũng cũng chú trọng tới việc tham gia hoạt động trong mạng lưới học viên, sinh viên Erasmus để có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế.
“Mạng lưới học viên, sinh viên Erasmus cực kỳ sôi nổi, có rất nhiều hoạt động cho các bạn du học sinh tham gia nhằm trao đổi văn hóa và kết bạn, điều này giúp chúng tôi có thêm sự tự tin và sớm hòa nhập với môi trường xung quanh. Tôi cũng chọn lựa những hoạt động phù hợp để vừa tăng tính kết nối vừa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập ở một đất nước mới. Hoạt động kết nối du học sinh chủ yếu là việc tham gia các hoạt động cộng đồng. Trong thời gian ở Ý tôi cũng may mắn khi có một số bạn học sinh, sinh viên Việt Nam tới trao đổi nên tôi có dịp gặp gỡ với những bạn đồng hương, giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà".
Dũng mong muốn sau khi trở về nước sẽ đóng góp sức mình cho ngành IT tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Tiến Dũng cho biết bản thân mong muốn được trải nghiệm cơ hội làm việc tại Châu Âu để hình dung cụ thể hơn về kiến thức đã được học trên giảng đường đang được ứng dụng thực tế ra sao.
“Tôi mong muốn có cơ hội làm việc tại châu Âu để hiểu cách họ đang làm với ngành của mình như thế nào để tiến tới sự bền vững. Tôi cũng mong muốn có thể mang những kiến thức bản thân học được lan tỏa tới ngành IT tại Việt Nam vì phát triển bền vững cũng là mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới”, Tiến Dũng bày tỏ.
Thảo Lê
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hanh-trinh-gianh-hoc-bong-ths-hoc-tap-o-3-nuoc-chau-au-cua-chang-trai-lao-cai-post248095.gd